Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 09:24 (GMT +7)
Phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Chủ động, sáng tạo trong thực hiện
Thứ 5, 13/10/2022 | 09:30:02 [GMT +7] A A
Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ hơn 12,3% dân số trên địa bàn, nhưng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Quảng Ninh cư trú trên hơn 85% diện tích của tỉnh và có vị trí trọng yếu về QP-AN biên giới quốc gia. Trong những năm qua, tỉnh đã ưu tiên dành cơ chế, nguồn lực tập trung cho việc phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN tại đây.
Quảng Ninh có 64 xã, thị trấn và 47 thôn thuộc vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Tháng 5/2021, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo (Nghị quyết 06). Qua triển khai thực hiện nghị quyết, việc đầu tư toàn diện cho các xã khu vực này tiếp tục được các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo
UBND tỉnh và các địa phương đã thành lập BCĐ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 cho cả 3 chương trình: Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi; xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM gắn với Nghị quyết 06.
HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã xây dựng, ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 06, trong đó tập trung cơ chế, chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh tế trang trại, HTX, tổ hợp tác; hỗ trợ nhà ở; thu hút đầu tư vào vùng DTTS, miền núi; phát triển thương mại biên giới, chợ nông thôn miền núi; chế độ chính sách đối với giáo viên, học sinh; chính sách thu hút bác sĩ công tác tại vùng DTTS; chính sách tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ DTTS; trợ giúp pháp lý tại địa bàn DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo...
Năm 2021, tỉnh phân bổ 200 tỷ đồng thực hiện chương trình tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Năm 2022, Quảng Ninh phân bổ 1.215 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh cho chương trình xây dựng NTM, chương trình tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cùng với đó, ngân sách tỉnh còn phân bổ kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học, các đề án, nhiệm vụ của ngành giáo dục (238,624 tỷ đồng), kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị nâng cao năng lực cơ sở y tế (130 tỷ đồng), trong đó chú trọng đến các xã vùng DTTS, miền núi trên địa bàn. Các địa phương trong tỉnh cũng ưu tiên nguồn lực, bố trí trên 365 tỷ đồng trong năm 2021, 2022 để thực hiện chương trình.
Bên cạnh đó, tỉnh và các địa phương tích cực huy động những nguồn lực khác đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS. Đến nay, qua ngân hàng, dư nợ cho vay các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo là 3.065 tỷ đồng, với 29.821 khách hàng còn dư nợ. Hội Nông dân tỉnh triển khai thực hiện 8 dự án từ Quỹ hỗ trợ nông dân 8,1 tỷ đồng, đồng thời phát huy hiệu quả của 205 dự án nhóm hộ vay vốn hơn 54 tỷ đồng. Ủy ban MTTQ các cấp, các hội và đoàn thể đã vận động, tiếp nhận hỗ trợ từ các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân với tổng số trên 30 tỷ đồng; tiếp nhận hỗ trợ từ các doanh nghiệp, đơn vị trong tỉnh được 1.000 tấn xi măng, 24.000 viên ngói, 200.000 viên gạch... cho chương trình.
Thành quả bước đầu
Với nỗ lực của các cấp, các ngành, nhiều mục tiêu mà Nghị quyết 06 đề ra bước đầu đã thu hái những thành quả nhất định. Đến hết năm 2021, thu nhập bình quân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 52,5 triệu đồng/người, tăng 2 lần so với năm 2020. Số hộ DTTS nghèo hiện chỉ còn 952 hộ (theo tiêu chí mới), chiếm 2,75% tổng số hộ đồng bào DTTS. Đến hết năm 2021, đã có 6/12 thôn, bản của tỉnh đạt tiêu chí ra khỏi diện ĐBKK (tiêu chí mới) theo quy định tại Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg ngày 12/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ.Theo Ban Dân tộc tỉnh, dự kiến hết năm 2022, 6 thôn còn lại của tỉnh sẽ đạt tiêu chí ra khỏi diện ĐBKK.
UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 và Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, trong đó năm 2022 tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm số nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà.
