Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:46 (GMT +7)
Phát triển công nghiệp, thương mại theo hướng bền vững
Thứ 2, 08/05/2023 | 06:09:32 [GMT +7] A A
Ngành công nghiệp, thương mại của Quảng Ninh trong thời gian qua đã từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển đúng định hướng, đạt được mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Năm 2022, trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm 50,9%, tăng 1,81%; dịch vụ và thuế sản phẩm chiếm 43,9%, tăng 0,44%. Những kết quả này đã từng bước đáp ứng được kỳ vọng, khẳng định ngành công nghiệp, thương mại là một trong những ngành mũi nhọn, thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển.
Để ngành công nghiệp, dịch vụ tiếp tục phát triển bền vững, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra mục tiêu đến hết năm 2025, Công nghiệp - xây dựng chiếm 49-50%; dịch vụ, thuế sản phẩm 46-47%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 3-5%. Hiện thực hoá mục tiêu đề ra, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp; tận dụng khai thác thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyên sâu một số ngành công nghiệp nền tảng, chiến lược, có lợi thế cạnh tranh. Về thương mại, tiếp tục phát huy lợi thế thương mại của tỉnh để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi hoạt động xuất nhập khẩu theo hướng chính ngạch phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế; đổi mới mạnh mẽ khoa học và công nghệ, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với mọi hoạt động công nghiệp - thương mại trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính một cách quyết liệt, đồng bộ; nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, hấp dẫn, thông thoáng, giúp giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Tỉnh cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị; củng cố niềm tin vào thị trường cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp vào tỉnh; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người lao động và người dân.
Đặc biệt, với vai trò nòng cốt, Sở Công Thương luôn nỗ lực thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ về phát triển công nghiệp, dịch vụ và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sở đã tích cực tham mưu tăng cường công tác quản lý nhà nước, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản; tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 45 CCN; triển khai đôn đốc hiệu quả việc phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; thực hiện việc quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Quảng Ninh nhằm phát triển đa dạng các nguồn điện (điện gió, điện sinh khối, nhiệt điện, điện năng lượng mặt trời)… và hướng dẫn các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát tiềm năng phát triển các nguồn điện trên địa bàn; quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại và rộng khắp hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại phù hợp với sự phát triển của thị trường; đẩy mạnh việc phối hợp, tăng cường liên kết phát triển hạ tầng thương mại nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới; hàng hoá đa dạng, phong phú, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ…
Bước sang năm 2023, tiếp tục kiên định và phát huy nguồn lực, chủ động và tích cực hội nhập với mục tiêu phát triển công nghiệp - thương mại với tốc độ cao và bền vững, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể, chi tiết cho từng lĩnh vực. Đồng thời, đưa ra các chỉ tiêu phát triển cụ thể trong phát triển công nghiệp, thương mại. Trong đó, kế hoạch sản lượng than sạch sản xuất dự kiến đạt 42,053 triệu tấn, bằng 92,98% so với ước thực hiện năm 2022; sản lượng điện sản xuất dự kiến đạt 34,565 tỷ kWh, bằng 102,24% so với ước thực hiện năm 2022; tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 81.611 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với ước thực hiện năm 2022; kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh dự kiến đạt 2.991 triệu USD, tăng 7,48% so với ước thực hiện năm 2022.
Tính đến hết tháng 4/2023, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,07% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,11%; sản lượng điện sản xuất tăng 3,84%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 19% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,3% so với cùng kỳ 2022. Những kết quả này đã từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu ngày càng giàu đẹp, văn minh, tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, nơi hội tụ và lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội của phía Bắc, cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()