Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:33 (GMT +7)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm việc với tỉnh Quảng Ninh về phát triển kinh tế biển
Thứ 3, 02/08/2022 | 18:07:04 [GMT +7] A A
Trong chương trình chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh, ngày 2/8, tại huyện Cô Tô, đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, đã làm việc với tỉnh Quảng Ninh và huyện Cô Tô về kết quả thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế biển. Cùng làm việc có các đồng chí: Lê Quang Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh.
Với tiềm năng, lợi thế to lớn, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã chú trọng phát triển kinh tế biển, đảo và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2019-2021, du lịch và dịch vụ biển chịu tác động mạnh mẽ bởi dịch bệnh Covid-19, số lượng khách và nguồn thu đều sụt giảm. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng lưu trú, dịch vụ du lịch ngày càng được hoàn thiện, nâng tầm thương hiệu và cải thiện khả năng thu hút dòng khách du lịch cao cấp. Trong thời gian từ đầu năm 2022 đến nay, ngành dịch vụ - du lịch đã có sự phục hồi mạnh mẽ với tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt gần 6 triệu lượt.
Đối với lĩnh vực cảng biển và dịch vụ cảng biển, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế biển Quảng Ninh. Trong giai đoạn 2019-2021, tổng doanh thu dịch vụ cảng biển đạt trên 7.400 tỷ đồng, tăng bình quân 16,7%/năm.
Ngành thủy sản phát triển cả về nuôi trồng, khai thác và chế biến. Bước đầu hình thành các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng được thương hiệu của một số nông sản chủ lực. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 21.300ha; tạo việc làm cho gần 54.000 lao động; chiếm 2,5% GRDP toàn tỉnh và 50,1% GRDP toàn ngành nông nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tập trung phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển. Thu hút đầu tư các dự án điện gió và khai thác tài nguyên khoáng sản biển. Riêng đối với huyện Cô Tô, sau khi có điện lưới quốc gia năm 2013, kinh tế huyện đảo đã có bước phát triển đột phá. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 15-16%. Du lịch - dịch vụ chiếm 60% trong cơ cấu kinh tế. Đây cũng là huyện đảo đầu tiên trong cả nước được công nhận là huyện đảo nông thôn mới.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030 đã xác định “Phát triển bền vững kinh tế biển” là một trong những đột phá phát triển của tỉnh. Mục tiêu là xây dựng Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, một động lực phát triển của vùng và cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - ven biển.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: Trong thời gian qua, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển, Quảng Ninh luôn xác định gắn kết chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. Đồng chí đề nghị Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền để tạo điều kiện cho các địa phương phát triển kinh tế biển. Đặc biệt là tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục cấp phép sử dụng nguồn đất đá thải mỏ để phục vụ san lấp mặt bằng. Đồng chí cũng đề nghị trong những năm tiếp theo, Trung ương giữ nguyên tỷ lệ điều tiết ngân sách đối với tỉnh Quảng Ninh tương đương với năm 2022. Qua đó tạo điều kiện để địa phương cân đối ngân sách cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội, đánh giá cao kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và kinh tế biển của tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Đặc biệt là trong phát triển du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; nuôi trồng và khai thác hải sản; phát triển công nghiệp ven biển. Công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ môi trường biển cũng có sự cải thiện rõ nét.
Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, đồng chí đề nghị Quảng Ninh phối hợp với các địa phương lân cận để đề xuất cơ chế phát triển tổng thể cho cả vùng. Đồng thời tỉnh tiếp tục quan tâm, có giải pháp để tháo gỡ tình trạng mất cân đối về cung cấp dịch vụ lưu trú chất lượng cao trong phát triển du lịch và dịch vụ biển, nhất là ở vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, Cô Tô. Nâng cao tỷ lệ đóng góp GRDP của kinh tế hàng hải, tăng doanh thu dịch vụ cảng biển, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng. Đồng thời, nghiên cứu việc thành lập một trung tâm nghiên cứu khoa học về thủy sản trên địa bàn.
Đối với huyện đảo Cô Tô, tiếp tục duy trì tỷ trọng thương mại - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, trọng tâm là dịch vụ, du lịch với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hướng tới mục tiêu xây dựng Cô Tô trở thành trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao. Trong đó, phải xây dựng quy hoạch xứng tầm với các tiềm năng, thế mạnh của huyện đảo.
Đồng chí cũng đề nghị các Ủy ban của Quốc hội trao đổi với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để làm rõ các bất cập và nghiên cứu, bổ sung một cách phù hợp các quy định về giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; các quy định cần thiết liên quan đến hoạt động lấn biển; vấn đề phê duyệt, ban hành quy hoạch, kế hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ quốc gia...
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()