Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 06:15 (GMT +7)
Khi người dân và doanh nghiệp "bắt tay" làm du lịch cộng đồng
Thứ 3, 22/10/2024 | 11:00:54 [GMT +7] A A
Người dân là chủ thể sáng tạo văn hóa song lại thiếu kiến thức làm du lịch hiện đại. Doanh nghiệp lữ hành có quy trình phục vụ và hiểu thị trường khách song lại khát điểm đến. Nhận ra câu chuyện cung - cầu đó, thời gian qua, huyện Bình Liêu tập trung kết nối hợp tác giữa người dân và doanh nghiệp, coi đây là chìa khóa để giải bài toán phát triển du lịch cộng đồng và để du lịch cộng đồng tại vùng đồng bào DTTS thực sự cất cánh.
Sau hơn một năm xây dựng, hai căn homestay nhà trình tường đầu tiên tại thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu đã hoàn thiện và sẵn sàng đón những đoàn khách đầu tiên tới trải nghiệm vào mùa thu này. Tại đây, du khách sẽ được sống theo phong tục truyền thống của người Dao Thanh Phán, sinh hoạt như người Dao, được bà con dẫn đi gặt lúa, lên rừng hái lá thuốc…
Cùng với những nét văn hóa bản địa trong căn homestay trình tường ở Khe Tiền, cũng có rất nhiều chi tiết hiện đại thú vị. Ví như khu vực quầy bar dành cho du khách thưởng thức đồ uống là sự mô phỏng, cách điệu chuồng trâu của bà con người Dao… Ngoài ra, phòng ngủ, chăn, đệm, nhà vệ sinh khép kín trong phòng nghỉ của du khách phải đảm bảo các tiêu chuẩn lưu trú từ 3 sao trở lên.
Ông Dường Phúc Thím, chủ homestay trình tường ở Khe Tiền, cho biết: “Sau khi đi khảo sát, Công ty Du lịch cộng đồng Bình Liêu chọn thôn Khe Tiền để xây homestay. Gia đình tôi là người đầu tiên đăng ký xây homestay để làm du lịch. Nhà mình có đất, có vốn, có người biết làm nhà truyền thống. Công ty người ta hỗ trợ chúng tôi 20% chi phí xây dựng và kỹ thuật xây để nhà trình tường truyền thống bền chắc hơn. Bây giờ, khi đón được khách rồi thì doanh nghiệp lại tập huấn, đào tạo mình cách phục vụ du khách làm sao để du khách vui vẻ, hài lòng.”
“Người dân là người vận hành mô hình, trực tiếp phục vụ du khách. Họ sẽ có được thu nhập từ dịch vụ lưu trú, ẩm thực và hướng dẫn, còn doanh nghiệp đóng vai trò hỗ trợ, tư vấn, chúng tôi giúp biến những nét sinh hoạt, văn hóa truyền thống của bà con trở nên gần gũi và dễ dung hòa hơn với nền văn hóa gốc của du khách. Trong mô hình doanh nghiệp và người dân cùng làm, chúng tôi chỉ đóng vai trò kết nối, là người quảng bá, xúc tiến và đào tạo cho bà con” - ông Hà Đông Minh, Giám đốc Công ty Du lịch cộng đồng Bình Liêu, cho biết.
Thực tế cho thấy, để biến văn hóa bản địa trở thành sản phẩm du lịch cần có sự tham gia “chế biến” và “đóng gói” của doanh nghiệp để du khách có thể sử dụng được những sản phẩm đó. Lấy ví dụ về vao trò tư vấn của doanh nghiệp, ông Hà Đông Minh cho biết thêm: “Với ẩm thực chẳng hạn, nhiều món ăn của bà con dân tộc, ví như món tôm suối hay cá khe…, khách quốc tế đặc biệt là khách châu Âu họ không quen. Họ sẽ ăn thử nhưng nếu đưa lên phục vụ thành món chính là khó… Tại các homestay cũng cần có cà phê hay bánh mì cho khách.”
Không chỉ với dịch vụ lưu trú hay ẩm thực mà với những giá trị văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại Bình Liêu cũng còn khá nhiều điều cần điều chỉnh để trở thành sản phẩm du lịch văn hóa. Bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hanoi Tourism, đánh giá: “Bình Liêu có văn hóa đặc sắc. Cộng đồng các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ còn giữ nguyên vẹn được lời ăn, tiếng nói, trang phục truyền thống vốn có của mình. Thời gian qua, trong các hội và lễ hội truyền thống, huyện Bình Liêu đã nỗ lực sân khấu hóa, đưa các phong tục tập quán của bà con giới thiệu, phục vụ du khách. Đó là cách làm rất hay. Song để du khách hiểu và cảm được văn hóa bản địa, chúng ta vẫn cần có sự dàn dựng, thuyết minh, trình chiếu bằng ngôn ngữ của du khách, phù hợp với tâm lý tiếp nhận của họ. Có như vậy thì văn hóa mới thực sự trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn và bán được cho du khách.”
Thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân, huyện Bình Liêu không chỉ đóng vai trò làm cầu nối, vận động bà con tích cực tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng mà còn thành lập các tổ hợp tác phát triển du lịch cộng đồng để bà con cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau học cách làm du lịch chuyên nghiệp. Mô hình được triển khai trước tiên tại thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn và dự kiến sẽ được thành lập tại các thôn bản có lợi thế về phát triển du lịch cộng đồng khác trên địa bàn huyện Bình Liêu trong thời gian tới.
Đào Linh
- Bình Liêu vào mùa du lịch Thu Đông
- Bình Liêu: Đón đoàn famtrip 50 doanh nghiệp tới khảo sát, kết nối du lịch
- Thúc đẩy tiềm năng du lịch biên giới ở Bình Liêu
- Nhiều hoạt động trong Tuần Văn hoá - Du lịch Bình Liêu
- Những nghệ nhân giữ “hồn” then Bình Liêu
- Huyện Bình Liêu: Sẵn sàng cho cao điểm du lịch mùa thu đông
Liên kết website
Ý kiến ()