Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 01:30 (GMT +7)
Phạt nặng khi sử dụng điện thoại tại cây xăng
Thứ 4, 08/08/2012 | 05:07:13 [GMT +7] A A
Có lẽ ít ai nghĩ rằng, sử dụng điện thoại di động tại điểm bán xăng dầu sẽ bị xử phạt, thậm chí mức phạt rất nặng. Nhưng đó lại chính là điều khoản được quy định tại Nghị định số 52 của Chính phủ (thay thế Nghị định 123 ban hành năm 2005), có hiệu lực thi hành từ ngày 5-8 mới đây, về quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy. Theo đó, người sử dụng điện thoại di động tại trạm xăng dầu, kho dầu mỏ, trạm triết nạp, cửa hàng kinh doanh các loại khí dầu mỏ, kho chứa hoá chất dễ cháy nổ, dễ bay hơi... sẽ bị phạt đến 5 triệu đồng (tăng gấp 10 lần so với quy định cũ). Ngoài ĐTDĐ, máy nhắn tin, máy ảnh, camera, thiết bị thu phát sóng cũng bị cấm sử dụng tại những khu vực nói trên...
Lâu nay do thói quen và cũng ít được tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở nên tình trạng sử dụng điện thoại tại các cây xăng là khá phổ biến, thậm chí cả khi đang bơm xăng. Đã thế ngay các chủ cửa hàng bán xăng dầu cũng không chú trọng cảnh báo, nhắc nhở khách hàng về quy định này. Và dường như cũng chưa thấy trường hợp nào bị xử phạt khi vi phạm quy định, nên người dân không có ý thức chấp hành. Có chăng hiện nay mọi người mới chỉ có ý thức không sử dụng lửa trong khu vực này.
Mặc dù trong thực tế, không xảy ra nhiều trường hợp cháy nổ trạm xăng do sử dụng ĐTDĐ, nhưng theo các chuyên gia về cháy nổ thì đây là nguyên nhân rất thật, không thể coi thường. Bởi khi gọi hoặc nhận cuộc gọi, kết nối internet hay sử dụng thiết bị điện tử, nhiệt độ sẽ tăng nhanh, có thể truyền qua vỏ điện thoại, nhất là vỏ hợp kim. Hiện tượng nóng lên bất thường này có thể gây nổ, tia lửa điện tiếp xúc trực tiếp với hơi xăng tại trạm sẽ gây ra cháy nổ lớn.
Do vậy, để chấp hành nghiêm quy định này, đảm bảo phòng chống cháy nổ đạt hiệu quả cao, thì vấn đề quan trọng hiện nay là phải nâng cao nhận thức cho người dân. Muốn vậy phải đẩy mạnh và tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức, kênh thông tin khác nhau. Cùng với đó, các đơn vị kinh doanh xăng dầu vì sự an toàn tính mạng, tài sản của mình và của khách hàng phải chủ động, tích cực nhắc nhở, cảnh báo khi có trường hợp vi phạm dù vô tình hay cố ý. Đặc biệt phải có những bảng, biển cảnh báo tấm lớn, dễ đọc, dễ nhìn thấy ở cả ngoài và trong trạm xăng, để nhiều người biết và chấp hành. Các đơn vị kinh doanh xăng dầu cũng phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để tiến hành xử phạt khi có vi phạm. Có như vậy, quy định mới được thực thi một cách nghiêm túc, có tính khả thi trong thực tế, đảm bảo việc ngăn chặn, phòng chống cháy nổ thực sự hiệu quả tại các khu vực có nguy cơ cao...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()