Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:30 (GMT +7)
Phát triển bền vững ngành thủy sản
Thứ 7, 09/03/2024 | 08:13:44 [GMT +7] A A
Tỉnh Quảng Ninh là vùng đất giàu tiềm năng và lợi thế về địa lý để phát triển ngành thủy sản với trên 6.100km2 mặt nước, vùng biển, với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vụng, áng cùng hệ sinh thái đa dạng, phong phú. Ngư trường Quảng Ninh được xác định là một 4 ngư trường trọng điểm của cả nước với nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Đây là lợi thế quan trọng để tỉnh Quảng Ninh phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường biển.
Những năm qua, Thuỷ sản Quảng Ninh đã có những bước phát triển và đã đạt được những kết quả quan trọng; cụ thể năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 175.324 tấn, tăng trưởng đạt 3,7%, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 6,37% đã có chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản lượng từ khai thác sang nuôi trồng. Giá trị tăng thêm thuỷ sản theo giá cố định tăng gấp 1,62 lần, chiếm trên 44,8% giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh; giá trị sản xuất hiện hành 15,4 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2,07 lần so với năm 2015. Số lượng tàu cá ven bờ giảm bình quân giảm 6,4%/năm; giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho trên 37,0 ngàn người (chiếm 18,1% số lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp). Gá trị xuất khẩu thủy sản tăng gấp 1,5 lần; chủ động sản xuất giống đối tượng nuôi chủ lực (tôm, cua, cá biển) tăng 3,3 lần so với năm 2015; diện tích, sản lượng nuôi tôm công nghiệp lớn nhất từ trước đến nay. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cơ sở được tăng cường, công tác quản lý nhà nước, tổ chức bộ máy ngành thủy sản được củng cố và phát huy hiệu quả. Chủ quyền an ninh vùng biển đảo được giữ vững; đời sống ngư dân được ổn định và tiếp tục nâng cao.
Để phát triển bền vững ngành thủy sản, mới đây, ngày 30/1/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-UBND về thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh năm 2024 gắn với Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, đã đề ra các giải pháp khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý, phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản trên cơ sở cân đối giữa khai thác và nuôi trồng thủy sản một cách hợp lý, có hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời, bố trí, sắp xếp các vùng nuôi an toàn, khoa học, phù hợp với các quy hoạch. Thu hút đầu tư, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về vai trò kinh tế biển, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
Tỉnh cũng đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể như triển khai công bố công khai khu vực phát triển nuôi biển thuộc Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; 100% địa phương ven biển ban hành kế hoạch phát triển nuôi biển năm 2024; hoàn thành dứt điểm cấp phép, giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch trong quý I/2024. Đồng thời, tổng diện tích nuôi biển đạt trên 13.560 ha, tăng 3.500 ha; sản lượng nuôi biển đạt trên 75.000 tấn chiếm 83% sản lượng nuôi trồng thủy sản; tăng trường trên 9,0%; tổ chức sản xuất, ương dưỡng được trên 04 tỷ con giống tăng 01 tỷ giống so với năm 2023 (trong đó giống tôm 2,5 tỷ, giống nhuyễn thể, cá biển và các đối tượng khác 1,0 tỷ). Đáp ứng gần 40% nhu cầu nuôi biển. Có 100% cơ sở được cấp mã cơ sở nuôi biển khi được giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản. Có 100% cơ sở nuôi biển sử dụng vật liệu nổi sử dựng trong nuôi biển thân thiện với môi trường theo quy chuẩn địa phương; tuyệt đối không để phát sinh cơ sở sử dụng phao xốp và vật liệu trong nuôi trồng thủy sản không đảm bảo quy chuẩn. Tỉnh cũng sẽ triển khai 3 trạm quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trên biển và quan trắc môi trường thủy sản định kỳ theo kế hoạch; xây dựng 1 mô hình mẫu về nuôi trồng thủy sản biển; tiếp tục rà soát và hoàn thiện khung pháp lý quản lý nuôi biển, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ viễn thám quản lý nuôi biển.
Cùng với đó, tỉnh cũng quyết liệt thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) gắn với quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản… Hiện nay, Quảng Ninh đang xây dựng Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 nhằm phát triển thuỷ sản là ngành mũi nhọn, quan trọng trong cơ cấu ngành nông lâm ngư và ngành kinh tế biển trên cơ sở phát huy phát huy lợi thế biển, đảo và cửa khẩu; tập trung phát triển thuỷ sản toàn diện đưa Quảng Ninh trở thành Trung tâm thuỷ sản Miền Bắc.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()