Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:01 (GMT +7)
Phát triển không gian đô thị hiện đại, thông minh
Thứ 4, 02/12/2020 | 08:38:06 [GMT +7] A A
Nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc, những năm qua, Quảng Ninh là điểm sáng về phát triển đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt 66,56%, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước. Để có được kết quả đó, trong quá trình phát triển, tỉnh luôn xác định việc quy hoạch và phát triển các đô thị là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu.
Một góc đô thị TP Hạ Long. |
Là đô thị cửa ngõ phía Tây của tỉnh, tháng 10/2020, TX Đông Triều được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại III với điểm số 86,88. Có được kết quả này là do địa phương đã tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại. Trong đó, tập trung chỉnh trang đô thị, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng giao thông, bổ sung hệ thống chiếu sáng, cây xanh, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước thải trong các khu, cụm công nghiệp, các khu dân cư tập trung... Nhờ đó, diện mạo thị xã có nhiều đổi thay theo hướng khang trang, hiện đại. Đây là tiền đề để Đông Triều tiếp tục chiến lược phát triển trong thời gian tới, trở thành đô thị loại II và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025.
Tương tự, trong năm 2020 TX Quảng Yên cũng được công nhận là đô thị loại III; thị trấn Tiên Yên mở rộng (huyện Tiên Yên) cũng được công nhận là đô thị loại IV. Các đô thị được nâng cấp đều đảm bảo mục tiêu tạo liên kết, đồng bộ và phát huy thế mạnh của từng địa phương, nâng cao đời sống sinh hoạt của nhân dân cũng như đảm bảo các tiêu chí đánh giá của Bộ Xây dựng.
Ông Đặng Ngọc Trường (phường Quảng Yên, TX Quảng Yên), chia sẻ: Cơ sở hạ tầng nói chung và các tuyến đường giao thông nói riêng đã kết nối được các xã, phường trong thị xã cũng như ở các địa phương lân cận. Điều này đã tạo điều kiện cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế; bộ mặt đô thị được nâng lên rõ rệt. Đây chính là động lực để địa phương tiếp tục thu hút đầu tư, nền tảng quan trọng để TX Quảng Yên tiếp tục hành trình trở thành KKT ven biển.
Riêng TP Hạ Long dù thực hiện sáp nhập huyện Hoành Bồ nhưng vẫn giữ được các chỉ số của đô thị loại I, là đô thị trực thuộc tỉnh, lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên và số đơn vị hành chính trực thuộc. Việc sáp nhập địa giới hành chính, mở rộng không gian đô thị Hạ Long đã giải quyết kịp thời khó khăn về dư địa, không gian phát triển, quỹ đất khả dụng của TP Hạ Long trước đó vốn đã khá chật hẹp. Theo đó, TP Hạ Long mới được định hướng với mô hình và cấu trúc phát triển theo hướng đa cực, trong đó lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, là thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện; trung tâm dịch vụ, du lịch quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đi qua TX Quảng Yên. |
Với cách làm và hướng đi phù hợp, đến nay, tốc độ đô thị hoá trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối nhanh chóng, Quảng Ninh hiện có 13 đô thị trên 13 đơn vị hành chính, trong đó có 1 đô thị loại I, 3 đô thị loại II, 2 đô thị loại III. Quảng Ninh là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước, đạt 66,56%.
Chương trình phát triển đô thị của Quảng Ninh đến năm 2030 là phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm phát triển của miền Bắc, trụ cột quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, với hạ tầng đô thị hiện đại, đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên... Trong đó, tập trung phát triển hệ thống các đô thị theo hướng nhanh, bền vững, là tiền đề quan trọng trong phát triển đô thị thông minh, nền kinh tế xanh dựa trên khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao; từng bước xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống đô thị toàn tỉnh phát triển theo mô hình chuỗi đô thị, là động lực phát triển kinh tế của miền Bắc và cả nước.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()