Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:02 (GMT +7)
Phát huy vai trò, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội
Thứ 4, 13/07/2022 | 13:56:25 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đã có nhiều cách làm sáng tạo triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 22/11/2014) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH). Nhờ đó, toàn tỉnh đã có hàng nghìn đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, Quảng Ninh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đồng thời, kiện toàn ban đại diện hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng CSXH các cấp, đảm bảo đúng cơ cấu thành phần: Chủ tịch hoặc phó phủ tịch UBND cùng cấp kiêm nhiệm làm trưởng ban; chủ tịch UBND các xã, thị trấn được bổ sung vào thành viên ban đại diện HĐQT cấp huyện. Qua đó, khẳng định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở.
Sự thay đổi trong nhận thức cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò của tín dụng CSXH còn thể hiện rõ nét thông qua việc ban hành nhiều chính sách tín dụng ưu đãi theo cơ chế đặc thù riêng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, như: Cho vay hỗ trợ phát triển HTX; cho vay đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, hải đảo; cho vay khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững...
Trên cơ sở đó, tỉnh đã bố trí vốn ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH triển khai cho vay. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp bổ sung từ ngân sách cho Ngân hàng CSXH tỉnh 100,3 tỷ đồng để cho vay giải quyết việc làm vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo; khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách đạt 3.836,7 tỷ đồng, tăng 220,5 tỷ đồng so với đầu năm; tổng dư nợ các chương trình đạt 3.745,8 tỷ đồng, tăng 220,7 tỷ đồng so với đầu năm; nợ quá hạn và nợ khoanh 1,9 tỷ đồng, chiếm 0,053%/tổng dư nợ, giảm 277 triệu đồng so với đầu năm.
Vốn tín dụng đã tạo điều kiện cho hộ nghèo và đối tượng chính sách phát triển sản xuất, xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tạo việc làm ổn định cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân. Từ đó, góp phần quan trọng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tuy nhiên, việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai; công tác phối hợp với các cấp, ngành, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội chưa chặt chẽ; nguồn lực thực hiện một số chương trình còn hạn chế; thu nhập của người DTTS, nhất là ở địa bàn xã mới thoát khỏi diện khó khăn còn thấp, nguy cơ tái nghèo còn cao.
Nhằm khắc phục hạn chế, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, giảm nghèo bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU (ngày 28/6/2022) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt sâu rộng các chỉ thị, kết luận, văn bản về tín dụng chính sách nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng CSXH; rà soát cơ chế, chính sách, chương trình liên quan nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực; ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình tín dụng CSXH.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu tăng cường giám sát đối với hoạt động tín dụng CSXH, hoạt động ủy thác và tình hình sử dụng vốn. Đối với Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình; chủ động huy động, quản lý, sử dụng vốn hiệu quả; rà soát, nắm bắt nhu cầu vốn tín dụng của người dân.
Ông Nguyễn Đăng Kiệm, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết: Trên cơ sở hiệu quả từ thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị về triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách. Việc ban hành chỉ thị thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong việc nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện giảm nghèo bền vững, chăm lo cho người dân những xã biên giới, hải đảo, miền núi, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()