Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:05 (GMT +7)
Thúc đẩy tiềm năng du lịch cộng đồng
Thứ 4, 06/11/2024 | 13:52:19 [GMT +7] A A
Với 43 dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh hội tụ những giá trị văn hóa đặc sắc, tạo nên sự đa dạng, phong phú, thống nhất trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Chính tài nguyên này là nguồn lực để các địa phương có lợi thế tập trung khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, thúc đẩy KT-XH, nâng cao đời sống người dân.
Từ hoạt động thể thao của bà con vùng cao, bóng đá nữ DTTS giờ đây đã trở thành một trong những trải nghiệm đặc sắc, hấp dẫn du khách đến Bình Liêu. Là một trong những điểm nhấn của Tuần Văn hóa - Du lịch huyện Bình Liêu, năm nay, bóng đá nữ DTTS được quan tâm tổ chức với quy mô lớn hơn, nâng tầm thành giải thể thao, chính thức trở thành sản phẩm du lịch mới của địa phương. Không quần đùi áo số, trang phục truyền thống của phụ nữ các dân tộc Sán Chỉ, Dao… làm nên nét độc đáo cho những trận cầu chỉ có ở Quảng Ninh.
Ông Alexandre Bertrand, du khách đến từ Pháp cho biết: Bóng đá không phải là môn thể thao xa lạ, nhưng bóng đá mang màu sắc dân tộc độc đáo như thế này lại là trải nghiệm đặc biệt của tôi. Nét văn hóa dân tộc đặc trưng chính là điều tạo nên sự khác biệt khiến mỗi du khách như chúng tôi không bao giờ quên được. Bên cạnh đó, tôi cũng rất thích phong cảnh thiên nhiên, những ruộng lúa chín vàng thơ mộng nơi đây.
Tập trung bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đậm bản sắc, kết hợp với khai thác hiệu quả thế mạnh cảnh quan tự nhiên tạo sản phẩm du lịch cộng đồng mang bản sắc riêng, thấm đẫm giá trị văn hóa truyền thống là cách làm được huyện Bình Liêu tập trung đẩy mạnh những năm gần đây. Trong đó, người dân giữ vai trò quyết định sự thành công của các sản phẩm trải nghiệm. Tổ du lịch cộng đồng tại Bình Liêu bước đầu hình thành, làm nòng cốt lan tỏa phát triển các sản phẩm dựa trên giá trị văn hóa truyền thống. Ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, chia sẻ: Người dân sẽ là nhân tố quyết định, là chủ thể bảo tồn các nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc mình. Huyện Bình Liêu đã tập trung vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân thấy được giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đó chính là động lực để vừa bảo tồn văn hóa, đồng thời cũng giúp tạo ra nguồn lực để duy trì phát triển kinh tế của cộng đồng thôn bản.
Cùng với huyện Bình Liêu, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động nhận diện và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS, các giá trị thiên nhiên tươi đẹp và đặc trưng con người thân thiện, chất phác, hiền hoà, xác định hướng đi gắn bảo tồn văn hoá truyền thống với phát triển du lịch cộng đồng bền vững, đưa văn hóa của đồng bào các DTTS thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc, độc đáo của địa phương. Nhiều di tích, lễ hội hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống của đồng bào các DTTS được bảo tồn, gìn giữ, khai thác và phát huy thành các sản phẩm du lịch bền vững của các dân tộc như: Di tích danh thắng thác Khe Vằn (huyện Bình Liêu); các ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ ở Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ; các lễ hội văn hóa của dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực (Tiên Yên); ngày hội văn hóa dân tộc Dao, Tày ở Bình Liêu; ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc… Nhờ phát triển du lịch mang đến những đổi thay tích cực cho vùng đồng bào DTTS, góp phần hoàn thành và nâng chất các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống người dân.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đặc biệt quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng. Nổi bật là Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh ban hành năm 2020 được coi là “cú hích” mạnh mẽ cho phát triển du lịch cộng đồng tại vùng đồng bào DTTS. Việc xây dựng thí điểm 4 làng DTTS gồm: Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (Móng Cái); làng người Tày ở Bản Cáu, xã Lục Hồn (Bình Liêu); làng người Sán Chỉ (Sán Chay) ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (Bình Liêu); làng người Sán Dìu ở thôn Voòng Tre, xã Bình Dân (Vân Đồn) là một trong những bước đi cụ thể hóa đề án, được kỳ vọng tạo động lực, bước đột phá trong phát triển du lịch cộng đồng.
Du lịch cộng đồng ở Quảng Ninh dù ra đời sau so với các loại hình du lịch khác song được đánh giá là mô hình có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và phát triển bền vững; góp phần quan trọng hiện thực hóa khâu đột phá về xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.
Nguyễn Thơm
Liên kết website
Ý kiến ()