Chất lượng cuộc sống của bà con vùng DTTS, miền núi trên địa bàn được nâng lên. Đến tháng 6/2022, tỉnh duy trì ổn định 99,86% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% số hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện an toàn từ các nguồn, 92,7% rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý, đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện 177/177 đơn vị cấp xã và 13/13 đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Các xã, phường, thị trấn đều đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; trên 98% đồng bào DTTS có BHYT... Hiện cả 64 xã thuộc vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đều đạt chuẩn NTM, trong đó có 32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Việc thực hiện chương trình tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi và chương trình xây dựng NTM trên địa bàn từ tháng 5/2021 đến nay đảm bảo tiến độ theo yêu cầu chỉ đạo chung của tỉnh. Qua đó KT-XH được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, không để xảy ra các “điểm nóng”, “điểm phức tạp” về an ninh trật tự tại địa bàn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vũ Kiên Cường:
Tăng cường giải ngân vốn xây dựng các công trình vùng đồng bào DTTS
Những năm qua, Quảng Ninh ban hành nhiều cơ chế, chính sách chăm lo bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng ĐBKK, đồng bào DTTS trên địa bàn. Năm 2022, tỉnh phân bổ vốn ngân sách cho chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi là 715 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ đầu tư hạ tầng là 565 tỷ đồng; ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay giải quyết việc làm tại các xã, thôn mới ra khỏi diện ĐBKK là 150 tỷ đồng. Đến ngày 8/10, vốn đầu tư hạ tầng đã giải ngân là 426,189 tỷ đồng, đạt 75,43% chỉ tiêu kế hoạch giao. Vốn ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân là 148,248 tỷ đồng, đạt 98,83% kế hoạch, cho 2.008 hộ vay.
Từ nay đến cuối năm chỉ còn gần 3 tháng, để hoàn thành mục tiêu đề ra, các địa phương cần bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân vốn đầu tư công, gắn với khối lượng hoàn thành và đảm bảo chất lượng công trình. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cấp tỉnh cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, thường xuyên công tác hiện trường để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, chủ đầu tư trong thi công, giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo thường xuyên, định kỳ theo quy định.
Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Chẽ Triệu Đức Phượng:
Linh hoạt trong thực hiện, phù hợp với thực tiễn
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện Ba Chẽ đã tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo QP-AN. Theo đó, tính đến hết tháng 9/2022, giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện tăng trưởng đạt 19,2%. Tiến độ trồng rừng tập trung đạt 105,2% kế hoạch, bằng 108,8% so cùng kỳ, trong đó, diện tích trồng rừng gỗ lớn đạt 100% kế hoạch, gấp 4,5 lần so cùng kỳ. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 107,4% dự toán tỉnh giao, đạt 91,3% dự toán huyện giao, tăng 23,8% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 18,7% so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công đạt 78,5% kế hoạch vốn. Xác định rõ nhiệm vụ, lộ trình thực hiện, huyện tổ chức có hiệu quả đợt phát động ủng hộ xây dựng NTM năm 2022 với nguồn lực huy động được khoảng 12 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn 2,16% (giảm 1,33% so với cuối năm 2021); giảm 185 hộ cận nghèo (đạt 100% kế hoạch huyện giao); tỷ lệ hộ cận nghèo còn 7,48% (giảm 3,31% so với cuối năm 2021)...
Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện đồng bộ, chất lượng, hiệu quả chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo QP-AN vùng đồng bào DTTS đến 100% xã, thôn bản thuộc phạm vi; đảm bảo việc triển khai toàn diện, hiệu quả...
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Đức (huyện Hải Hà) Đặng Minh Tuân:
Tiếp tục giữ vững và duy trì các tiêu chí xây dựng NTM
Quảng Đức là xã miền núi, biên giới, vùng dân tộc. Người dân nơi đây phát triển kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Những chính sách của tỉnh, sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với vùng đồng bào DTTS đã giúp đời sống của nhân dân trên địa bàn xã có sự thay đổi tích cực. Bà con cũng đồng lòng trong công cuộc phát triển KT-XH trên địa bàn. Nhờ đó, xã duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025.
Những tháng cuối năm 2022, bên cạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân góp công, góp sức trong việc giảm nghèo, cải tạo cảnh quan môi trường, giữ vững và duy trì các tiêu chí xây dựng NTM, có giải pháp thực hiện đối với các tiêu chí chưa đạt, tập trung hoàn thành sản phẩm OCOP (mật ong) đưa ra thị trường trong và ngoài huyện.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Lập (xã Tân Dân, TP Hạ Long) Triệu Quang Quân:
Kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân đến các cấp
Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, đời sống của nhân dân trên địa bàn có nhiều đổi thay tích cực. Để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân phát triển kinh tế, chi bộ thôn luôn sát sao, nắm tình hình trong nhân dân, tiếp thu, lắng nghe ý kiến của nhân dân phản ánh đến lãnh đạo địa phương, từ đó có tháo gỡ, giải quyết vướng mắc kịp thời. Các đảng viên cũng bám sát với dân, “cầm tay chỉ việc”, tích cực vận động các hộ tìm tòi, học hỏi những mô hình, cách làm hay trong phát triển kinh tế, đặc biệt là các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng bước đầu cho thu nhập hiệu quả, như trồng nho, ổi.
Cùng với đó, thôn cũng tích cực đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật đến nhân dân thông qua các cuộc họp, hội nghị, hệ thống loa truyền thanh, mạng xã hội, từ đó tạo đồng thuận cao trong triển khai thực hiện.
Thu Nguyệt- Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()