Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:39 (GMT +7)
Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội
Thứ 5, 12/01/2023 | 18:31:00 [GMT +7] A A
Ngày 12/1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp để nghe và cho ý kiến về chương trình giám sát và phản biện xã hội của Đảng Đoàn MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội tỉnh năm 2023. Chỉ đạo nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu phải phát huy tốt vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thực hành tiết kiệm, phát huy dân chủ ở cơ sở.
Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội là nhu cầu từ thực tiễn khách quan. Đặc biệt, với một tỉnh có quy mô nền kinh tế lớn, phát triển mạnh mẽ như Quảng Ninh thì công tác này càng được đòi hỏi cao hơn, góp phần tăng cường quyền làm chủ, sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng, phát triển địa phương, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Qua ý kiến thảo luận của các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy về những nội dung Đảng đoàn Mặt trận, Đảng đoàn các tổ chức chính trị xã hội tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã đề xuất tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu, đối với công tác phản biện, cần nghiên cứu tập trung vào các chính sách của tỉnh liên quan tới đa số người dân, nhất là nhóm đối tượng yếu thế, trong đó có người nghèo.
Về công tác giám sát, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ Nhân dân và sự phát triển của tỉnh. Giám sát để góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công, dịch vụ hành chính công, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ; chất lượng cải cách hành chính và thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến lợi ích trực tiếp của người dân như công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch, bố trí tái định cư, chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, phòng, chống tội phạm, ma túy, chất lượng cung cấp điện nước... Giám sát để góp phần đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, nhóm lợi ích; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, MTTQ và Hội Cựu chiến binh tăng cường giám sát tại các khu dân cư đối với các cán bộ, đảng viên, nhất là các cán bộ, đảng viên từng giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, nay đã nghỉ hưu trong việc chấp hành các quy định về nêu gương, làm gương. Qua đó, kịp thời phát hiện, kiến nghị các trường hợp có biểu hiện tiêu cực, suy thoái để kiên quyết, kiên trì rà soát, sàng lọc, đưa những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất ra khỏi Đảng theo đúng quy định của Đảng.
Ngoài ra, giám sát để tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, những điều Đảng viên không được làm; giám sát lãnh đạo các sở, ban, ngành trong thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về dân vận chính quyền và giám sát nâng cao chất lượng công trình đầu tư công từ cấp xã trở lên.
Để thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, đòi hỏi chất lượng đội ngũ cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội phải được nâng lên, am hiểu về pháp luật, nắm chắc cơ sở, thực tiễn; tăng cường cơ chế đặt hàng, tạo điều kiện tốt hơn để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động; công khai, minh bạch kết quả giám sát, phản biện xã hội theo quy định; Phát huy vai trò chủ trì, tính chủ động của Ủy ban MTTQ, tăng cường phối hợp, hiệp thương thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên trong xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, đảm bảo sự đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, không chồng chéo, có tiếng nói chung một cách mạnh mẽ.
Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến đối với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng 2023 và chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2023. Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định khâu đột phá thứ 3 là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số. Trong đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, lãnh đạo quản lý các cấp là yêu cầu mang tính cấp bách và có ý nghĩa chiến lược. Để có được nguồn nhân lực cao, cần phải quan tâm, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng; phải xây dựng Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ thành địa chỉ đỏ để đào tạo, bồi dưỡng theo nguyên tắc tập trung và kỷ luật, kỷ cương nghiêm minh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan liên quan phải bám sát vào quy hoạch cán bộ của tỉnh, huyện, sở, ngành để tiến hành rà soát, tham mưu cho tỉnh xây dựng kế hoạch, chương trình toàn khóa về đào tạo lý luận luận chính trị cho đội ngũ cán bộ theo đúng Quy định 57-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận, chính trị. Về đào tạo chuyên môn sau đại học để hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành, cần có chính sách khuyến khích cán bộ tự đi học và tạo điều kiện cho cán bộ đi học đạt chất lượng, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Đồng thời, thực hiện đào tạo chuyên môn sâu ở một số lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế nhưng đang thiếu các chuyên gia như kinh tế biển, logistics, công nghiệp văn hóa, quản lý kiến trúc đô thị... Cùng với đó, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp; thường xuyên mở các lớp cập nhật kiến thức từ cán bộ lãnh đạo quản lý đến đội ngũ cán bộ ở thôn, khu.
Đối với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng trong năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cần bổ sung lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, nâng cao, tập trung ở một số ngành cần chuyên gia giỏi, trước mắt là ở những ngành, lĩnh vực sau khi Quảng Ninh thực hiện sắp xếp lại mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; cử các chuyên gia là bác sỹ giỏi tham gia lớp đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài để tạo đột phá; đẩy mạnh các lớp bồi dưỡng về ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ công chức viên chức.
Tiếp đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng nghe và cho ý kiến về đánh giá, xếp loại chất lượng năm 2022 đối với các đảng bộ, ban thường vụ các đảng bộ trực thuộc tỉnh, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy; đánh giá xếp loại chất lượng đối với cá nhân các đồng chí Tỉnh ủy viên và người đứng đầu cơ quan, đơn vị diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá, xếp loại.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()