Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 10:49 (GMT +7)
Phát triển nông nghiệp bền vững
Thứ 3, 13/08/2024 | 05:28:18 [GMT +7] A A
Trong xu thế phát triển hiện nay, người sản xuất và tiêu dùng ngày càng hướng tới những mô hình sản xuất nông nghiệp hài hoà với môi trường, tạo ra những nông sản xanh, sạch, tốt cho sức khoẻ.
Bình Lục Hạ là khu vực cây giống lúa nếp cái hoa vàng ngon của phường Hồng Phong (TX Đông Triều). Tuy nhiên, nhiều chân ruộng trũng ở đây đã được chuyển đổi chủng loại cây trồng nhiều lần. Đầu năm 2024, từ định hướng của HTX Thiên đường Thiên Mục Hoa, người dân Bình Lục Hạ đã chọn cây sen và cây thiên lý để trồng trên diện tích ruộng trũng và ao đầm.
Theo Giám đốc HTX Thiên đường Thiên Mục Hoa Nguyễn Mạnh Ngát, sen là loại cây trong quá trình sinh trưởng hút ít chất dinh dưỡng của đất, đồng thời còn có thể cải tạo đất, khiến cho đất bạc màu, nhiễm phèn, mặn, kim loại… có thể phục hồi trở lại. Cây thiên lý cũng vậy, cả vòng đời của cây chỉ ưa nước sạch, không khí sạch, không dùng bất cứ loại phân, thuốc gốc hoá học nào. Chính bởi vậy, sen và thiên lý là 2 loại cây trồng của nông nghiệp xanh, khai thác gắn với bảo vệ, có giá trị và tính bền vững cao.
Giờ đây Bình Lục Hạ có những đầm sen rộng lớn, bao gồm cả loại sen truyến thống và sen giống mới; có những giàn hoa thiên lý xanh mát trải dài thơm thảo. Đặc biệt, cây sen cho thu cả hoa, hạt, lá, củ, ngó; hoa thiên lý là đặc sản ưa dùng của các nhà hàng, khách sạn, từ đó mang lại giá trị kinh tế cao. Theo tính toán của HTX Thiên đường Thiên Mục Hoa, giá trị của 2 loại cây trồng này cao gấp 8 lần so với trồng lúa và cao gấp 6 lần so với trồng các loại rau, màu khác.
Ở huyện Hải Hà, cây trà xanh đã có mặt từ hơn 60 năm trước. Trải qua quá trình dài khai thác, cây trà đã có lúc suy kiệt, giảm sức sống và chất lượng nghiêm trọng. Quyết tâm giữ nông sản chủ lực của địa phương, huyện Hải Hà đã triển khai nhiều hoạt động phục hồi cây trà, trong đó trọng tâm cải tạo đất trồng trà, cải tạo giống trà, bổ sung nhiều giống trà mới và thay đổi quy trình, công nghệ canh tác, chăm sóc, thu hoạch trà. Đến thời điểm hiện tại rất nhiều cánh đồng trà ở Hải Hà đã được chứng nhận VietGAP, hoặc canh tác theo hướng VietGAP. 2 vùng trà chủ lực ở xã Đường Hoa, trung tâm của vùng trà Hải Hà đã được thí điểm canh tác theo hướng hữu cơ.
Nhờ những nỗ lực của Hải Hà, cây trà hiện nay mang lại giá trị cao cho người dân. Sản phẩm trà trở thành sản phẩm OCOP 4 sao. Quan trọng hơn, cây trà trở thành dư địa để địa phương phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch, là tiền đề để đổi thay bộ mặt nông thôn tươi đẹp, trong lành và sung túc. Được biết vào tháng 9/2024, huyện Hải Hà sẽ lần thứ 3 tổ chức lễ hội trà với rất nhiều hoạt động như tham quan vườn trà, thưởng trà trong vườn, ẩm thực trà, chạy bộ và đua xe đạp quanh vùng trà… Những chuyển động trên cho thấy Hải Hà đã và đang hướng tới nền sản xuất nông nghiệp xanh mà ở đó coi trọng giá trị bền vững, tạo sản phẩm kinh tế, đồng thời tạo cảnh quan, môi sinh, môi trường.
Cùng với những mô hình nông nghiệp xanh điển hình, Quảng Ninh đang đẩy mạnh đề án nông nghiệp hữu cơ trên những cây trồng chủ lực như lúa, quế, cây ăn quả, rau… đảm bảo quá trình canh tác những loại cây này nói không với thuốc bảo vệ thực vật gốc hoá học, thay vào đó là sử dụng thuốc gốc sinh học.
Riêng vùng lúa Đông Triều, hiện đã có trên 95% diện tích trồng giống mới và gần 30% diện tích trồng theo quy trình hữu cơ, đặc biệt là trên diện tích lúa nếp cái hoa vàng. Các vùng Đông Triều, Uông Bí đã bước đầu triển khai mô hình lúa - rươi hiệu quả. Xu hướng nông nghiệp đô thị đang ngày càng lan toả, xuất hiện những mô hình nông nghiệp diện tích nhỏ, nhưng hàm lượng KHCN cao, từ đó đạt hiệu quả canh tác cao, đồng thời đảm bảo các tiêu chí về bảo vệ môi trường và sức khoẻ con người.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()