Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 14:19 (GMT +7)
Phát huy thế mạnh nuôi trồng thủy sản
Thứ 5, 10/06/2021 | 10:05:05 [GMT +7] A A
Với hơn 43.000ha rừng ngập mặn, gần 9.000ha bãi cao triều và trên cao triều..., Quảng Ninh có lợi thế rất lớn trong nuôi trồng thủy sản (NTTS). Nhờ chú trọng đầu tư, phát huy thế mạnh này, năng suất, sản lượng, giá trị NTTS trên địa bàn tỉnh ngày tăng cao.
Tỉnh đã quy hoạch, ban hành nhiều văn bản về phát triển kinh tế thủy sản trên địa bàn, trong đó chú trọng các vùng nuôi tôm, nuôi cá biển, nuôi nhuyễn thể, nuôi thủy sản nước ngọt... Đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm, thu hút các nhà đầu tư có năng lực về công nghệ đầu tư vào lĩnh vực này.
Các địa phương trong tỉnh tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nuôi, phát triển các vùng nuôi tôm, cá tập trung ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường; phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực như tôm, nhuyễn thể. Các địa phương tích cực vận động người dân chuyển đổi nuôi tôm quảng canh sang nuôi công nghiệp. Đến nay, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh gần 7.000ha, trong đó nuôi tôm công nghiệp hơn 3.800ha. Nhờ chuyển hướng nuôi theo phương pháp công nghiệp, năng suất tôm nuôi tăng đáng kể, trung bình đạt 2,25tấn/ha. Sản lượng tôm nuôi năm 2020 đạt 15.737 tấn, đứng đầu các tỉnh phía Bắc.
Cùng với nuôi tôm, các địa phương còn phát triển nuôi các loại nhuyễn thể, đến nay diện tích nuôi bãi triều và mặt nước là 4.457ha. Nhuyễn thể nuôi chủ yếu là nghêu, ngao các loại, hàu, tu hài... với hình thức giàn bè, lồng treo, nuôi trên bãi triều, chủ yếu ở các địa phương Quảng Yên, Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái. Để tránh nhuyễn thể bị chết do dịch bệnh, người nuôi đã tiến hành thu hoạch sớm hơn. Năm 2020, sản lượng nhuyễn thể toàn tỉnh đạt 31.505 tấn.
Các địa phương cũng tận dụng thế mạnh để nuôi cá biển. Trước đây, người dân chủ yếu nuôi cá biển ở những vùng ven bờ, xung quanh các đảo có nhiều vụng, vịnh kín gió, năng suất không cao. Để khắc phục, tỉnh phối hợp với Hiệp hội Nuôi trồng biển Việt Nam xây dựng kế hoạch phát triển nuôi cá biển công nghiệp công nghệ cao đến năm 2025, trong đó tập trung mở rộng diện tích ra các vùng biển mở, vịnh hở, vùng biển xa bờ. Hiện toàn tỉnh có 1.348ha và 14.506 ô lồng nuôi cá biển; sản lượng năm 2020 đạt hơn 5.400 tấn.
Quảng Ninh còn tận dụng hệ thống ao hồ, sông suối; chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang NTTS nước ngọt. Hình thức nuôi chuyển từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng nuôi tập trung tại các địa phương. Hiện diện tích NTTS nước ngọt toàn tỉnh đạt gần 3.000ha, trong đó nuôi thâm canh, bán thâm canh gần 1.580ha; sản lượng đạt hơn 10.700 tấn/năm.
Đặc biệt, tỉnh đã hình thành vùng NTTS tập trung, như: Vùng nuôi tôm 9.662ha; vùng nuôi nhuyễn thể gần 4.400ha; vùng nuôi cá song 550ha; vùng nuôi ghẹ 36ha; vùng nuôi tôm kết hợp cá, tôm 1.854,6ha... Với đa dạng hình thức nuôi, diện tích NTTS toàn tỉnh đã tăng mạnh, hiện đạt hơn 21.100ha.
Để đáp ứng nhu cầu giống thủy sản thả nuôi trên địa bàn, tỉnh tập trung phát triển các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống, cung ứng khoảng 1,5 tỷ con giống/năm. Tiêu biểu như Tập đoàn Việt Úc đã đầu tư, đưa vào sử dụng 14 trang trại với 252 bể ương dưỡng giống tôm tại huyện Đầm Hà, qua đó sản xuất, cung cấp cho thị trường Quảng Ninh hơn 170 triệu giống tôm sạch bệnh/năm.
Nhờ chú trọng đầu tư NTTS, năng suất, sản lượng, giá trị NTTS ngày tăng cao: Tổng sản lượng tăng từ 117.115 tấn năm 2017 lên 137.200 tấn năm 2020; giá trị sản phẩm tăng từ 222 triệu đồng/ha năm 2017 lên 271,48 triệu đồng/ha năm 2020. Nuôi trồng thủy sản hiện tạo việc làm cho 57.398 lao động.
Mặc dù vậy, NTTS ở Quảng Ninh vẫn còn những tồn tại nhất định, trong đó sản xuất con giống chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi. Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất con giống thủy sản; hướng dẫn người dân áp dụng KHCN trong NTTS, nhằm phát huy hơn nữa thế mạnh.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()