Ca sĩ Phi Nhung qua đời trưa 28/9 tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM sau hơn một tháng điều trị Covid-19. Dõi theo tình hình sức khỏe ca sĩ hơn một tháng qua, đông đảo nghệ sĩ, khán giả trong nước lẫn hải ngoại vẫn bàng hoàng. Trên Facebook, nhiều người đăng lại nhạc phẩm Lý con sáo Bạc Liêu (Phan Ni Tấn) - một trong những ca khúc nổi tiếng của Phi Nhung - tưởng nhớ chị: "Rồi thì sáo cũng bay xa/ Bỏ trên bến nước tiếng ca buồn hiu...".
Phi Nhung đến với ca hát như nghiệp, dù bản thân vốn là người ngoại đạo. Thuở bé, tình yêu nhạc trữ tình, quê hương thấm dần vào chị mỗi lần nghe giọng Hương Lan vang lên từ các băng cassette. Chị tập hát mỗi khi ngồi trước cửa nhà, đong đưa võng ru em ngủ. Cuối thập niên 1980, cô gái 17 tuổi rời quê nhà Pleiku sang Mỹ định cư theo người thân. Sống cùng dì ruột ở Tampa, tiểu bang Florida, chị bươn chải đề mưu sinh, từ lau sàn nhà, quét dọn, bồi bàn đến may vá thuê. Những ngày đầu nơi đất khách, cô ấp ủ giấc mơ trở thành ca sĩ.
Một lần, Phi Nhung gặp Trizzie Phương Trinh, vợ cũ Bằng Kiều, đang là ca sĩ khá đình đám trong làng nhạc hải ngoại - tại một ngôi chùa ở Florida. Mến tài ca hát và khuôn mặt khả ái của người em đồng hương, Trizzie thuyết phục Phi Nhung sang California, bắt đầu gây dựng sự nghiệp ca hát. Khi ấy, Phi Nhung đã làm mẹ đơn thân, nuôi con gái một tuổi với đồng lương từ nghề thợ may. Một tuần suy nghĩ, Phi Nhung nuốt nước mắt, ẵm con sang California vì không muốn con sau này khổ như mình. Khi ấy, chị chỉ có 300 USD trong người.
Những ngày đầu, mẹ con Phi Nhung ở nhà Trizzie Phương Trinh. Gửi con nhờ người quen chăm, ngày chị làm nhân viên bán đĩa nhạc cho một trung tâm ca hát, tối phục vụ nhà hàng. Tranh thủ thời gian rảnh, chị vào studio tập học xướng âm, hát theo giọng Bắc để theo đuổi dòng nhạc trữ tình. Lần đầu thử giọng, chị bị Trizzie chê hát dở vì "phát âm sai chính tả nhiều quá". Mỗi tối, chị lại nỗ lực tập hát tròn vành rõ chữ. Ròng rã hai năm, Phi Nhung ra mắt hai ca khúc đầu tiên - Nỗi buồn hoa phượng (Thanh Sơn - Lê Dinh) và Nối lại tình xưa (Ngân Giang), song không có album riêng, chỉ góp mặt trong đĩa hát chung của Hương Lan và Mỹ Huyền.
Góp mặt vào làng nhạc hải ngoại đầu thập niên 1990, Phi Nhung nhanh chóng đem lại luồng gió mới. Trước đó, Hương Lan đã phủ bóng lớn ở thể loại dân ca - trữ tình, thành công trên cả lĩnh vực tân nhạc và cổ nhạc. Đến lượt Phi Nhung, khán giả dần chú ý đến một chất giọng mộc, thiên về bản năng, không chú trọng phô trương kỹ thuật thanh nhạc. Chị chọn lối ngân luyến vừa đủ nhưng vẫn nghe da diết, thi thoảng nghèn nghẹn như sắp khóc. Chị dần trở thành ca sĩ được săn đón của nhiều hãng đĩa, trung tâm âm nhạc.
