Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:47 (GMT +7)
Làm giàu từ rừng
Thứ 3, 21/09/2021 | 13:51:00 [GMT +7] A A
Trong những năm qua, nhiều địa phương trên địa bàn Quảng Ninh đã phát huy lợi thế về lâm nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế, mang lại cuộc sống sung túc cho người dân, nhất là với các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi.
Bản Cấu Phùng, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà có hơn 80 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Dao. Trước đây, người dân trong bản sống dựa vào trồng trọt và khai thác lâm sản. Tuy nhiên, địa hình nơi đây chủ yếu là đồi núi, ruộng nương rất ít; khai thác lâm sản của bà con cũng chủ yếu măng tre, bó củi... bởi vậy đời sống rất khó khăn. Nhưng những năm gần đây, kinh tế của người dân Cấu Phùng thay đổi hẳn. Theo Trưởng bản Cấu Phùng Phùn Quay Thành, tận dụng lợi thế của địa phương về phát triển lâm nghiệp, bà con trong thôn đã tích cực trồng rừng với các loại cây cho giá trị kinh tế cao, như: Keo, quế... Phần lớn hộ dân nơi đây đều có rừng trồng. Hiện ở thôn chỉ còn 7 hộ nghèo, chủ yếu rơi vào hộ thiếu nhân lực lao động.
Không chỉ ở bản Cấu Phùng, hầu hết các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đều có sự bứt phá trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống của người dân từ phát triển lâm nghiệp. Tận dụng lợi thế địa hình, các địa phương, nhất là khu vực miền Đông của tỉnh tích cực vận động bà con nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, đổi mới cây giống, chăm sóc rừng, trồng những loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, chuyển dần từ phương thức sản xuất quảng canh sang thâm canh. Người dân đã chủ động đầu tư cây giống, phân bón, nhân công để chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người dân đã từng bước chuyển hóa trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Bởi thực tế, trên cùng một diện tích, chu kỳ trồng rừng gỗ lớn mang lại giá trị kinh tế cao hơn gấp 2,5-3 lần so với thực hiện liên tục 2 chu kỳ kinh doanh gỗ nhỏ. Chỉ tính từ năm 2017 đến nay, người dân các xã trên địa bàn tỉnh đã chuyển hóa 240ha rừng trồng cây gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn; đồng thời trồng gần 1.406ha rừng gỗ lớn, gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ.
Nhờ đó, năng suất rừng gỗ trồng trên địa bàn tỉnh đã tăng vọt từ 12m3 (năm 2017) lên 20m3 (năm 2020). Sản phẩm gỗ khai thác thác từ rừng trồng cũng tăng đáng kể, từ hơn 371.000m3 (năm 2017) lên gần 391.000m3 (năm 2020). 8 tháng năm 2021, sản lượng gỗ khai thác toàn tỉnh đạt 371.400m3. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đã đáp ứng được nhu cầu chế biến gỗ trong nước và xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh tỉnh thực hiện nghiêm quy định của trung ương về đóng cửa rừng tự nhiên từ năm 2017.
Đặc biệt, các địa phương đã ưu tiên phát triển những vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất giấy, ván nhân tạo. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có vùng trồng thông nhựa với diện tích hơn 18.000ha, tập trung tại Uông Bí, Đông Triều, Vân Đồn, Ba Chẽ, Móng Cái; vùng trồng các cây lâm sản ngoài gỗ, như: Ba kích, hồi, sở, quế và các cây dược liệu khác với diện tích hơn 9.500ha, tập trung tại Hạ Long, Ba Chẽ, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà... Riêng sản lượng nhựa thông khai thác mỗi năm trên địa bàn tỉnh lên tới 2.400 tấn.
Tỉnh còn xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi sản phẩm, quản lý rừng bền vững trong lâm nghiệp; phát triển liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm; hình thành mối liên kết giữa người trồng rừng và cơ sở chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm chế biến. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, đền bù GPMB để thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến theo chiều sâu.
Hiện toàn tỉnh có 336 cơ sở chế biến lâm sản. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ mới, hiện đại nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến, hạn chế các sản phẩm thô, băm dăm, ván bóc và sản phẩm chế biến sơ. Một số doanh nghiệp còn đầu tư sản xuất sản phẩm xuất khẩu từ phế liệu, mùn cưa, dăm gỗ thành viên nén năng lượng, điển hình là Công ty Lâm nghiệp Cẩm Phả, Công ty TNHH Thanh Lâm. Thị trường xuất khẩu sản phẩm chế biến gỗ và lâm sản của Quảng Ninh được mở rộng, như: Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ, Nga.
Bên cạnh nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng, Quảng Ninh cũng thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên theo Quyết định số 2241/QĐ-TTg về phê duyệt đề án Tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2012-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh đã dừng việc khai thác chính gỗ rừng tự nhiên từ năm 2004; từ giữa năm 2017 đến nay không thực hiện các dự án cải tạo rừng tự nhiên để trồng rừng, không khai thác tận thu, tận dụng gỗ rừng tự nhiên; ưu tiên khoanh nuôi phục hồi, bảo vệ rừng để phát triển ổn định rừng tự nhiên. Nhờ đó diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn được bảo vệ nguyên trạng với 122.281,1ha.
Nhờ các giải pháp nói trên, giá trị sản xuất lâm nghiệp của Quảng Ninh tăng từ 860,56 tỷ đồng (năm 2017) lên 1.040,9 tỷ đồng (năm 2020). Độ che phủ rừng hiện được 55%. Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn Quảng Ninh. Trong giai đoạn 2020-2030, Quảng Ninh đặt mục tiêu tập trung trồng mới 24.000ha rừng gỗ lớn, cây bản địa. Chính sách này tiếp tục giúp đời sống của người dân làm lâm nghiệp, nhất là bà con các xã vùng sâu, vùng xa ngày một tốt hơn.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()