Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 02:15 (GMT +7)
Phát triển cây dược liệu tại Quảng Ninh: Khơi dậy tiềm năng, phát triển bền vững
Thứ 6, 21/11/2014 | 06:20:27 [GMT +7] A A
Với đặc điểm tự nhiên có địa hình đa dạng, khí hậu có độ ẩm cao là những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng của hệ thống thực vật, trong đó có các loài cây dược liệu tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, những năm trước đây, việc khai thác tự nhiên quá mức khiến nhiều loại cây thuốc quý đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Hiện nay, tỉnh đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để bảo tồn, phát huy bền vững các loại dược liệu quý trên địa bàn.
Cán bộ Công ty TNHH Nuôi trồng chế biến và sản xuất dược liệu Đông Bắc kiểm tra chất lượng giống giảo cổ lam tại vườn ươm. |
Nhiều mô hình lớn
Theo điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Quảng Ninh là một trong những tỉnh có nguồn dược liệu đa dạng và phong phú. Hiện, trên địa bàn tỉnh có hơn 600 loài dược liệu, trong đó có nhiều loại cây thuốc quý như: Lược vàng, ba kích, tam thất, hoàng đằng, cẩu tích, bổ cốt toái… phân bố tại hầu hết các địa phương.
Đứng trước thực trạng nguồn dược liệu tự nhiên ngày càng cạn kiệt trong khi nhu cầu sử dụng trong nước và trên thế giới ngày càng lớn, đồng thời thực hiện mục tiêu chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, trên địa bàn tỉnh hiện đã xuất hiện nhiều mô hình trồng cây dược liệu, là những hạt nhân quan trọng để hình thành những vùng dược liệu quy mô lớn. Đó là vùng trồng dược liệu của Công ty CP Công nghệ xanh Đông Sơn; vùng trồng ba kích của Hợp tác xã Toàn Dân (huyện Ba Chẽ); Hợp tác xã Nông trang Quảng La (huyện Hoành Bồ) trồng nấm lim, nấm linh chi; Công ty CP Tùng Lâm đã phối hợp với Công ty Dkpharma, ĐH Dược Hà Nội xây dựng Vườn cây thuốc Yên Tử…
Hình thành từ năm 2012, đến nay, sau gần 2 năm, Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc Yên Tử đang bảo tồn và nhân giống 650 loài cây dược liệu trên diện tích 10ha. Ông Vũ Ngọc Anh, Giám đốc tổ chức khoa học Vườn cây thuốc Yên Tử cho biết: Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc Yên Tử được quy hoạch trên diện tích 270ha, chạy từ Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ… đến Ba Chẽ, Bình Liêu là điểm cuối. Vườn cây thuốc Yên Tử phát triển mạnh mẽ sẽ góp phần gìn giữ nguồn gen, nhân giống dược liệu, từ đó tạo điều kiện cho các địa phương lân cận trong tỉnh phát triển trồng, chế biến và tiêu thụ dược liệu, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm phát triển dược liệu và hiện đại hoá thuốc y học cổ truyền trong cả nước. Để làm được điều này, thì rất cần có sự chung tay của cả doanh nghiệp và nhà nước. Trong đó, doanh nghiệp bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu còn nhà nước sẽ hỗ trợ các điều kiện về khoa học kỹ thuật, vốn, hạ tầng…
Hay như Công ty TNHH Nuôi trồng, chế biến và sản xuất dược liệu Đông Bắc, hiện nay đơn vị đang ươm, trồng nhiều giống dược liệu quý như: Giảo cổ lam, ba kích, hoài sơn, cà gai leo, cỏ ngọt, đinh lăng… trên quy mô 20ha. Với vùng nguyên liệu phát triển, bước đầu Công ty đã đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất, chế biến thành công 7 sản phẩm, bao gồm 4 sản phẩm trà túi lọc và 3 loại thuốc dạng viên nang từ thảo dược. Tuy nhiên, theo ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Công ty thì khó khăn hiện nay của Công ty là vấn đề phát triển nguồn nguyên liệu và mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, để giữ được hình ảnh, thương hiệu thì doanh nghiệp phải thường xuyên đầu tư đổi mới công nghệ, vì chỉ 2-3 năm là dây chuyền công nghệ đã lỗi thời, trong khi nguồn lực của doanh nghiệp còn có hạn.
Bên cạnh đó, hiện nay việc phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh cũng còn những khó khăn, hạn chế. Việc khai thác tài nguyên cây thuốc còn mang tính tự phát, phát triển dược liệu mới dừng ở mức phần lớn là xuất thô. Các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng sản xuất trên địa bàn tỉnh còn ít, dạng bào chế đơn giản, giá trị gia tăng chưa cao và chưa có sản phẩm mỹ phẩm có nguồn gốc từ dược liệu được sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Mở đường phát triển
Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư về dược liệu trên địa bàn tỉnh, đồng thời đưa ra các giải pháp giải quyết những khó khăn, mở hướng phát triển bền vững các vùng dược liệu trên địa bàn, vừa qua tỉnh đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ phát triển dược liệu Quảng Ninh.
