Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 09:12 (GMT +7)
Phát triển sản phẩm OCOP Phát huy tính chủ thể của nông dân
Thứ 6, 14/07/2023 | 09:58:19 [GMT +7] A A
Triển khai chương trình "Mỗi xã phường một sản phẩm" từ năm 2013, đến nay toàn tỉnh có 560 sản phẩm OCOP, trong đó 334 sản phẩm đã được cấp sao, do 219 đơn vị kinh tế sản xuất (4 doanh nghiệp, 80 HTX, 135 hộ kinh doanh cá thể). Số lao động làm việc liên quan đến sản phẩm OCOP trên 3.600 người, phần lớn là nông dân.
Nông dân giàu lên nhờ OCOP
Trong 560 sản phẩm OCOP hiện nay có đến trên 90% là những nông đặc sản, sản phẩm truyền thống mang tính đặc thù địa phương. Trước khi có chương trình OCOP, các sản phẩm này vẫn được nông dân sản xuất, tuy nhiên nhiều trong số đó ở dạng nhỏ lẻ, manh mún, bán lẻ tại những chợ làng, chợ quê. Khi được nâng cấp trở thành sản phẩm OCOP, những nông sản này đã được chú trọng đến nhãn mác, bao bì, thương hiệu, ATTP, truy xuất nguồn gốc, sản xuất có liên kết… Người nông dân - chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, được nâng cao về tư duy, trình độ canh tác, quản lý, đưa nông sản thành hàng hóa vươn xa, mang lại doanh thu, lợi nhuận cao.
Miến dong Bình Liêu hiện là sản phẩm OCOP 5 sao, một trong nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đây là sản phẩm truyền thống lâu đời của vùng đất Bình Liêu, được hình thành từ vùng nguyên liệu địa phương. Nhờ chương trình OCOP, sản phẩm miến dong Bình Liêu được nâng cấp từ công nghệ chế biến đến bao gói nhãn mác, xây dựng thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ, được bày bán tại các siêu thị lớn, các kênh thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Những sợi miến dong riềng thơm ngọt, dẻo dai, thanh mát quen thuộc trong mâm cơm bình dị của nông dân Bình Liêu đã trở thành món ngon trên mâm cỗ trong những dịp lễ, tết của nhiều hộ gia đình gần xa, trên bàn tiệc của các nhà hàng, khách sạn hạng sang…
Huyện Bình Liêu hiện có trên 400ha trồng cây dong riềng, cung cấp củ dong để sản xuất miến dong; có hàng chục các xưởng chế biến miến dong hiện đại vận hành ngày đêm vào dịp cao điểm. Số lao động làm việc liên quan đến miến dong rất lớn, chủ yếu là nông dân, mang lại thu nhập, nâng cao đời sống nông dân.
Để nông dân làm giàu bền vững với sản phẩm OCOP
Cùng với miến dong Bình Liêu là hàng loạt sản phẩm OCOP bán chạy khác, như rau, củ quả của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long, HTX Dịch vụ chất lượng cao Hoa Phong; nước mắm Cái Rồng, trứng vịt biển Đồng Rui, củ cải Đầm Hà, ổi lê Hoành Bồ, hải sản Cô Tô, trứng gà Tân An, ruốc hàu, dầu ăn, ruốc trai…
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, mỗi năm toàn tỉnh phát triển thêm hàng chục sản phẩm OCOP, doanh thu từ sản phẩm OCOP năm cao điểm lên đến 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 310 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 3.600 người. Chương trình OCOP đang góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân, làm giàu đẹp các vùng nông thôn của tỉnh.
Phát triển sản phẩm OCOP hiện đặt ra yêu cầu về làm mới, nâng cao chất lượng loại sản phẩm, gắn với yêu cầu chuyển dịch nhận thức, tư duy hành động của nông dân. Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, các sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm OCOP đã là thương hiệu, tuy nhiên như vậy chưa đủ, sản phẩm phải có tính cạnh tranh và tính cạnh tranh này ngày một tăng. Đây là yếu tố giúp sản phẩm OCOP bắt kịp sự chuyển động của thị trường, thị hiếu khách hàng, nền tảng để sản phẩm OCOP phát triển bền vững.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã triển khai các hoạt động rà soát, đánh giá lại sản phẩm OCOP, kiên quyết loại bỏ những sản phẩm không đảm bảo các yếu tố hàng hoá theo quy định, như không sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, không có vùng nguyên liệu, không có công nghệ phù hợp, sản xuất thiếu tính liên kết… nói chung là những sản phẩm OCOP thiếu tiềm năng phát triển. Đến thời điểm này 23 sản phẩm OCOP bị thu hồi giấy chứng nhận đạt sao; 121 sản phẩm bị đưa ra khỏi danh sách sản phẩm OCOP.
Như vậy các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP phải tự nâng cao trình độ canh tác, sản xuất, quản lý, đưa sản phẩm tiếp cận với những cái mới, đáp ứng nhu cầu thị trường đề ra. Nếu không làm được như thế, thì dù là sản phẩm OCOP cũng sẽ bị thị trường đào thải.
Nhận thức rất rõ sự vận hành trên, gần đây các cấp, ngành, trong đó có hội nông dân các cấp, đã bằng nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm OCOP; đặc biệt đẩy mạnh những mô hình sản xuất có liên kết, sản xuất theo chuỗi. Qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm qua từng khâu sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.
Việt Hoa
- Quảng Ninh có cá nhân đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023
- 144.861- là số lượt hộ đạt danh hiệu “Hộ nông dân SX, KD giỏi” các cấp tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2022
- Nông dân thế hệ mới
- Tuyên dương, khen thưởng 130 ĐHXS trong phong trào “Hộ nông dân SX, KD giỏi” giai đoạn 2020-2022
- Hội Nông dân huyện Đầm Hà: Đồng hành cùng hội viên
- Móng Cái: Sức lan tỏa từ một phong trào nông dân
- Nhân lên những triệu phú, tỷ phú nông dân
- Những nông dân vượt khó làm giàu
- Hoàn thành Đại hội Hội Nông dân cấp huyện, nhiệm kỳ 2023-2028
Liên kết website
Ý kiến ()