Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:20 (GMT +7)
Phiên thảo luận và chất vấn tại hội trường: 360 phút chất lượng!
Thứ 3, 08/12/2020 | 20:55:40 [GMT +7] A A
Phiên làm việc ngày thứ 2 của Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khoá XIII được các đại biểu, nhân dân toàn tỉnh ghi nhận là phiên họp thực sự đổi mới, chất lượng trên nhiều phương diện. Cơ bản thời gian họp (khoảng 360 phút) dưới sự điều hành, chỉ đạo, định hướng rõ nét, khoa học của Chủ tọa kỳ họp, đại biểu đã thảo luận, chất vấn, đóng góp rất nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc cho tỉnh. Đặc biệt, nhiều vấn đề “phi truyền thống” đã được đưa ra để mổ xẻ, đàm luận, đánh giá sâu sắc, như: Phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an ninh nguồn nước, giữ rừng đầu nguồn…
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh định hướng nội dung phiên chất vấn tại hội trường. |
SÔI NỔI HIẾN KẾ CHO TỈNH
Phát biểu ở phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu đều thể hiện sự vui mừng và đánh giá rất cao về những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020. Điều này đã tiếp tục khẳng định thương hiệu tỉnh Quảng Ninh. Các đại biểu cũng nhất trí đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh đối với các nhiệm vụ công tác 1 năm qua với nhiều đổi mới.
Đại biểu Hoàng Văn Tiền, Chánh án TAND tỉnh, Tổ đại biểu TP Hạ Long, đánh giá: Năm 2020, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã căng mình phòng, chống dịch Covid-19 và đạt được những kết quả tích cực, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Có được kết quả đó, phải nói đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Từ kết quả đó, đã tạo điều kiện thuận lợi, ổn định cho tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020 đã đề ra.
Trong khoảng thời gian không dài, khoảng 3 tiếng đồng hồ dành cho phiên thảo luận tại hội trường trong sáng 8/12, nhưng đã có 14 ý kiến tham gia trực tiếp tại hội trường. Đặc biệt, đa số các đại biểu không dừng lại ở việc phát biểu đánh giá những kết quả đã đạt được của tỉnh thời gian qua, mà thẳng thắn đi sâu vào nhiều vấn đề, có thể coi là “khâu khó, điểm nghẽn” cần được khơi thông của tỉnh.
Đại biểu Ngọc Thái Hoàng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Tổ đại biểu TP Cẩm Phả đề nghị thời gian tới tỉnh cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án KKT, KCN, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển. Qua số liệu khảo sát của cơ quan chức năng tỉnh, năm 2021 và giai đoạn 2022-2025, tỉnh cần rất nhiều lao động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, xây dựng, du lịch. Chính vì vậy, cần thiết phải có chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo. Cùng với đó, tỉnh cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và triển khai có hiệu quả các giải pháp, nhằm đưa các doanh nghiệp trở lại hoạt động sau thời gian phải tạm dừng hoạt động do dịch bệnh, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, cũng như tạo điều kiện, cải cách thủ tục hành chính để các doanh nghiệp mới thành lập.
Những thách thức an ninh phi truyền thống cũng đã được các đại biểu đề cập tới tại kỳ họp này. Đại biểu Hoàng Bá Hướng, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Tổ đại biểu TX Đông Triều nhận định, trước những diễn biến còn khó lường của dịch Covid-19, cùng những thách thức an ninh phi truyền thống khác còn tiềm ẩn cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, đòi hỏi tỉnh phải có giải pháp căn cơ, đồng bộ để thích ứng và phát triển. Tham gia đóng góp ý kiến vào một số dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp, đại biểu đề nghị, đối với kế hoạch đầu tư công năm 2021, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới cần có dự kiến kinh phí, yêu cầu cụ thể đối với các xã phấn đấu về đích xây dựng nông thôn mới trong năm. Đối với nghị quyết phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách địa phương 2021-2025 cần làm rõ tiêu chí tính điểm các địa phương, đặc biệt là nêu rõ mục đích sử dụng các nguồn vốn, tránh đầu tư dàn trải.
