Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:32 (GMT +7)
Phát triển bền vững du lịch trong giai đoạn bình thường mới
Thứ 3, 25/10/2022 | 17:50:30 [GMT +7] A A
Trong khuôn khổ EATOF 17 đã diễn ra hội nghị chuyên đề với những nội dung về phát triển du lịch xanh, mở rộng thị trường khách du lịch, xây dựng nguồn nhân lực...
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã ghi lại những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội nghị.
Ông Harry Hwag, Giám đốc điều hành Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tổ chức Du lịch thế giới Liên hợp quốc: "Chính sách du lịch và nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng"
Dịch Covid-19 đã khiến ngành Du lịch gánh chịu những tổn thất nặng nề. Nhưng chính trong giai đoạn đó, các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ là động lực để vực dậy ngành Du lịch. Dù trực tiếp hay gián tiếp, các chính sách đó đã phần nào giúp các doanh nghiệp bám trụ, vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bên cạnh đó, sau đại dịch Covid-19, bài toán về nguồn nhân lực phục vụ du lịch cũng đang khiến các nhà quản lý phải tìm lời giải. Và để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao một cách bền vững, các doanh nghiệp cần chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo. Cùng với đó, chủ động đào tạo nhân lực sẵn có, tăng cường liên kết, học hỏi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp để bồi dưỡng, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Bà Sarah Mathews, Giám đốc Đối tác truyền thông APAC tổ chức TripAdvisor: "Quan tâm đầu tư và khai thác tối đa dữ liệu du khách"
Dữ liệu du khách là việc tìm hiểu, khai thác nhu cầu du lịch của du khách để từ đó định hướng, phát triển du lịch địa phương đáp ứng những yêu cầu đó. Đây cũng là cách để tiếp cận thị trường khách du lịch một cách đa dạng, tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Đồng thời, xây dựng, đổi mới các sản phẩm du lịch dựa trên đặc trưng tài nguyên sẵn có của địa phương. Từ dữ liệu du khách, chúng ta cũng có thể lựa chọn cách tuyên truyền quảng bá phù hợp dựa trên việc tối ưu hóa các kênh phương tiện, như mạng xã hội facebook, instagram... hay các kênh truyền hình quốc tế.
Vì vậy, các thành viên EATOF cần thay đổi quan niệm về khách du lịch, thay vì chỉ thống kê số lượng như trước, chúng ta cần tìm hiểu kỹ hơn về khách du lịch của mình để có định hướng, phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp và định hướng truyền thông quảng bá kịp thời.
Giáo sư Hiram Ting, Trường Đại học UCSI, bang Sarawak, Malaysia: “Tôi mong muốn Quảng Ninh, Sarawak cũng như các tỉnh thành, các quốc gia trong EATOF sẽ phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững”
Quảng Ninh thật đẹp và đã có sự phát triển vô cùng mạnh mẽ trong suốt thời gian qua, nhất là về du lịch. Người Malaysia nói chung, Sarawak nói riêng, vô cùng yêu thích các cảnh đẹp và nét văn hóa của Quảng Ninh. Nhiều người đã lựa chọn Quảng Ninh là điểm đến cho những chuyến du lịch.
Do đó, chúng tôi thực sự kỳ vọng, EATOF lần này được tổ chức tại Quảng Ninh sẽ tạo ra nhiều mối liên kết hơn để phát triển cả du lịch và nhiều nội dung kinh tế - xã hội khác. Đặc biệt, chúng tôi mong sớm có sự kết nối về đường hàng không giữa tỉnh Quảng Ninh và bang Sarawak.
Tôi mong muốn du lịch được phát triển theo hướng bền vững, du lịch có trách nhiệm, đặt vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên, lợi ích của người dân, của cộng đồng lên trên hết. Tôi cũng mong muốn có sự bình đẳng cho tất cả chủ thể tham gia vào quá trình phát triển du lịch, đặc biệt là các cộng đồng dân cư tại địa bàn phát triển du lịch.
Bà Susan Santos de Cardenas, Đại diện và Đối tác Đông Nam Á, tổ chức Green Destination: "Cần chủ động định hướng phát triển xu hướng du lịch xanh, du lịch bền vững gắn phát triển du lịch với bảo tồn, bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa dân tộc..."
Du lịch xanh, du lịch bền vững là một trong những xu hướng không mới, nhưng đang phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Du lịch xanh chú trọng khai thác các tài nguyên du lịch một cách bền vững, bảo vệ các giá trị thiên nhiên, bản sắc văn hóa, con người. Đồng thời, phát huy tối đa nét đặc trưng, riêng có của địa phương, tạo nên sự khác biệt so với các điểm đến khác.
Theo nghiên cứu của tổ chức chúng tôi, có trên 60% lượng khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn để được trải nghiệm du lịch xanh. Vì vậy, tôi nghĩ các thành viên EATOF cần chủ động định hướng phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Ông Kee Dong Suk, đại biểu tỉnh Gangwon, Hàn Quốc: “Diễn đàn lần này là cơ hội tuyệt vời để du lịch Quảng Ninh cất cánh hơn nữa”
Tham dự Diễn đàn tổ chức tại Quảng Ninh, tôi thấy rõ sự chuyên nghiệp, thân thiện, mến khách và đặc biệt là được tận mắt nhìn ngắm, cảm nhận những cảnh đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp về văn hóa, con người của TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh. Hạ Long, Quảng Ninh vốn đã rất nổi tiếng trong suy nghĩ của bạn bè, du khách quốc tế khi có Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới cùng rất nhiều danh lam, thắng cảnh, nét đẹp văn hóa, lịch sử... Tôi tin tưởng, EATOF lần này với sự tham gia của lãnh đạo và đại diện các đơn vị du lịch, lữ hành lớn của những địa phương có tiềm năng, lợi thế về du lịch sẽ giúp quảng bá, giới thiệu nhiều hơn, sâu sắc hơn hình ảnh du lịch Hạ Long, Quảng Ninh tới du khách, bạn bè quốc tế.
Tôi cùng các cộng sự sẽ tận dụng cơ hội tốt này để mở rộng mối quan hệ hợp tác với Hạ Long, Quảng Ninh và các tỉnh, thành khác trong EATOF. Qua đó, thúc đẩy du lịch của đôi bên cùng phát triển, đặc biệt là việc tăng lượng khách, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch...
PGS.TS. Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Cơ hội tuyệt vời để mở rộng, khai thác các thị trường tiềm năng, đưa du lịch phục hồi sau đại dịch”
Du lịch đã có sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng sau đại dịch, nhưng mới chỉ đến từ thị trường khách nội địa. Thị trường khách quốc tế vẫn chưa được phục hồi đáng kể do rất nhiều nguyên nhân. Đứng trước vấn đề này, Quảng Ninh cũng như Việt Nam phải tiếp tục nâng cao chất lượng ngành Du lịch, xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao và chờ đợi tín hiệu khởi sắc trở lại từ một số thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Cùng với đó, chúng ta phải tăng cường, đa dạng hóa các kênh xúc tiến, quảng bá du lịch. EATOF lần này là một cơ hội không thể tuyệt vời hơn. EATOF với mạng lưới 10 tỉnh, thành thuộc 10 quốc gia Đông Á đều là những địa phương coi du lịch là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội, là thị trường tiềm năng, trọng điểm của Việt Nam, của Quảng Ninh. Đây là một kênh quảng bá rất hiệu quả. Quảng Ninh đã gửi đi được rất nhiều thông điệp tốt đẹp về du lịch của mình tới các thành viên EATOF.
Hoàng Quỳnh - Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()