Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:30 (GMT +7)
Phát triển thuỷ sản bền vững: Bám sát mục tiêu tăng trưởng
Thứ 5, 11/03/2021 | 07:46:55 [GMT +7] A A
Ngành Thủy sản Quảng Ninh 5 năm gần đây có bước phát triển mạnh. Năm 2020, giá trị thủy sản đạt 13.700 tỷ đồng, chiếm trên 57% giá trị toàn ngành Nông nghiệp. Đây là nền tảng vững chắc để ngành Thuỷ sản tiếp tục bứt phá phát triển bền vững.
Những con số ấn tượng
Giai đoạn 2016-2021, Quảng Ninh có quy hoạch phát triển tổng thể ngành Thủy sản. Cũng từ đó, phần lớn các địa phương có biển đã có quy hoạch chi tiết phát triển thủy sản. Cơ cấu thủy sản được tỉnh định hướng rõ, đó là tăng nuôi trồng thủy sản (NTTS), giảm khai thác thủy sản (KTTS). Trong NTTS, tập trung tăng nuôi công nghiệp, thâm canh, siêu thâm canh, nuôi công nghệ cao, giảm nuôi tự nhiên, quảng canh; trong KTTS tập trung tăng khai thác xa bờ, giảm khai thác gần bờ…
Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), mỗi năm Quảng Ninh giảm hàng nghìn tàu KTTS nhỏ, lạc hậu, thay vào đó là những con tàu hiện đại, vươn ra đánh bắt ở vùng lộng, vùng khơi, làm chủ ở các ngư trường lớn. Toàn tỉnh hiện có trên 8.000 tàu KTTS, trong đó trên 1.300 tàu KTTS vùng lộng, vùng khơi. Danh mục đối tượng nuôi chủ lực của ngành được xác định với tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể và cá biển. Tỷ lệ các mô hình nuôi tôm có hàm lượng công nghệ khoa học cao đã tăng theo cấp số nhân sau mỗi năm; hiện toàn tỉnh có 5.000ha nuôi công nghiệp, gấp gần chục lần năm 2016; giá trị mỗi ha nuôi tôm công nghiệp cao gấp 70 lần nuôi tôm phụ thuộc vào tự nhiên.
Nuôi trai lấy ngọc ở huyện Vân Đồn. |
Các chính sách thu hút đầu tư trọng tâm, trọng điểm, có định hướng vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực thủy sản những năm 2016-2017, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp lớn phát triển thủy sản. Năm 2019, sau 2 năm khởi công, Tập đoàn Việt - Úc đã có mẻ tôm giống đầu tiên sản xuất tại xã Tân Bình (huyện Đầm Hà), từ đó, đã xóa đi "điểm nghẽn" về thiếu giống tôm nuôi, thay vào đó là "bức tranh" về một trung tâm giống tôm cấp khu vực. Năm 2020, 24 trại giống của Việt - Úc sản xuất ra trên 1 tỷ con tôm giống, bằng 1/8 tổng công suất của Tập đoàn. Việt - Úc đã cung ứng tôm giống cho không chỉ các hộ nuôi tôm của tỉnh, mà cả các tỉnh thành lân cận, thậm chí vào đến khu vực miền Trung.
Chính việc trở thành đối tượng nuôi chủ lực, tỷ lệ nuôi công nghiệp tăng và "điểm nghẽn" về giống được tháo gỡ đã khiến con tôm trong cơ cấu đối tượng nuôi thủy sản Quảng Ninh được nâng tầm. Năm 2020 sản lượng tôm nuôi là 14.000 tấn, giá trị mang lại khoảng 2.000 tỷ đồng trong tổng số 13.700 tỷ đồng toàn ngành Thủy sản.