TIẾP TỤC TẠO ĐỘT PHÁ TỪ GIÁO DỤC
Đối với phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra chiều 8/12, dựa trên vấn đề đại biểu đăng ký và cử tri quan tâm, Chủ tọa kỳ họp đưa ra 3 “đề bài”, đó là: Quản lý GD&ĐT, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quản lý rừng đầu nguồn, đảm bảo an ninh nguồn nước; giải pháp trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị, phiên chất vấn sẽ trên tinh thần hỏi nhanh, gọn - đáp thẳng, đi thẳng vào vấn đề. Đại biểu dành thời gian để có nhiều câu hỏi và câu trả lời, không ngại tranh luận để làm rõ, đi đến cùng vấn đề.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Thúy trả lời chất vấn tại hội trường. |
Đối với vấn đề quản lý GD&ĐT, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục được HĐND tỉnh đưa ra để các đại biểu chất vấn “tư lệnh” ngành GD&ĐT, LĐ-TB&XH. Với tinh thần cầu thị, không né tránh, Giám đốc các sở: GD&ĐT, LĐ-TB&XH đã làm rõ, đi đến cùng câu hỏi của đại biểu; đồng thời, đề ra được phương án của ngành trong thời gian tới.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ tập trung làm tốt công tác dự báo nhu cầu xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành, nghề, trình độ đào tạo, nhất là những ngành, nghề, kỹ năng mới và cập nhật dữ liệu theo định kỳ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu lao động. Cùng với đó, tăng cường gắn kết chặt chẽ “3 nhà” (Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp) trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ học nghề…
Giám đốc Sở GD&ĐT cũng đã làm rõ các ý kiến chất vấn của đại biểu liên quan đến phát triển học ngoại ngữ trong nhà trường, tiêu chí trường chuẩn quốc gia, nâng cao hiệu quả, chất lượng hệ thống giáo dục tư thục. Về giải pháp khắc phục những khó khăn cho các trường tư thục, nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống các trường tư thục trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đồng chí cho biết: Sở GD&ĐT sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp, gồm: Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương, chính sách xã hội hóa để tất cả các đối tượng liên quan (các cơ quan quản lý, nhà đầu tư, đơn vị công lập, ngoài công lập và toàn xã hội) nhận thức đúng đắn, đầy đủ và thực hiện có hiệu quả chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục; làm tốt vai trò tham mưu để tỉnh ban hành thêm các cơ chế, chính sách thiết thực, khả thi, hỗ trợ các trường tư thục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng; quan tâm phát triển hệ thống các trường tư thục gắn với thực hiện tốt quy hoạch phát triển giáo dục.
AN NINH PHI TRUYỀN THỐNG LÊN NGHỊ TRƯỜNG
2 vấn đề an ninh phi truyền thống đã được đưa ra tại Kỳ họp, đó là: Quản lý rừng đầu nguồn, đảm bảo an ninh nguồn nước; giải pháp trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Đây là những vấn đề mới, nhưng đã, đang và được dự báo sẽ có tác động rất mạnh mẽ đến Quảng Ninh. Chính vì vậy, trên nghị trường cũng “nóng” hơn bởi các câu hỏi của đại biểu liên quan đến những vấn đề này.
Đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế, trả lời chất vấn. |
Liên quan đến vấn đề tài nguyên rừng, tài nguyên nước, "tư lệnh" ngành NN&PTNT, TN&MT đã trao đổi, làm rõ về thực trạng và một số giải pháp. Đặc biệt, trong vai trò Chủ tọa kỳ họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh có những đánh giá sâu sắc về nội dung này, chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu nhiều giải pháp có tính mới, quyết liệt, như: Cần có quan trắc các hồ nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất; xây dựng chính sách để khuyến khích người dân chuyển sang trồng rừng gỗ lớn đảm bảo nguồn sinh thủy lâu dài, bền vững.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng lưu ý, an ninh nguồn nước phải xử lý trên 4 vấn đề: Phát triển nguồn nước; bảo vệ nguồn nước để không ô nhiễm; quản lý sử dụng hiệu quả nguồn nước; xử lý vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Trong đó, về giải pháp trong vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước là phải xét đến nguồn nước ở các hồ đập, sông suối, nước ở các ao, thủy vực có khả năng trữ nước. Đặc biệt, phải lưu ý đến việc mỗi năm ngành Than thải ra môi trường 120 triệu m3 nước thải đã qua xử lý. Nếu dùng công nghệ xử lý tốt thì đây nguồn rất quý. Riêng về nước ngầm hiện nay, theo quy hoạch về tài nguyên nước cần phải đánh giá lại thay đổi biến động. Người dân có thói quen khoan giếng, đào giếng, hoạt động này vừa không đáp ứng được yêu cầu kiểm soát biến động của nước ngầm, vừa không đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt của người dân. Vì vậy Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh phải lập đề án báo cáo tỉnh và mạnh dạn đầu tư công trình nước sạch để phục vụ cho sự phát triển của tỉnh.
Một vấn đề được coi là yếu tố bất ngờ của năm 2020 chính là đại dịch Covid-19. Đại dịch toàn cầu này đã, đang và vẫn sẽ có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của quốc gia nói chung và của Quảng Ninh nói riêng. Đây là vấn đề được các đại biểu tại kỳ họp nhận thức rất rõ. Các đại biểu đánh giá cao những chỉ đạo, điều hành của tỉnh thời gian qua trong thực hiện “mục tiêu kép” để giữ được địa bàn an toàn, hấp dẫn, khôi phục nhanh đà tăng trưởng 2 con số. Đây có thể nói tiếp tục là một “chiến công” của Quảng Ninh. Bởi ngay từ đầu, Quảng Ninh đã được Chính phủ xác định là tuyến đầu trên mặt trận chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh phát biểu tại phiên chất vấn. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh khẳng định: Có thể coi, Kỷ luật và Đồng tâm chính là vắc-xin chống Covid-19 của Quảng Ninh. Nhờ đó, Quảng Ninh đã giữ vững là địa bàn an toàn trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có rất nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đó là, lượng khách du lịch đến địa bàn; lượng phương tiện vận tải, hàng hóa đi và đến địa bàn; địa bàn biên giới rộng, dài… Cùng với đó, chính là tâm lý chủ quan, lơ là, thỏa mãn của một bộ phận người dân trong công tác phòng, chống dịch.
Để giữ vững thành quả của năm 2020, trong cuộc chiến với giặc Covid-19, các đại biểu đều nhất trí rằng tỉnh tiếp tục cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, huy động cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng vào cuộc. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ năm 2020 có ý nghĩa quan trọng cho cả năm 2021. Trong đó, điểm mấu chốt phụ thuộc vào nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi người dân, mỗi cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, y tế... không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tuân thủ nghiêm túc quy trình phòng, chống dịch.
Đồng chí lưu ý, Quảng Ninh là địa bàn tiềm ẩn yếu tố ca bệnh xâm nhập từ bên ngoài rất lớn. Ngành Y tế tiếp tục phối hợp tăng cường kiểm soát tình hình nhập cảnh từ bên ngoài vào địa bàn; tăng cường kiểm soát cơ sở cách ly, kiên quyết xử lý vi phạm, công khai các cơ sở vi phạm... Giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở y tế công lập trong thực hiện quy trình phòng chống dịch, nhất định không để xảy ra các tình huống rủi ro. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt toàn bộ tuyến biên giới trên bộ, trên biển, đặc biệt là trong dịp cuối năm, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đảm bảo không có trường hợp nhập cảnh, vượt biên trái phép; tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức, cảnh giác cho người dân. Phải tăng cường cập nhật thông tin trên bản đồ quốc gia chung sống an toàn với dịch Covid-19. Đặc biệt, gắn trách nhiệm người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương để đảm bảo giữ vững địa bàn an toàn, hấp dẫn, tạo đà cho tăng trưởng.
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()