Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:12 (GMT +7)
Phát triển thuỷ sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Thứ 5, 21/03/2024 | 08:36:17 [GMT +7] A A
Tại Quyết định 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 phê duyệt đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng Chính phủ đã xác định xây dựng Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển, gắn với trung tâm nghề cá lớn. Tiếp đó, quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được phê duyệt tại Quyết định 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ) cũng xác định phát triển thuỷ sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở phát huy lợi thế biển đảo; hoàn chỉnh hệ thống hậu cần nghề cá, nuôi biển, chế biến đồng bộ, hiện đại. Để thực hiện những mục tiêu này, Quảng Ninh đã khai thác và phát huy thế mạnh, tận dụng đối đa lợi thế cạnh tranh, tập trung khắc phục khó khăn, quyết tâm vượt qua thách thức xây dựng ngành thuỷ sản phát triển toàn diện, hiện đại trở thành ngành quan trọng trong cơ cấu ngành nông lâm ngư nghiệp và ngành kinh tế biển.
“Mỏ vàng” thủy sản
Tỉnh Quảng Ninh là tỉnh biên giới phía Đông Bắc Tổ quốc, có diện tích tự nhiên trên 6.100km2 và ngư trường biển với diện tích hơn 12.000km2. Quảng Ninh là một trong 28 tỉnh, thành có biển, với 2.077 đảo lớn nhỏ, với dải bờ biển dài 250km, với 40.000ha bãi triều và trên 20.000 ngàn ha eo vịnh và hơn 35.000 ngàn ha mặt nước biển; có đầy đủ các hệ sinh thái biển quan trọng (cửa sông, rừng ngập mặn, bãi triều đáy mềm, bãi triều đá, cỏ biển, san hô, đầm hồ ngập mặn ven biển, hang động ngầm... Ngư trường Quảng Ninh là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, với trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản phong phú, đa dạng và đã được xác định là hơn 86.000 tấn, có khả năng cho phép khai thác bền vững hằng năm khoảng 52.000 tấn.
Cùng với đó, Quảng Ninh là cửa ngõ của các nước ASIAN, là trung tâm trung chuyển hàng hoá xuất khẩu của miền Bắc sang thị trường quốc tế, đặc biệt với Trung Quốc, trong đó có mặt hàng thuỷ sản; tạo cơ hội hợp tác sâu rộng về kinh tế thuỷ sản với Trung Quốc (nước có sản lượng thuỷ sản lớn nhất thế giới); đồng thời là tỉnh công nghiệp - dịch vụ, hoạt động dịch vụ và du lịch phát triển. Đây là những tiềm năng, lợi thế nổi trội của tỉnh Quảng Ninh, tạo tiền đề để kinh tế thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, vùng biển Quảng Ninh tập hợp của nhiều hệ sinh thái biển khác nhau như: Rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển… Sự đa dạng của các hệ sinh thái, nguồn lợi thuỷ sản đa dạng, phong phú, nhiều loài có giá trị kinh tế cao thuận lợi cho việc khai thác hải sản và bảo tồn biển. Mặt khác với diện tích vùng biển lớn, kín gió, nhiều đảo lớn nhỏ, nước biển trong, sạch được bao bọc bởi hệ thống đảo phía ngoài là điều kiện lý tưởng để phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, công nghệ cao. Cùng với đó, điều kiện khí hậu thuận lợi, chế độ nhật triều đều và ổn định, biên độ thuỷ triều lớn (có thể lên đến 4,3m) nên khả năng trao đổi nước giữa các khu vực nuôi trồng thuỷ sản và nguồn nước mặn từ biển vào tương đối dễ dàng, thuận tiện cho việc lấy nước vào ra các đầm nuôi. Đặc biệt là đối với nuôi tôm biên độ triều lớn nên có nhiều khoảng thời gian để lựa chọn nguồn nước tốt; khi cần thay nước rất chủ động; thuận lợi trong việc cấp tự chảy; có thể tháo cạn đáy ao dễ dàng trong cuối vụ để thu hoạch và diệt mầm bệnh.