Tại hội nghị, nhiều giải pháp, định hướng mang tính chiến lược đã được đưa ra cho ngành trồng trọt, chế biến, sản xuất và phát triển dược liệu tại Quảng Ninh như: Đầu tư nguồn lực vào việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác nghiên cứu tại các vùng dược liệu trọng điểm; phát triển dược liệu theo hướng bền vững với sự tham gia của bốn nhà (nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp); vận động và thu hút các doanh nghiệp dược phẩm trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư, hỗ trợ chương trình phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh…
Đặc biệt, tại hội nghị, tỉnh đã cam kết dành chính sách hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực phát triển dược liệu trong thời gian tới như: Hỗ trợ giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, thuê đất; hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu và chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ; hỗ trợ chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở chế biến về hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước… Những cam kết này chính là cơ sở pháp lý gỡ nút thắt, tạo cơ chế thông thoáng giúp các doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi với môi trường đầu tư tại Quảng Ninh.
Có thể thấy, với những chính sách cụ thể sẽ là yếu tố thuận lợi, tạo tiền đề để phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm dược liệu lớn của Việt Nam. Đồng thời đưa việc phát triển dược liệu thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho nhân dân và thực hiện mục tiêu chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Đồng thời, góp phần khẳng định Quảng Ninh là điểm đầu tư ổn định, an toàn và hấp dẫn cho tất cả những cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm và có nhu cầu đầu tư phát triển.
13 biên bản ghi nhớ về hợp tác trồng, chế biến, tiêu thụ và đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu tại Quảng Ninh (Ký kết tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ phát triển dược liệu Quảng Ninh) 1. Sở Y tế Quảng Ninh - Công ty CP Dược mỹ phẩm CVI: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano phát triển các sản phẩm cây ba kích tím và một số cây dược liệu thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh. 2. UBND huyện Ba Chẽ - Công ty CP Dược T.Ư MEDIPLANTEX: Hợp tác trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư vùng trồng dược liệu tập trung theo hướng VietGap trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Quy mô 200ha. 3. UBND huyện Hoành Bồ - Công ty CP Y tế Đức Minh: Hợp tác trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư vùng trồng dược liệu tập trung theo hướng VietGap trên địa bàn huyện Hoành Bồ. Quy mô 300ha. 4. Công ty CP TRAPHACO - Công ty CP Giống vật nuôi và cây trồng Đông Triều 2006: Hợp tác trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây đinh lăng và nghiên cứu phát triển dược liệu thế mạnh. Quy mô 50ha. 5. UBND huyện Vân Đồn - Công ty CP Dược phẩm T.Ư 3 (PORIPHARM): Hợp tác trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở trồng dược liệu trên địa bàn huyện Vân Đồn. 6. UBND huyện Tiên Yên - Công ty CP Dược phẩm Trường Thọ: Hợp tác trong lĩnh vực khai thác bền vững dược liệu tự nhiên, hướng dẫn trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu của các cơ sở trồng trên địa bàn huyện Tiên Yên. 7. UBND huyện Bình Liêu - Công ty CP Dược phẩm Trường Thọ: Hợp tác trong lĩnh vực khai thác bền vững dược liệu tự nhiên, hướng dẫn trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu của các cơ sở trồng trên địa bàn huyện Bình Liêu. 8. UBND huyện Ba Chẽ - Công ty CP Dược Vật tư y tế Quảng Ninh: Hợp tác trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu tập trung theo hướng GACP trên địa bàn huyện Ba Chẽ. 9. Công ty CP Dược T.Ư MEDIPLANTEX - Hợp tác xã Toàn Dân, huyện Ba Chẽ: Hợp tác trong lĩnh vực trồng, thu hái, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu của Hợp tác xã Toàn Dân, huyện Ba Chẽ. 10. Công ty CP Dược phẩm Trường Thọ - Công ty CP Công nghệ Xanh Đông Sơn: Hợp tác hướng dẫn kỹ thuật trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu của Công ty CP Công nghệ Xanh Đông Sơn. 11. Công ty TNHH MTV Dược khoa - Trường Đại học Dược Hà Nội (DKPHARMA) - Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (DT POPRO): Xây dựng vườn giống gốc, vườn nhân giống, triển khai các hạng mục phục vụ cho việc chế biến và sản xuất các sản phẩm từ trà hoa vàng; hình thành và hỗ trợ vận hành hệ thống chuỗi giá trị sản xuất trà hoa vàng ở địa phương và ở huyện Ba Chẽ. 12. Công ty TNHH MTV Dược khoa - Trường Đại học Dược Hà Nội (DKPHARMA) - Hợp tác xã Dược liệu xanh Đông Triều (DT Green): Xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản cho phát triển dược liệu, triển khai các mô hình thử nghiệm phát triển dược liệu; hình thành và hỗ trợ vận hành hệ thống chuỗi giá trị sản xuất dược liệu ở HTX và ở huyện Đông Triều. 13. Công ty TNHH MTV Dược khoa - Trường Đại học Dược Hà Nội (DKPHARMA) - Hợp tác xã phát triển xanh, huyện Bình Liêu: Xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản cho phát triển dược liệu, triển khai các mô hình thử nghiệm phát triển dược liệu; hình thành và hỗ trợ vận hành hệ thống chuỗi giá trị sản xuất dược liệu ở HTX và ở huyện Bình Liêu. Nguyễn Hoa (tổng hợp) |
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()