Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 12:12 (GMT +7)
Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững
Thứ 6, 30/10/2020 | 06:36:45 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, các địa phương ven biển của tỉnh đã từng bước hình thành vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) tập trung. Nhiều mô hình NTTS ứng dụng công nghệ cao đã phát huy hiệu quả, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm cho người nuôi. Qua đó, từng bước phát triển nghề NTTS theo hướng bền vững.
Nông dân xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên thu hoạch tôm thẻ chân trắng. |
Tại huyện Tiên Yên, hiện toàn huyện có trên 300 hộ nuôi tôm theo hướng công nghiệp, tập trung chủ yếu ở các xã: Đông Ngũ, Đông Hải, Hải Lạng và Đồng Rui. Đến nay, một số vùng nuôi tôm công nghiệp thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn huyện được người dân đầu tư các mô hình nuôi một cách hệ thống với nguồn vốn lớn. Trung bình đầu tư cho 1ha nuôi tôm công nghiệp được người dân đầu tư khoảng từ 1,5-2 tỷ đồng/ha, bao gồm: Cát lót nền, bạt, hệ thống ống cấp thoát nước, hệ thống điện, máy quạt nước... Bên cạnh đó, các hộ chủ động áp dụng các hình thức nuôi mới hiệu quả là nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn bằng công nghệ Biofloc.
Đồng chí Lục Văn Long, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên, cho biết: Với sự đầu tư bài bản cùng với ứng dụng công nghệ cao, nên năng suất nuôi công nghiệp thâm canh của các hộ trên địa bàn tương đối cao, trung bình đạt từ 17-22 tấn/ha/vụ, có những ao nuôi đạt 30 tấn/ha/vụ. Từ kết quả này, huyện Tiên Yên đang khuyến khích các hộ nuôi tôm trên địa bàn áp dụng quy trình nuôi mới, qua đó phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp. Từng bước chuyển dần từ hình thức nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến sang nuôi thâm canh, bán thâm canh.
Cùng với huyện Tiên Yên, các địa phương trong tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển nuôi tôm theo hướng công nghiệp. Trong đó, việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào nuôi tôm được các hộ nuôi quan tâm hơn với nhiều mô hình, như: Nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn, công nghệ Biofloc, Semi-Biofloc, nhà kính... Qua đó mang lại năng suất, chất lượng cao, nhiều mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đã cho năng suất đạt trung bình 20 tấn/ha/năm, lợi nhuận mang lại đến 900 triệu đồng/ha/năm, điển hình như tại các địa phương: Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Quảng Yên.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đạt gần 7.000ha, trong đó có trên 3.800ha nuôi tôm công nghiệp, bao gồm các giống: Tôm thẻ chân trắng và tôm sú; năng suất bình quân về nuôi tôm đạt 2,25 tấn/ha, thuộc nhóm cao nhất các tỉnh phía Bắc.
Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT thực tế mô hình sản xuất tôm giống của Tập đoàn Việt Úc tại Đầm Hà, ngày 11/9/2020. Ảnh: Hải Hà |
Cùng với con tôm, việc nuôi trồng các loại thủy sản khác trên địa bàn tỉnh cũng từng bước phát triển theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả. Nếu như trước kia việc nuôi trồng chủ yếu theo hình thức nuôi quảng canh, tận dụng các vùng ngập nước, nguồn giống, thức ăn tự nhiên, thì nay đã chuyển sang nuôi bán thâm canh, thâm canh và nuôi công nghiệp. Trong đó, người nuôi chủ động từ công nghệ, quy trình sản xuất, vật liệu, thức ăn nuôi, đến công tác phòng, chống dịch bệnh...
Như trong hoạt động nuôi cá biển, hiện toàn tỉnh có 1.300ha nuôi, với trên 14.500 ô lồng, tập trung ở các địa phương: Hải Hà, Cẩm Phả, Vân Đồn, Đầm Hà. Đối tượng nuôi chủ yếu là các giống: Cá song, vược, giò... Sản lượng hàng năm đạt trên 5.400 tấn, năng suất bình quân đạt 4,1 tấn/ha; hiệu quả kinh tế trung bình đạt trên 230 triệu đồng/ha. Những năm trở lại đây, người dân đã tăng cường ứng dụng vật liệu HDPE bền vững, thân thiện môi trường để làm lồng bè nuôi thay cho các vật liệu ảnh hưởng đến môi trường như trước đây. Cách làm này không chỉ tăng về năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế mà còn tăng tuổi thọ của lồng nuôi, giảm chi phí đầu tư, tránh được tình trạng tan rã các vật liệu kết cấu lồng trên mặt biển khi hết khấu hao sử dụng. Mô hình này hiện đang áp dụng hiệu quả trong nuôi cá biển tại các xã Tân Lập, Đầm Hà (huyện Đầm Hà); Hạ Long, Đông Xá, Thắng Lợi, Cái Rồng (huyện Vân Đồn).
Trong thời gian tới, để thúc đẩy nghề nuôi cá biển phát triển mạnh mẽ và bền vững, tỉnh đang phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam xây dựng kế hoạch phát triển nuôi công nghiệp, công nghệ cao đến năm 2025. Trong đó, sẽ tập trung mở rộng diện tích nuôi ra các vùng biển mở, vịnh hở và vùng biển xa bờ, nơi có độ sâu lớn.
Được biết, hiện tổng diện tích nuôi trồng thủy hải sản trên địa bàn tỉnh đạt 21.123ha. Trong đó, riêng diện tích nuôi biển đạt trên 18.100ha, bao gồm các đối tượng nuôi chủ lực, như: Tôm, nhuyễn thể, cá các loại, cua. Với diện tích nuôi trồng tăng, cùng với việc đẩy mạnh các hình thức nuôi hiệu quả đã góp phần quan trọng nâng cao sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo ước tính, năm 2020, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt khoảng 137.200 tấn, giá trị sản xuất thủy sản đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT cho biết: Việc đẩy mạnh nghề nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh tới đây sẽ là xu thế phát triển tất yếu để đảm bảo chủ động nguồn cung cho thị trường, cũng như nâng cao giá trị ngành thủy sản. Để đảm bảo cho mục tiêu phát triển tiếp theo, hiện tỉnh đang thắt chặt, điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản theo hướng loại bỏ các vùng NTTS tự phát; siết chặt công tác quản lý, cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; loại dần những địa điểm, vùng nuôi không đúng quy hoạch; khuyến khích các cơ sở, người nuôi sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, phát triển công nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến phục vụ chế biến, xuất khẩu...
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()