Những năm qua, Thuỷ sản Quảng Ninh đã có những bước phát triển và đạt được những kết quả quan trọng. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 175.324 tấn (sản lượng khai thác đạt 77.039 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 83.834 tấn), tăng trưởng đạt 3,7%. Tăng trưởng bình quân của ngành thủy sản giai đoạn 2015-2020 đạt 6,37% đã có chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản lượng từ khai thác sang nuôi trồng. Năm 2015 sản lượng khai thác chiếm 51,12%, nuôi trồng chiếm 42,88% tổng sản lượng thủy sản; năm 2022 cơ cấu sản lượng khai thác chiếm 47,89%, nuôi trồng chiếm 52,11% tổng sản lượng thủy sản thì đến nay giá trị tăng thêm thuỷ sản theo giá cố định tăng gấp 1,62 lần, chiếm trên 44,8% giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh; giá trị sản xuất hiện hành 15.400 tỷ đồng, tăng gấp 2,07 lần so với năm 2015.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2018-2023, diện tích nuôi trồng thuỷ sản đã có sự phát triển đáng kể; đến năm 2023 tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 32.092ha, tăng 11.347ha so với năm 2018; các địa phương lớn như Vân Đồn, Quảng Yên, Đầm Hà, Móng Cái… Tỉnh cũng đã chủ động sản xuất giống đối tượng nuôi chủ lực như tôm, cua, cá biển... Hiện nay toàn tỉnh có 16 cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh giống thủy sản; số con giống cung ứng đạt khoảng 3 tỷ con (chiếm 40%) và tăng 1,3 tỷ con so với năm 2018. Trong đó có 12 cơ sở chuyên sản xuất giống nước mặn lợ, 4 cơ sở chuyên sản xuất giống nước ngọt và có trên 20 cơ sở ương dưỡng theo quy mô hộ gia đình. Riêng hằng năm Công ty Việt Úc – Quảng Ninh sản xuất 1,5-1,8 tỷ con tôm giống; còn lại là các loài nhuyễn thể, cá biển... Tuy nhiên, giống nhuyễn thể mới chỉ đáp ứng được 30-40% nhu cầu nuôi của các tổ chức, cá nhân; số lượng giống nhuyễn thể thiếu hụt chủ yếu nhập từ Ninh Bình, Nam Định giống hàu và Nha Trang – Khánh Hoà giống ngao, nghêu… Nhìn chung, giống thủy sản thả nuôi trong tỉnh đều có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm tra, kiểm dịch một số bệnh dịch nguy hiểm thường gặp nằm trong danh mục bệnh phải công bố dịch theo quy định của Bộ NN&PTNT.
Trong nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh có 11.284 cơ sở nuôi trồng với 3 phương thức tổ chức sản xuất bao gồm: Doanh nghiệp, Hợp tác xã và hộ gia đình. Trong đó hình thức quản lý theo hộ gia đình vẫn là hình thức tổ chức quản lý phổ biến với 11.077 hộ chiếm đến 98,2% tổng số cơ sở sản xuất thuỷ sản; có 33 doanh nghiệp và 119 hợp tác xã. Riêng hoạt động nuôi cá nước ngọt với 5.471 cơ sở chiếm 48,5%, nuôi tôm là 2.765 cơ sở chiếm 24,5%, nuôi nhuyễn thể là 2.515 cơ sở chiếm 22,3%, nuôi cá biển là 532 cơ sở chiếm 4,7%. Cùng với đó, toàn tỉnh có 30 cơ sở kinh doanh thức ăn, chế phẩm sinh học đảm bảo chuỗi cung ứng dịch vụ, phục vụ phát triển nuôi trồng thuỷ sản.
Phát triển bền vững ngành thủy sản
Để ngành thủy sản phát triển bền vững, tỉnh đã thực hiện tốt công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch nuôi biển. Đồng thời, triển khai thực hiện quy chuẩn địa phương về vật liệu nổi. Cụ thể, tỉnh đã ban hành Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 31/8/2020 quy chuẩn địa phương về vật liệu nổi sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản biển. Theo đó, từ ngày 1/1/2021 các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản biển đầu tư mới phải thực hiện theo quy chuẩn địa phương; đối với hiện trạng vật liệu nổi đang sử dụng tại các cơ sở thì thực hiện chuyển đổi, thời gian hoàn thành 1/1/2023. Đến nay, đã thực hiện thay thế khoảng 6.015.769/6.153.987 quả phao xốp được sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản biển, đạt khoảng 97,8%. Trong đó các địa phương đã hoàn thành xong việc chuyển đổi như Đầm Hà, Tiên Yên, các địa phương có tỷ lệ chuyển đổi cao như Vân Đồn đạt 99,5%, Cẩm Phả 98,0%; các địa phương có tỷ lệ chuyển đổi thấp như Hạ Long 46,3%; Móng Cái 41,7%, Quảng Yên 31,3%. Số phao xốp còn lại chiếm khoảng 2,2% xen kẹp trong diện tích nuôi trồng cần tiếp tục chuyển đổi.