Năm 1999, MV Lý con sáo Bạc Liêu (Phan Ni Tấn) của chị được đầu tư 30.000 USD, lập tức tạo hiệu ứng khi ra mắt. Một năm sau, Phi Nhung trình làng MV Phải lòng con gái Bến Tre (nhạc: Phan Ni Tấn, thơ: Luân Hoán) với kinh phí 40.000 USD. Hình ảnh Phi Nhung trong tà áo dài xưa, tái hiện chuyện tình bên bến phà Rạch Miễu đi vào lòng nhiều thế hệ khán giả mê nhạc trữ tình - dân ca đầu thập niên 2000. Một giai đoạn, Phi Nhung được nhiều đồng nghiệp, khán giả xem là "nữ hoàng băng đĩa" với hơn 100 album solo - thuộc hàng kỷ lục của làng nhạc hải ngoại.
Sự kết hợp với danh ca Mạnh Quỳnh cũng giúp Phi Nhung duy trì vị thế hàng đầu làng nhạc dù các giọng hát mới liên tiếp xuất hiện Từ những bản tân cổ đầu như Duyên nghèo (Mạnh Quỳnh), Đoạn cuối tình yêu (Tú Nhi, Mạnh Quỳnh, Loan Thảo), cả hai ghi dấu trong các tiết mục đậm tình quê hương. Họ dần trở thành cặp song ca được yêu mến nhất nhì thập niên 2000. Trong những lần hát chung sau này, Mạnh Quỳnh thường gọi Phi Nhung là "tri kỷ âm nhạc" bởi sự ăn ý, hòa hợp khi song ca. Hồi tháng 8, hay tin chị lâm bệnh, anh nhắn nhủ: "Cố lên bạn tôi nhé. Ta còn nợ nhau nửa đời nghệ thuật còn lại. Mình đã đi bên nhau suốt một quãng đường dài nhiều chông gai, vất vả... Cũng như mình, cuộc đời này vẫn luôn cần bạn".
Dù sinh trưởng ở vùng cao nguyên, chị chinh phục người nghe với loạt bản hit về miền Tây sông nước. Ở nhiều ca khúc như Bông điên điển, Em về miệt thứ (Hà Phương), Chiều qua phà Hậu Giang (Nhật Ngân)... dù có các phiên bản khác nhau, số đông khán giả vẫn tìm đến Phi Nhung bởi một chất giọng khắc khoải, đong đầy nỗi buồn như cất lên từ chính số phận người hát.
Vẻ ngoài hay tươi cười, Phi Nhung thường giấu bên trong nỗi đau về một tuổi thơ thiếu thốn tình thương gia đình. Cuối năm 2019, làm khách mời cho chương trình Ký ức vui vẻ, chị rơi nước mắt hồi tưởng thời thơ ấu nhiều sóng gió. Cha là lính Mỹ, mẹ là một phụ nữ Pleiku, thuở nhỏ, Phi Nhung sống trong định kiến về con lai. Khi mẹ có chồng mới, chị không thể gặp bà, cũng không được gọi người sinh ra mình là mẹ, phải ở bên ngoại một thời gian. Tuổi thơ chị là những ngày dằng dặc của buồn tủi. Vài năm sau, chị được mẹ đón về sống chung với cha dượng và năm người em cùng mẹ khác cha.
Năm chị hơn 10 tuổi, mẹ qua đời sau một tai nạn. Chị và các em chuyển về ở cùng ông bà ngoại khi cha dượng có vợ mới. Sau này, Phi Nhung thu âm ca khúc Tựa cánh bèo trôi (Hoàng Minh) như một cách ôn ký ức về người mẹ quá cố, về những ngày chị và em gái được mẹ hát ru cũng với bài hát này.
Một lần trả lời phỏng vấn, chị thừa nhận dù trải qua nhiều cuộc tình sâu đậm, chị chưa đủ tự tin để không đảm nhận trọn vẹn vai trò người vợ. Chị dồn hết tình thương chăm sóc các con - gồm một con ruột và hơn 20 con nuôi, trong đó có nhiều trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Ca sĩ từng cho biết chọn sống độc thân để nuôi đàn con vì chị cũng là đứa không cha, không mẹ từ nhỏ. "Đời tôi may mắn được những người tốt bụng cưu mang. Ông trời thương nên tôi được là một nghệ sĩ, sống trong sự yêu thương của khán giả. Khi nhận được quá nhiều thứ, tôi phải cho đi", Phi Nhung từng nói.
Ý kiến ()