Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 09:17 (GMT +7)
Bình Phước Phát huy vai trò hợp tác xã trong phát triển kinh tế nông thôn
Thứ 6, 14/04/2023 | 17:53:13 [GMT +7] A A
“Hợp tác xã (HTX) thương mại dịch vụ Lộc Khánh đang hoạt động ở 3 lĩnh vực: Dịch vụ môi trường thu gom rác thải, du lịch và thương mại lúa gạo. Xác định vai trò là đầu mối tiêu thụ nông sản và coi nông dân là trung tâm của hệ sinh thái, HTX luôn nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm tốt hơn, tạo thu nhập cao cho nông dân. Về dịch vụ môi trường, HTX đang thu gom rác của các hộ dân trên địa bàn 3 xã: Lộc Khánh, Lộc Quang, Lộc Thành và tiếp tục mở rộng ký kết với các xã khác trên địa bàn Lộc Ninh, đảm bảo trong quý 2/2023 sẽ thu gom rác ở 6 xã, đạt 30% lượng rác trong huyện” - ông Nguyễn Phúc Trường, Chủ tịch HTX thương mại dịch vụ Lộc Khánh cho biết.
Xây dựng thương hiệu gạo Lộc Khánh
Thời gian gần đây, nhiều nông dân ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh đã chủ động thay đổi phương thức canh tác lúa truyền thống sang theo hướng hữu cơ. Hướng đi này đang giúp các nông hộ tạo ra sản phẩm lúa, gạo chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế cao. Tiên phong trong chuyển đổi canh tác lúa hữu cơ tại địa phương, gia đình ông Lâm Khên ở tổ 2, ấp Chà Đôn đã bước vào vụ thứ 3 trồng lúa ST24 theo hướng hữu cơ trên 1,7 ha. Ông Khên cho biết, năm 2023, Hội Nông dân xã và HTX thương mại dịch vụ Lộc Khánh phối hợp hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc lúa cho các hộ nông dân tại địa phương.
Để đảm bảo chất lượng lúa, gạo, gia đình ông Khên sử dụng phân bón hữu cơ nhằm tiêu diệt mầm bệnh và tạo độ màu mỡ cho đất, giúp cây lúa phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh. Tuân thủ kỹ thuật và bón phân, phun thuốc đúng chu kỳ giúp ruộng lúa của gia đình ông phát triển xanh tốt. “Tôi làm ruộng từ nhỏ nên thực hiện quy trình, kỹ thuật chăm sóc lúa rất thuận lợi. Trước đây, đồng bào S’tiêng trồng lúa chỉ dựa vào “con nước”. Khi áp dụng trồng lúa hữu cơ, được Hội Nông dân xã hướng dẫn quy trình chăm sóc nên năng suất cao hơn so với cách truyền thống. Đặc biệt, bón phân hữu cơ không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Hiện là năm thứ 3 gia đình tôi trồng lúa ST24, dù năng suất chưa đạt như mong muốn nhưng không còn lo về cây giống và đầu ra sản phẩm. Mặt khác, giá thu mua của HTX cao nên bà con rất phấn khởi” - ông Khên chia sẻ.
Cũng là một trong những nông hộ ký kết trồng lúa hữu cơ, vụ này, gia đình anh Lâm Nghé ở ấp Chà Đôn trồng 1,1 ha giống lúa ST24 theo hướng hữu cơ. Anh Lâm Nghé cho biết: Thời gian sinh trưởng của giống lúa ST24 khoảng 105 ngày và khả năng chống chịu bệnh đạo ôn tốt, cho năng suất cao. Để lúa đạt năng suất cao thì nông dân cần thường xuyên thăm ruộng và bón phân, xịt thuốc vào những giai đoạn quan trọng. Nhất là thời điểm cây lúa làm đòng phải bón phân kali, urê.
Theo các nông hộ trồng lúa tại xã Lộc Khánh, lúa truyền thống đạt từ 5-7 tấn/ha/vụ, giá bán 4-5.000 đồng/kg. Còn giống lúa ST24 chỉ đạt khoảng 4 tấn/ha/vụ, nhưng giá bán ổn định từ 7-10 ngàn đồng/kg. Năm 2023, vụ lúa đầu tiên, HTX thương mại dịch vụ Lộc Khánh phối hợp Hội Nông dân xã ký kết hỗ trợ đầu tư giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật cho 16 hộ nông dân với diện tích 20 ha. Theo đó, cứ 1 ha đất ruộng được hỗ trợ 140kg thóc giống. Vào vụ thu hoạch, HTX sẽ thu mua lúa trực tiếp tại bờ. Năm 2022, HTX thu mua với giá 7.000 đồng/kg lúa ST24 hướng hữu cơ, còn lúa ST24 hữu cơ có giá 10 ngàn đồng/kg.
Chủ tịch HTX thương mại dịch vụ Lộc Khánh Nguyễn Phúc Trường cho biết: HTX đang hướng tới phát triển thương hiệu lúa gạo hữu cơ và gạo rẫy Lộc Khánh. Do đó, HTX phối hợp Hội Nông dân xã hỗ trợ các nông hộ giống lúa, hướng dẫn quy trình, phân bón để sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ. Cũng theo ông Trường, để nông sản đạt chuẩn hữu cơ thì các yếu tố cần và đủ là phân bón, nước và đất. Hiện HTX thương mại dịch vụ Lộc Khánh ký với HTX thương mại, dịch vụ Bom Bo Bình Phước (TP. Đồng Xoài) để tiêu thụ sản phẩm và hướng tới cung cấp cho các nhà máy chế biến sâu về gạo cũng như tham gia mạng lưới trong nước và các liên minh HTX để tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.
Toàn xã Lộc Khánh hiện có khoảng 200 ha đất trồng lúa và nông dân đang hướng tới trồng lúa hữu cơ. Những kết quả tích cực từ sản xuất lúa gạo ST24 cùng với việc xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Lộc Khánh và gạo rẫy Lộc Khánh cho thấy, đây chính là “chìa khóa” giúp nông dân trên địa bàn xã tăng thêm thu nhập.
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
HTX thương mại dịch vụ Lộc Khánh có 9 thành viên đều là những người đam mê xây dựng và phát triển kinh tế tại địa phương. Bên cạnh phát triển dịch vụ thương mại lúa gạo, HTX còn tổ chức thu gom rác của các hộ dân trên địa bàn 3 xã: Lộc Khánh, Lộc Quang, Lộc Thành, với khoảng 600 hộ dân/xã, giá 15 ngàn đồng/hộ dân và 30-50 ngàn đồng/hộ kinh doanh theo Quyết định số 2222/QĐ-UBND năm 2018 của UBND tỉnh. Theo đó, cứ 2 ngày, HTX lại đi thu gom rác tại các hộ dân. Bình quân thu khoảng 30 tấn rác/xã về điểm tập kết của từng địa phương, tạo việc làm ổn định cho 3 thanh niên địa bàn. “Tôi làm công việc thu gom rác tuy vất vả nhưng có thu nhập ổn định với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Mặt khác, tôi thấy công việc của mình góp phần giúp môi trường sống của người dân trong xã xanh - sạch - đẹp hơn” - anh Lâm Kim ở ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh chia sẻ.
“Từ ngày địa phương có đội thu gom rác, người dân cũng ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Gia đình tôi bỏ rác đúng nơi quy định để đội thu gom tới lấy nên không còn tình trạng vứt rác lung tung. Tôi thấy các con đường trong ấp cũng sạch sẽ hơn” - bà Thị Sarai ở ấp Ba Ven, xã Lộc Khánh chia sẻ.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()