Việc quan trắc, giám sát môi trường vùng nuôi thực hiện theo kế hoạch hằng năm. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2018-2023, toàn tỉnh thu bình quân trên 14.000 mẫu/năm (bao gồm mẫu nước nuôi tôm, mẫu nước nuôi nhuyễn thể); kết quả quan trắc được khuyến cáo đến cơ quan quản lý địa phương và thông tin trên Radio giờ cao điểm để biết, chủ các động chỉ đạo, tổ chức sản xuất.
Cùng với đó, tỉnh cũng tích cực bảo tồn hệ sinh thái và tái tạo phục hồi nguồn lợi thủy sản với nhiều hoạt động cụ thể. Điển hình là đã lập quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần thuộc huyện đảo Cô Tô, theo đó, Khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần bao gồm 2 phân vùng là Cô Tô và đảo Trần với tổng diện tích ranh giới quy hoạch trên 18.414ha, trong đó diện tích các phân khu bảo tồn là 13.230ha (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 3.220ha, phân khu phục hồi sinh thái là 3.245ha, phân khu dịch vụ, hành chính là 6.765ha), diện tích vùng đệm là trên 5.184ha. Khu bảo tồn vườn quốc gia Bái Tử Long có diện tích 15.283ha, trong đó diện tích các đảo nổi là 5.702,26ha, phần biển 9.580,74ha. Xây dựng 2 mô hình đồng quản lý nguồn lợi sá sùng tại các xã Minh Châu và Quan Lạn huyện Vân Đồn và bãi sá sùng tại xã Đại Bình huyện Đầm Hà. Các mô hình góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 300 hộ gia đình góp phần tích cực bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Tuy nhiên, các mô hình này không duy trình được tính hiệu quả bền vững vì nguồn lực khi kết thúc dự án.
Việc xác định, khoanh vùng, các khu bảo tồn biển được quan tâm triển khai thực hiện nhằm nảo vệ các hệ sinh thái, bảo vệ các loài sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học, bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch sinh thái, duy trì cải thiện sinh kế, quản lý và sử dụng hợp lý nguồn lợi thủy sản. Công tác bảo vệ nguồn lợi một số loài đặc sản như sá sùng, ghẹ Trà Cổ, ngán, bào ngư, mực đã được khoanh vùng nhằm mục tiêu khai thác hợp lý các loại thuỷ sản đặc hữu trên địa bàn tỉnh.
Song song với đó, các ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã siết chặt công tác quản lý vùng cấm và nghề cấm khai thác. Từ năm 2014 triển khai quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo phân cấp. Cụ thể, phân cấp quản lý vùng biển ven bờ cho cấp huyện và cấp xã theo phạm vi địa giới hành chính; các địa phương đều xây dựng Kế hoạch tổ chức kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản, một số địa phương thực hiện tốt như: Vân Đồn, Móng Cái, Quảng Yên. Thông qua việc phân cấp quản lý đã phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý, các địa phương đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc trong việc tuyên truyền, quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
Đồng thời, tỉnh cũng ban hành quy định vùng cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn, nghề cấm để bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Trong đó, quy định 2 vùng cấm khai thác thủy sản là khu vực di sản thế giới nằm ở Trung tâm Vịnh Hạ Long; Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt và khu phục hồi sinh thái tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, trong đó khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 1.090 ha nhằm bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, bãi rùa đẻ….. Khu vực cấm khai thác có thời hạn: Quần đảo Cô Tô cấm từ 1/4-30/6 hằng năm và các bãi sá sùng tự nhiên trên địa bàn tỉnh cấm khai thác từ 1/6-30/7 dương lịch hằng năm.