Chỉ thị số 18-CT/TU (ngày 1/9/2017) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "Về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh" được triển khai đã từng bước ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi KTTS tận diệt. Giai đoạn mới triển khai Chỉ thị này đã có trên 100.000 lượt ngư dân được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ ngư trường; gần 5.000 trường hợp cố tình sai phạm đã bị xử phạt với tổng tiền trên 20 tỷ đồng. Qua đó đã tạo sự phát triển, giàu có trở lại của hệ động, thực vật biển với danh mục 315 loài cá, 450 loài động vật thân mềm, bao gồm cả những đàn cá tôm lớn, quý…
Năm 2020, sản lượng hàu nuôi tại Quảng Ninh tăng đột biến. |
Cùng với đó, Quyết định số 31/QĐ-UBND (ngày 31/8/2020) của UBND tỉnh "Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh" cũng là chủ trương lớn để tỉnh tiếp tục duy trì, đảm bảo tính bền vững trong phát triển thủy sản. Từ năm 2021, các loại vật liệu thiếu bền vững, thân thiện với môi trường như phao xốp, tre nứa, gỗ tạp… buộc phải thay thế bằng sản phẩm đạt các thông số kỹ thuật tương đương HDPE (nhựa HDPE, phao có phủ sơn LineX…). Thay vì giá trị sử dụng chỉ từ 1-3 năm sẽ tăng lên 20-50 năm, thay vì tan rã ra lòng biển sau hết hạn sử dụng thì sẽ được thu gom lại để tái chế, tái sử dụng…
Cần đồng bộ các giải pháp
Tiếp tục tạo dư địa phát triển cho ngành Thủy sản, gần đây định hướng nuôi biển được Quảng Ninh chỉ ra ngày càng cụ thể, thiết thực hơn, cho phép ngành NTTS Quảng Ninh có hướng phát triển rộng lớn và đột phá cả về không gian, thời gian và tư duy sản xuất. Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Vùng biển Quảng Ninh rộng, hở, mở, là điều kiện thuận lợi NTTS, nhất là nuôi công nghiệp, quy mô lớn, ứng dụng thiết bị, công nghệ, quy trình nuôi hiện đại. Nuôi biển chính là lợi thế đảm bảo cho mục tiêu sản lượng đột phá, đáp ứng xu hướng phát triển và yêu cầu thực tiễn về việc giảm dần nuôi thủy sản trong bờ, gần bờ, nhường dư địa về mặt bằng cho những ngành kinh tế khác cần và phù hợp mục tiêu phát triển của tỉnh hơn...
Sản xuất sản phẩm phao nhựa tại Cơ sở Vĩ Tuyến PLASTIC huyện Hải Hà. |
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay nuôi biển Quảng Ninh mới chỉ có những bước đi ban đầu. Hiện toàn tỉnh có vài mô hình điểm, được triển khai theo các chương trình hỗ trợ của tỉnh, ngành, chưa thực sự có những mô hình sản xuất hàng hóa do người dân, doanh nghiệp đầu tư. Các loại vật liệu, công nghệ, quy trình sản xuất, quy trình quản lý nuôi biển cũng chưa rõ ràng, quy chuẩn, hầu như chưa được ứng dụng thực tế tại Quảng Ninh, bắt nhịp với xu hướng phát triển nuôi biển trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, thủy sản Quảng Ninh vẫn đã và đang đối mặt với những bài toán lớn, cần lời giải một cách tổng thể, đúng trong cả giai đoạn dài, như công tác tiêu thụ sản phẩm thủy sản, công tác quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch. Mặc dù chưa có thống kê chính xác, tuy nhiên qua các báo cáo khảo sát chuyên môn, tình trạng nuôi thủy sản ngoài, trái quy hoạch, nuôi tự phát của Quảng Ninh đang ở mức báo động. Đặc biệt đối với đối tượng nuôi nhuyễn thể (hàu, hà, ngao, nghêu, thưng…), diện tích nuôi thực tế gấp 5-7 lần diện tích quy hoạch. Riêng ở huyện Vân Đồn, "thủ phủ" nuôi hàu Thái Bình Dương của tỉnh, diện tích nuôi khoảng 20.000-30.000ha, gấp 4-6 lần quy hoạch tổng thể, gấp 8-12 lần quy hoạch chi tiết.
Tại TX Quảng Yên, mặc dù không nằm trong danh mục các địa phương được phép NTTS, nhưng người dân đang "phủ kín" các bè mảng nuôi nhuyễn thể trên 5.000ha mặt nước của địa phương này. TP Móng Cái, huyện Hải Hà đang diễn ra tình trạng lợi dụng việc giao mặt nước NTTS để khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên bằng hình thức tận diệt…
Sản phẩm phao xốp dùng trong NTTS được phủ sơn LineX tại Công ty TNHH SHQ Quảng Ninh. |
Nuôi ngoài, trái quy hoạch cũng là một trong những căn nguyên tác động tiêu cực đến khâu tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Ông Đỗ Quang Sáng, Giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Quảng Ninh, cho biết: Khi nuôi thực tế khác xa quy hoạch thì cơ quan quản lý không nắm được sản lượng, mức độ tăng trưởng từng năm, vị trí phân bố…; còn doanh nghiệp thì không nắm được về chất lượng. Hệ quả dẫn tới là bị động, Nhà nước không có chính sách phát triển, quản lý kịp thời, doanh nghiệp không đáp ứng đủ về công nghệ chế biến cũng như tìm thị trường tiếp nhận phù hợp. Và áp lực giải cứu thủy sản vẫn mãi đè nặng lên xã hội.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở chế biến thủy sản Quảng Ninh đang thiếu và yếu. Toàn tỉnh hiện có 3 cơ sở chế biến thủy sản thì đều trong tình trạng lạc hậu về công nghệ, hạ tầng, thiếu ổn định về mặt bằng, cần phải di chuyển theo quy hoạch phát triển của tỉnh; đồng thời các cơ sở cũng thiếu các đối tác làm ăn nước ngoài tiềm năng. Quy hoạch chế biến thủy sản Quảng Ninh hiện chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()