Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 08/01/2025 17:32 (GMT +7)
Phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường
Thứ 5, 26/09/2024 | 13:44:15 [GMT +7] A A
Thời gian qua, thực hiện nghiêm túc công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) với nhiều giải pháp đồng bộ, ngành GD&ĐT đẩy mạnh tuyên truyền tới đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên góp phần ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
6 tháng đầu năm 2024, Sở GD&ĐT đã ban hành 17 văn bản chỉ đạo; tích cực đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương triển khai tuyên truyền, PBGDPL. Các cơ sở giáo dục nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này nên đã tích cực, chủ động xây dựng quy chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội cùng phối hợp và triển khai đồng bộ các giải pháp.
Công tác tuyên truyền, PBGDPL của các trường được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Các cơ sở giáo dục tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú phù hợp với mỗi cấp học, bậc học. Thực hiện nghiêm túc việc đưa các nội dung PBGDPL tích hợp vào các môn học chính khoá, đặc biệt là bộ môn giáo dục công dân và các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
100% các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tuyên truyền, PBGDPL cho học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đơn vị. Phổ biến kịp thời, đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật mới được thông qua; giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân. Tổ chức quán triệt, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung các luật, nghị quyết đến CBCCVC-NLĐ và học sinh với những hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, điều kiện thực tiễn của đơn vị, địa phương.
Mỗi đối tượng tập trung vào các nội dung cụ thể. Theo đó, đối với cán bộ, giáo viên và người lao động, tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; các quy định của pháp luật có liên quan chuyên ngành, lĩnh vực công tác; nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; các quy định của Trung ương, của tỉnh liên quan đến hoạt động quản lý, giáo dục, đến đời sống của CBCCVC-NLĐ.
Đối với trẻ em mầm non, học sinh tiểu học, nội dung giáo dục pháp luật được lồng ghép, tích hợp thông qua các hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ nhằm thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục tiểu học phù hợp với lứa tuổi và gắn với cuộc sống hằng ngày. Hình thành những thói quen ban đầu về chuẩn mực đạo đức xã hội, ý thức kỷ luật, các quy tắc, quy định trong sinh hoạt gia đình, trường mầm non, cộng đồng gần gũi. Cung cấp cho trẻ các kỹ năng, kiến thức ban đầu về giáo dục pháp luật thông qua các nội dung quyền trẻ em, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; phòng chống bạo hành, buôn bán, xâm hại trẻ em…
Còn đối với học sinh, học viên, tập trung thực hiện công tác PBGDPL, trong đó trọng tâm là các văn bản pháp luật về giáo dục, đào tạo; các văn bản quy định về quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, xã hội và gia đình; các văn bản quy phạm về công tác quản lý, đánh giá xếp loại người học; các văn bản quy định về thi học sinh giỏi, tuyển sinh, thi trung học phổ thông quốc gia, chế độ cho người học; vấn đề phòng chống bạo hành, buôn bán, xâm hại trẻ em; vấn đề pháp luật liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết; các quy định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan đến học sinh trong giao thông đường bộ, ma túy, thuốc lá, rượu bia, an ninh trật tự, an toàn xã hội, việc sử dụng mạng xã hội và một số văn bản khác có liên quan đến học sinh, học viên...
Việc tham gia hưởng ứng các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cũng được ngành quan tâm thực hiện. Trên cơ sở chỉ đạo của Sở GD&ĐT, các đơn vị tích cực tham gia hưởng ứng cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho giáo viên và học sinh trung học do Bộ GD&ĐT phối hợp các đơn vị đồng tổ chức. Kết quả đạt được 43 giải, trong đó 2 giải nhất, 4 giải nhì, 9 giải ba, 28 giải khuyến khích.
Sở cũng tiếp tục duy trì, tổ chức thực hiện thí điểm mô hình “Sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh, sinh viên tỉnh Quảng Ninh” tại Trường THPT Hòn Gai và Trường TH, THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Với nhiều giải pháp triển khai thực hiện, công tác PBGDPL trong nhà trường phát huy hiệu quả, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tăng cường sự phối hợp liên ngành; gắn việc giảng dạy và học tập pháp luật với rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh nhằm củng cố kiến thức pháp luật cho học sinh, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tìm hiểu kiến thức pháp luật và vận dụng pháp luật trong xử lý tình huống thực tế.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()