Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:18 (GMT +7)
Hiệu quả đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp tại Bình Liêu
Thứ 6, 06/08/2021 | 13:54:37 [GMT +7] A A
Là địa phương có lợi thế về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, những năm qua, huyện Bình Liêu đã chủ động xây dựng, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Tiếp nối sự thành công từ các đề án trước, năm 2020, UBND huyện Bình Liêu ban hành Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2020, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các đoàn thể và UBND các xã, thị trấn, tổ chức triển khai thực hiện với tiến độ khả quan, cùng kết quả đáng ghi nhận. Dựa trên nhu cầu đăng ký và nguyện vọng hỗ trợ phát triển sản xuất, các xã đã triển khai tổ chức họp với người dân, khảo sát điều kiện hộ và hướng dẫn viết đơn, cam kết thực hiện dự án; từ đó triển khai các dự án phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất quảng canh sang sản xuất có đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt, chăn nuôi, giúp tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả của sản phẩm nông, lâm nghiệp.
Đến thăm mô hình chăn nuôi gà của gia đình chị Lý Thị Thu, ở thôn Nà Áng, xã Đồng Tâm, mới thấy sự đổi thay rõ rệt mà Đề án đã mang lại cho những hộ dân. Từ những ngày đầu chỉ với hơn 200 con gà giống, nhờ áp dụng kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trừ các bệnh thường gặp, đến nay trang trại của gia đình chị Thu đã có quy mô lên tới hơn 1ha với đàn gà hơn 3.000 con, mỗi năm xuất bán được 2-3 lứa, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng.
Qua 3 năm, gia đình chị Thu được nhận hỗ trợ 2 lần, mỗi lần được 50% giống. Trong quá trình nuôi, chị Thu cũng được tham gia tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và nâng cao kiến thức về thị trường; thực hiện chăm sóc đàn gà theo yêu cầu kỹ thuật. Kinh tế gia đình đi lên mang tới kỳ vọng mở rộng mô hình kinh doanh, thành lập HTX chăn nuôi và cung ứng, mở rộng thị trường đến các địa phương trong tỉnh. "Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đã thực sự giúp gia đình tôi đổi đời" - Chị Thu chia sẻ.
Từ khi Đề án được triển khai đến nay, đã có 181 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo được tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ, cùng 22 lượt hộ gia đình, HTX thực hiện phát triển sản xuất tập trung. Các dự án được người dân tích cực tham gia, nhiều hộ đã mạnh dạn đăng ký đưa giống mới vào sản xuất, tích cực tìm hiểu và chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện ngay từ khi thẩm định dự án, đề xuất mức vốn hợp lý để phát triển dự án với quy mô hàng hóa.
Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các biện pháp cách ly toàn xã hội khiến công tác tuyên truyền, khảo sát thực tế các hộ dân đăng ký thực hiện dự án bị hạn chế, các mô hình, dự án trong Đề án vẫn được người dân tích cực tham gia hưởng ứng và đánh giá cao. Hiệu quả của các mô hình, dự án hỗ trợ cũng góp phần củng cố vững chắc niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền huyện Bình Liêu.
Phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân vừa là động lực, vừa là mục tiêu của Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp. Để có thể hỗ trợ tốt nhất cho các mô hình, dự án, Ban Chỉ đạo Đề án đặt mục tiêu tiếp tục bám sát thực tiễn; tăng cường công tác lực chọn, kiểm tra giám sát quá trình thực hiện các dự án sau đầu tư, đặc biệt là việc tái đàn các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong Chương trình xây dựng NTM; tích cực tìm kiếm, hợp tác với các doanh nghiệp bao tiêu nông sản, giúp người dân yên tâm mở rộng sản xuất.
Mai Linh
Liên kết website
Ý kiến ()