Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:31 (GMT +7)
Móng Cái: Phát huy hiệu quả đề án giao đất, giao rừng
Thứ 3, 17/05/2022 | 15:13:15 [GMT +7] A A
Là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn, TP Móng Cái đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc triển khai có hiệu quả công tác giao đất, giao rừng, gắn với hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân. Qua đó, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng càng có thêm sự chung tay thực hiện của cộng đồng dân cư.
Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với việc giao đất, cho thuê đất đối với các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn TP Móng Cái (gọi tắt là đề án giao đất, giao rừng) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1286/QĐ-UBND ngày 27/3/2019.
Những năm qua, TP Móng Cái đã có nhiều giải pháp bài bản để cụ thể hóa chỉ đạo của UBND tỉnh. Bao gồm: Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án của địa phương; rà soát kỹ hiện trạng diện tích đất rừng, diện tích rừng và phân loại rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng bằng vốn ngân sách, rừng do dân trồng, rừng trồng theo dự án của Biên phòng...). Các cơ quan, địa phương liên quan cũng được yêu cầu phối hợp với đơn vị tư vấn trong xây dựng phương án chi tiết, hoàn thiện các bước quy trình, thủ tục đo đạc địa chính, cắm mốc, bàn giao hồ sơ... đúng quy định; gắn với việc lập hồ sơ quản lý rừng tại 4 xã Hải Sơn, Bắc Sơn, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực.
Đặc biệt, thành phố luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan, địa phương ghi nhận những khó khăn, vướng mắc phát sinh được phản ánh từ cơ sở để có phương án tháo gỡ kịp thời. Một trong những vướng mắc chính trong quá trình thực hiện đề án giao đất, giao rừng được xác định khi diện tích thực tế của rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách và đất có rừng tự nhiên trên địa bàn 4 xã Hải Sơn, Bắc Sơn, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực đều giảm so với diện tích được phê duyệt theo đề án.
Sau khi làm rõ nguyên nhân, thực trạng tại từng địa bàn có liên quan, UBND thành phố đã chủ động đề xuất phương án giải quyết với UBND tỉnh, Sở TN&MT (tại Văn bản số 2803/UBND-VP ngày 21/6/2021). Theo đó, đề nghị được điều chỉnh tổng diện tích thực hiện từ 1.852,44ha thành 1.842,65ha và thời gian thực hiện đề án trong năm 2021-2022 cho phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, những ý kiến phản ánh, kiến nghị của nhân dân liên quan đến thực hiện đề án giao đất, giao rừng cũng liên tục được thành phố lắng nghe, tiếp thu qua các buổi tiếp xúc cử tri, giao ban với bí thư chi bộ, trưởng thôn... để có phương án phối hợp giải quyết kịp thời, phù hợp.
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế Móng Cái, hiện thành phố có khoảng 28.900ha đất lâm nghiệp, chiếm gần 55% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó bao gồm gần 15.700ha rừng phòng hộ, gần 13.200ha rừng sản xuất. Đến nay, thành phố đã thực hiện giao đất, cho thuê đất rừng sản xuất hơn 19.600ha, tương ứng với 68% tổng diện tích đất lâm nghiệp. Số còn lại chưa được giao gồm diện tích thuộc quy hoạch rừng phòng hộ do UBND các xã, phường quản lý (rừng phòng hộ vành đai biên giới và rừng phòng hộ ven biển) và đất lâm nghiệp chưa giao cho các hộ và cá nhân do UBND thành phố quản lý.
Dù còn một số khó khăn trong giao đất, giao rừng, nhưng có thể khẳng định chính sách này đã mang lại những tác động lớn, bởi đây là bước chuyển biến căn bản trong lĩnh vực lâm nghiệp, gắn trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng trực tiếp với quyền lợi của từng cộng đồng dân cư ở mỗi thôn, bản. Người dân đã quan tâm nhiều hơn về quản lý, bảo vệ rừng; quan niệm bảo vệ rừng, phát triển rừng là việc của Nhà nước dần được xóa bỏ. Cộng đồng, hộ gia đình được giao đất, giao rừng thường xuyên tổ chức kiểm tra, tuần tra trên diện tích rừng và đất rừng được giao, từ đó phát hiện, ngăn chặn và phản ánh kịp thời các hành vi tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng, nhất là phá rừng trái phép; khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
Khi các hộ sản xuất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhận đủ diện tích đất giao sẽ yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, khai thác và bảo vệ rừng một cách hiệu quả. Từ đó hướng tới mục tiêu hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân và phát triển rừng bền vững. Rộng hơn là góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển bền vững KT-XH, gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Văn Bá
Liên kết website
Ý kiến ()