Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 07:56 (GMT +7)
Những nông dân vượt khó làm giàu
Thứ 6, 23/06/2023 | 09:29:58 [GMT +7] A A
Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh được phát huy hiệu quả góp phần phát triển kinh tế nông hộ của tỉnh ngày càng vững mạnh.
Ông Bùi Văn Trình (thôn Đông, xã Vạn Ninh, TP Móng Cái) phát triển mô hình nuôi tôm quảng canh từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm, áp dụng KHKT chưa đồng bộ, nên không mang lại hiệu quả. Được Hội Nông dân thành phố tư vấn, giới thiệu, ông Trình vào các tỉnh phía Nam để học kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi.
Năm 2008 ông Trình được địa phương cho phép quai đê lấn biển với diện tích 6,8ha để nuôi trồng thủy sản. Ông được tham gia các lớp tập huấn về KHKT; được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng qua Hội Nông dân thành phố để đầu tư nâng cấp, cải tạo ao đầm, nhà bạt, hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường, máy cho tôm ăn tự động, tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng.
Ông Trình cho biết: Sau khi đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, năm 2013 ông đưa vào thử nghiệm nuôi tôm theo quy trình VietGap trên diện tích hơn 1.500m2. Vụ nuôi đầu tiên 2013-2014 thu được hơn 9 tấn tôm/ao nuôi. Quy trình VietGAP đã giảm thiểu rất nhiều rủi ro về dịch bệnh, đồng thời tôm thương phẩm được giá hơn, cho hiệu quả kinh tế khá cao. Đến nay toàn bộ diện tích ao nuôi của ông được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông còn sử dụng công nghệ nuôi sử dụng vi sinh BOX, sản phẩm của Mỹ được Hội Nông dân tỉnh và Sở KH&CN triển khai thử nghiệm tại một số cơ sở nuôi tôm và công nghệ nuôi tuần hoàn nước. Công nghệ nuôi tuần hoàn được áp dụng đối với 3 ao nuôi (5.000m2/ao) và 1 ao gieo giống (1.500m2).
Với công nghệ này, việc gieo giống chỉ mất thời gian 1 tháng, thời gian nuôi chỉ 2 tháng/vụ, một năm có thể nuôi từ 3-4 vụ. Cùng với hệ thống cảnh báo, quan trắc môi trường được lắp đặt tại toàn bộ các ao nuôi, người nuôi tôm có thể kiểm soát được môi trường nước, tình hình dịch bệnh mọi lúc, mọi nơi, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh.
Từ năm 2015 đến nay, ông Trình tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thêm 10 ao nuôi với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng, vừa nuôi tôm, vừa ươm tôm thẻ chân trắng. Trong giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ông Trình vẫn duy trì diện tích ao nuôi, đảm bảo quy trình công nghệ tiên tiến; sản lượng tôm hằng năm đạt hàng trăm tấn, mang lại thu nhập hàng chục tỷ đồng/năm; đảm bảo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức thu nhập ổn định.
Ông Triệu Quay Phúc (thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) từ hộ nghèo đã vươn lên trở thành hộ SXKD giỏi cấp huyện, cấp tỉnh trong nhiều năm. Ông được Nhà nước giao 10ha đất rừng năm 2008. Sau 5-7 năm trồng cây keo, ông mua thêm 20ha đất rừng của một số hộ lân cận để phát triển rừng trồng, nâng tổng số lên 30ha. Để có cây giống phục vụ sản xuất, ông đầu tư 2ha vườn ươm cây quế, trà hoa vàng và một số cây dược liệu cung cấp cho người dân trên địa bàn, bình quân khoảng 50 vạn cây/năm.
Năm 2020, ông Phúc thành lập HTX Nông, lâm nghiệp và Dịch vụ Ba Chẽ với 13 thành viên. Ông tiên phong thực hiện chủ trương trồng rừng gỗ lớn với 1ha cây giổi, 2ha cây quế, hiện phát triển tốt, được nhiều người dân học tập noi theo.
Ông còn 17ha cây keo chuẩn bị cho khai thác, vườn cây ươm cho thu nhập bình quân mỗi năm 1,4 tỷ đồng. Ông Triệu Quay Phúc là một trong 10 hộ nông dân SXKD giỏi được Hội Nông dân tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen giai đoạn 2020-2022.
Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()