Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 19/11/2024 00:17 (GMT +7)
Tăng tín dụng cho vùng khó
Thứ 6, 17/06/2022 | 13:48:00 [GMT +7] A A
Trong 16 chương trình tín dụng ưu đãi Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, chương trình cho vay giải quyết việc làm và cho vay hộ đã thoát khỏi diện nghèo, hộ gia đình tại vùng khó khăn luôn có nhu cầu lớn và chiếm tỷ trọng cao nhất. Tuy nhiên, nguồn vốn dành cho những chương trình này ngày càng bị thu hẹp và chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân.
Tổng nguồn vốn Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đang quản lý đến 30/4/2022 là trên 3.7000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Ngân hàng CSXH Trung ương là gần 3.150 tỷ đồng (chiếm 85% tổng nguồn vốn); nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt gần 567 tỷ đồng (chiếm 15% tổng nguồn vốn). 4 tháng đầu năm nay, ngân sách tỉnh bố trí 80 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay giải quyết việc làm, cho vay vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo kế hoạch của tỉnh.
Trên cơ sở chỉ tiêu kế hoạch được Ngân hàng CSXH Trung ương giao và nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã chủ động phân bổ nguồn vốn cho các địa phương, đồng thời phối hợp với UBND cấp xã và các hội đoàn thể nhận ủy thác triển khai cho vay kịp thời. Theo đó, tổng doanh số cho vay năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022 đạt gần 1.800 tỷ đồng, với 34.113 lượt khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ đạt 1.445 tỷ đồng, nguồn vốn thu hồi cho vay quay vòng đã đáp ứng 81% nguồn vốn cho vay của các đối tượng thụ hưởng trong năm. Dư nợ các chương trình tín dụng đạt trên 3.625 tỷ đồng, với gần 69.000 khách hàng còn dư nợ (chiếm gần 19% tổng số hộ dân toàn tỉnh).
Trong đó có 2 chương trình tín dụng dư nợ tăng so với đầu năm là cho vay giải quyết việc làm tăng 240 tỷ đồng, cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc tăng gần 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chương trình tín dụng chính sách còn lại dư nợ giảm gần 143 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó giảm nhiều là cho vay hộ mới thoát nghèo giảm 75 tỷ đồng, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn giảm trên 36 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo giảm gần 13 tỷ đồng, hộ nghèo giảm 5,7 tỷ đồng… Nguyên nhân là do không còn đối tượng được thụ hưởng chính sách theo quy định của Trung ương.
Điều đáng nói, dư nợ những chương trình nói trên tiếp tục giảm vì theo kết quả rà soát việc thực hiện chương trình tín dụng chính sách trong năm 2022 của các địa phương, tổng nguồn vốn thu hồi nợ dự kiến trong năm là 1.230 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn sử dụng cho vay quay vòng là 900 tỷ đồng, nguồn thu hồi không cho vay phải chuyển trả về trung ương khoảng 330 tỷ đồng.
Để cấp bổ sung cho những chương trình này, năm 2022, Quảng Ninh đã cấp ngân sách 90 tỷ đồng ủy thác thông qua Ngân hàng CSXH để thực hiện (nguồn vốn bố trí trong giai đoạn 2021-2025 là 300 tỷ đồng) tập trung đầu tư phát triển KT-XH gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo. Ngay sau khi được giao vốn, chi nhánh Ngân hàng CSXH đã triển khai kịp thời, đến hết tháng 4/2022, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân được 90/90 tỷ đồng cho 1.255 lượt người lao động vay vốn phát triển kinh tế, tạo sinh kế.
Thế nhưng, theo kết quả rà soát của các địa phương và Sở LĐ-TB&XH, nguồn vốn này vẫn còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu vay vốn khi cần tới 1.350 tỷ đồng với gần 24.000 người lao động và cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu vay vốn (bình quân 57 triệu đồng/lao động). Nếu trừ đi vốn Trung ương đã cấp trong năm 2022 là 150 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh đã chuyển uỷ thác là 80 tỷ đồng, nguồn vốn thu hồi để cho vay quay vòng là 409 tỷ đồng, thì chương trình này còn thiếu trên 700 tỷ đồng so với nhu cầu. Trong trường hợp nếu được ngân sách địa phương bố trí tiếp 150 tỷ đồng, trung ương đối ứng nguồn vốn 150 tỷ đồng thì cũng mới chỉ đáp ứng 42% nhu cầu vốn còn thiếu trong năm 2022 của người dân.
Đối với việc triển khai mục tiêu giảm nghèo của tỉnh cũng rơi vào tình trạng tương tự. Năm 2021, tổng dư nợ chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 929 tỷ đồng, với gần 18.000 khách hàng còn dư nợ, nguồn vốn thu hồi là gần 362 tỷ đồng, vốn cho vay quay vòng trong năm là trên 186 tỷ đồng. Như vậy, nguồn vốn đã giảm 176 tỷ đồng không cho vay được do phải chuyển trả về trung ương do nhiều hộ đã được thoát nghèo. Còn trong năm 2022, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh dự kiến có trên 6.200 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có nợ đến hạn phải thu hồi với số tiền 270 tỷ đồng, nguồn vốn dự kiến tiếp tục chuyển trả về trung ương là 230 tỷ đồng. Trong khi đó, đây mới là những đối tượng cần có nhu cầu vay vốn lớn vì mặc dù đã thoát diện hộ nghèo, cận nghèo nhưng kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên do đã thoát nghèo nên các hộ này chỉ được thụ hưởng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm mà hiện nguồn vốn vay giải quyết việc làm hàng năm chỉ đáp ứng khoảng trên 40% nhu cầu vay.
Đối với địa bàn các xã vùng khó khăn, giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ có 56 xã ra khỏi vùng khó khăn, người dân sinh sống trên địa bàn này sẽ không tiếp tục được thụ hưởng chính sách tín dụng cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, các hộ đang cho vay sẽ thu hồi khi đến hạn trả nợ. Dự kiến mỗi năm, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ thu hồi khoảng 100 tỷ đồng từ năm 2022, và đến năm 2024 sẽ không còn dư nợ chương trình này.
Bà Vũ Thị Ngọc Bích, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, cho biết: Hiện nay, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện, thị xã, thành phố đã tiếp nhận đăng ký nhu cầu vay vốn và hồ sơ của khách hàng nhưng chưa có nguồn vốn để giải ngân. Trong khi đó nguồn vốn tín dụng chính sách trong những năm qua có tác động tương đối lớn đến thực hiện các chính sách an sinh xã hội của địa phương, là điểm tựa để các đối tượng chính sách tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, phát triển sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo, là chốt chặn hiệu quả của tái nghèo. Trước việc nguồn vốn Trung ương cấp ngày càng bị thu hẹp thì việc bố trí vốn địa phương là hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện tỉnh đang tập trung phục hồi phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Do đó, chúng tôi mong muốn UBND tỉnh xem xét, bổ sung vốn ngân sách để cho vay người lao động và cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, đồng thời thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội tại những khu vực còn nhiều khó khăn.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()