Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 04:16 (GMT +7)
Đề xuất để phát triển rừng sau bão số 3
Thứ 5, 31/10/2024 | 16:55:57 [GMT +7] A A
Rừng không chỉ che chở, bảo vệ con người trước thiên nhiên khắc nghiệt, đảm bảo an ninh nguồn nước, mà còn mang lại sinh kế cho người dân, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, sau bão số 3, Quảng Ninh có trên 117.000ha rừng bị thiệt hại với mức thiệt hại từ 30-100%, chiếm trên 30% diện tích rừng hiện có (trong đó gần 50% rừng trồng). Ước tính có khoảng 6 triệu tấn vật liệu rất dễ cháy tại hiện trường rừng bị thiệt hại. Sau bão số 3, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng, diện tích có rừng bị cháy tương đối lớn. Do đó, việc sớm khôi phục, phát triển lại những cánh rừng bị thiệt hại sau bão là vấn đề bức thiết đang được xã hội quan tâm.
Trưởng Phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) Đoàn Xuân Trang: Cần thay đổi nhận thức của chủ rừng Trước mắt cần thay đổi nhận thức của chủ rừng (doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân) trong công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng, sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản... Cụ thể là lựa chọn các loài cây trồng phù hợp có giá trị kinh tế cao, kết hợp với trồng lại rừng bằng các loài cây bản địa, cây gỗ lớn, lấy ngắn nuôi dài, hạn chế tối đa rủi ro do thiên tai, nâng cao giá trị của rừng trên một đơn vị diện tích; tham gia vào loại hình bảo hiểm lâm nghiệp; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị... Đề án khôi phục, tái thiết và phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh sau bão số 3 đến năm 2030 đang được khẩn trương xây dựng và đưa vào triển khai. Trong đó, mục tiêu đặt ra là phải tập trung quản lý, sử dụng bền vững và hiệu quả diện tích rừng hiện có; cơ cấu lại loài cây trồng lâm nghiệp, ưu tiên trồng rừng các loài cây gỗ lớn phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phát triển mang tính lâu dài, bền vững... |
Phó Giám đốc BQL Rừng phòng hộ hồ Yên Lập Bùi Hữu Rin: Sớm có phương án tận thu, tận dụng lâm sản bị đổ, gãy Rừng phòng hộ hồ Yên Lập có vai trò hết sức quan trọng trong việc gìn giữ nguồn sinh thủy cho hồ Yên Lập. Tuy nhiên, cơn bão số 3 đã làm gãy đổ hơn 1.000ha rừng trồng nằm trong ranh giới BQL Rừng phòng hộ hồ Yên Lập quản lý, dẫn đến tỷ lệ che phủ rừng hiện chỉ còn khoảng 83%. Mặt khác, diện tích rừng trồng của BQL tập trung chủ yếu ở hai bên mép hồ Yên Lập, có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ đất, giữ nước, chống xói mòn, rửa trôi và sạt lở. Với tình hình như hiện nay, vào mùa mưa năm tới, nước sẽ thoát rất nhanh và mang theo một lượng lớn đất đá làm đục nguồn nước trong hồ, gây bồi lắng lòng hồ chứa. Trước mắt, để nhanh chóng phục hồi diện tích rừng bị thiệt hại, bảo vệ rừng, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, đơn vị cần phải tiến hành khai thác tận thu đối với diện tích rừng bị thiệt hại hoàn toàn; đồng thời thu dọn, vệ sinh rừng để PCCCR; sau đó thiết kế trồng lại rừng theo băng đối với các loài cây gỗ lớn, bản địa, kết hợp khoanh nuôi bảo vệ để rừng phát triển theo diễn thế tự nhiên... Do đó, đơn vị đề nghị cấp có thẩm quyền sớm có phương án tận thu, tận dụng lâm sản bị đổ, gãy và có phương án trồng lại rừng ngay vụ kế tiếp; cấp kinh phí để làm đường băng trắng, giảm nguồn vật liệu dễ cháy sau bão. |
Ông Nịnh Văn Năm (xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ): Mong được giảm lãi suất vay và được hỗ trợ cây giống, phân bón Gia đình tôi có 7,5ha rừng quế và lim với tuổi đời 3 năm. Cơn bão số 3 đã làm gãy, đổ hơn 4ha, chiếm hơn 60% tổng diện tích, tổng thiệt hại gần 100 triệu đồng. Ngay sau bão, gia đình đã tập trung nhân lực để dựng lại cây, bón thêm phân, đồng thời thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu lâm sản (ba kích) trên diện tích rừng bị thiệt hại. Đến nay đã có khoảng 3ha quế và lim được phục hồi, phát triển xanh tốt. Thời gian qua, gia đình tôi đã được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Chẽ cho vay 100 triệu đồng, lãi suất 0,65%/năm, thời gian vay 25 năm để trồng rừng. Mong muốn hiện nay của gia đình là được giảm lãi suất vay và được hỗ trợ cây giống, phân bón để trồng lại hơn 1ha quế và lim đã bị thiệt hại. |
Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên Tăng Văn Hải: Đảm bảo nguồn cung cấp cây giống tại chỗ Sau bão số 3, huyện Tiên Yên đang tích cực triển khai các phương án, định hướng trồng mới, thay thế diện tích rừng bị thiệt hại. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng trong giai đoạn này Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên vẫn hết sức nỗ lực đảm bảo nguồn cung cấp cây giống tại chỗ đạt số lượng lớn nhất để cung ứng cho người dân khi vào vụ trồng rừng. Đơn vị cũng đã ra quân dọn vệ sinh rừng, có sự phối hợp lực lượng Hạt Kiểm lâm huyện và chính quyền địa phương. Qua đó, vừa ứng phó nguy cơ cháy rừng, vừa chuẩn bị cho công tác tái sản xuất sớm được triển khai, góp phần vào thực hiện hiệu quả kế hoạch mà tỉnh, huyện giao. |
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) Phạm Văn Dũng: Việc rà soát, xét duyệt hỗ trợ được triển khai nhanh chóng, công khai, dân chủ Theo số liệu thống kê, toàn huyện Hải Hà có hơn 2.200ha rừng sản xuất bị thiệt hại, chủ yếu bị gãy ngang thân, đổ rạp, hoặc bật gốc. Trong đó, diện tích rừng thiệt hại trên địa bàn xã Quảng Sơn là gần 580ha. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, ngay sau bão, UBND xã đã thành lập Hội đồng xét duyệt và các tổ giúp việc, tiến hành kiểm tra, lập hồ sơ toàn bộ diện tích rừng của nhân dân bị thiệt hại. Việc rà soát, xét duyệt hỗ trợ được triển khai nhanh chóng, công khai, dân chủ, khách quan, đúng quy định của pháp luật. Số liệu đã được tổng hợp về huyện để báo cáo tỉnh sớm có cơ chế, hỗ trợ kịp thời cho hộ dân trồng rừng trên địa bàn. Những ngày vừa qua, xã cũng tăng cường bám sát cơ sở, tuyên truyền và hỗ trợ nhân dân đủ điều kiện thì thu hoạch ngay những cây gãy đổ để tận thu khi chất lượng gỗ vẫn đảm bảo... |
Minh Yến - Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()