Đối với các nghề cấm, ngoài các nghề mà Trung ương chưa cấm, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai cấm một số nghề theo thẩm quyền như: Cấm nghề cào khai thác nhuyễn thể (ngao, sò,...) sử dụng tàu cá hoạt động tại vùng biển ven bờ; cấm nhhề lờ dây (còn gọi là lồng xếp, lồng bát quái) khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ, các vùng nước tự nhiên thuộc cửa sông và vùng nước nội địa (trừ trường hợp khai thác trong đầm nuôi hoặc trong ao nuôi); cấm nghề lặn dưới mọi hình thức để khai thác thủy sản tự nhiên tại vùng biển ven bờ và vùng lộng; cấm các nghề đăng, đáy, nghề te xiệp hoạt động trong vùng biển ven bờ, các vùng cửa sông và vùng nước nội địa; cấm phát triển nghề lưới kéo tôm sử dụng tàu cá có tổng công suất máy chính dưới 50 CV.
Đặc biệt, ngày 01/9/2017 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành 18-CT/TU về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Sau khi Chỉ thị được ban hành công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi có nhiều chuyển biến tích cực việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm; đồng thời thả bổ sung tái tạo gần 39,9 triệu giống thủy sản, trung bình thả hơn 6,6 triệu giống/năm. Qua đó tình trạng sử dụng các ngư cụ cấm, ngư cụ khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản từng bước được kiểm soát, nguồn lợi thuỷ sản có dấu hiệu phục hồi trở lại.
Cùng với đó, tính cũng chuyển dịch, cơ cấu hợp lý các nghề khai thác kém hiệu quả hoạt động ven bờ, nhất là chuyển đổi những nghề mang tính hủy diệt nguồn lợi, ảnh hưởng đến môi trường. Đến nay, đã chuyển 262 tàu và 1.408 lao động nghề cấm lưới kéo, nghề cào, lồng bát quái sang các nghề có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường như lưới rê, câu, câu kết hợp ánh sáng… thực hiện đóng mới, cải hoán, nâng cấp 38 tàu hoạt động tại vùng biển ven bờ, ra vùng lộng và vùng khơi. Đồng thời, thực hiện chuyển 942 tàu cá với 3.014 lao động sang nuôi trồng thuỷ sản tập trung tại Vân Đồn 561 tàu, Quảng Yên 250 tàu, Cẩm Phả 65 tàu, Đầm Hà 26 tàu, Hạ Long 40 tàu, khu vực nuôi tập trung tại Vân Đồn, Đầm Hà, Cẩm Phả. Tỉnh cũng giải bản tàu không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật cho 1.286 tàu cá (với 3.170 lao động) đã chìm đắm, hỏng không thể khắc phục, tàu cá bán sang tỉnh ngoài… Số lao động này được chuyển sang các nghề phi nông nghiệp, hoặc chuyển sang nuôi trồng, sơ chế, chế biến thuỷ sản.
Ngoài các văn bản, quy định của Trung ương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chủ động ban hành và triển khai trên 13 văn bản quy định về quản lý, phân công, phân cấp, xử lý tang vật vi phạm, công tác bảo vệ nguồn lợi, thiết lập thành lập các điểm kiểm tra, kiểm soát tàu cá, sản lượng thủy sản khai thác... Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu tích hợp, sửa đổi, bổ sung các quy định, quyết định liên quan đến công tác khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh và các quy định của pháp luật có liên quan và ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, và hỗ trợ lắp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh cho biết: Hiện nay, tỉnh đang xây dựng Đề án Phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2030, tổng sản lượng thuỷ sản đạt trên 305.000 tấn, tăng bình quân trên 8%/năm; giá trị sản xuất theo giá cố định đạt 16.656 tỷ đồng, theo giá hiện hành đạt 32.170 tỷ đồng, bình quân tăng 12%/năm; tỷ trọng cơ cấu thuỷ sản trong GRDP của tỉnh từ 1,9-2,0% và chiếm trên 50% GRDP trong cơ cấu ngành nông lâm ngư nghiệp; tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản đạt 250 - 260 triệu USD, tăng bình quân 8%/năm, gấp 1,6-1,7 lần so với năm 2023; giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 40.000 lao động; diện tích nuôi trồng thuỷ sản hữu dụng đạt 50.000ha chiếm 52,5%.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()