Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 05:44 (GMT +7)
Phố đi bộ Cẩm Phả sẽ có gì hấp dẫn?
Chủ nhật, 17/10/2021 | 07:47:42 [GMT +7] A A
Mới đây, TP Cẩm Phả đã đưa ra kế hoạch xây dựng tuyến phố đi bộ Cẩm Phả, dự kiến sẽ bắt đầu từ khu vực Nhà hát Công nhân Cẩm Phả (phường Cẩm Tây) và điểm cuối tại chợ Cẩm Đông (phường Cẩm Đông).
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, cho biết: Công trình sẽ tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch về đêm của TP Cẩm Phả, tạo sân chơi, điểm buôn bán giới thiệu các sản phẩm ẩm thực cho nhân dân và du khách. Đây sẽ còn là nơi giáo dục cho lớp trẻ về lịch sử đấu tranh hào hùng của nhân dân Cẩm Phả qua các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Nhà Văn hóa công nhân Cẩm Phả - nơi điểm đầu của phố đi bộ sẽ tổ chức các chương trình ca nhạc phòng trà, sẽ có sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ và những người đam mê ca hát ở Cẩm Phả. Đối diện với Nhà văn hóa công nhân Cẩm Phả là Vườn hoa Cẩm Phả, đã được thành phố nâng cấp cải tạo, trồng thêm nhiều loại hoa và đã đưa vào sử dụng đầu năm 2020, giúp người dân có khoảng không gian xanh, văn minh trong nội thị để vui chơi, thư giãn, rèn luyện thể dục tăng cường sức khỏe… Công trình này có hè đường rộng 5m dài hơn 100m, đủ để tổ chức các chương trình nhảy hip hop, khiêu vũ cho các nhóm trẻ, các ban nhạc đường phố, khi phố đi bộ hoạt động, mà hiện tại Cẩm Phả có hơn 30 CLB nhảy, dân vũ của thanh niên.
Phố đi bộ tập trung chủ yếu ở các tuyến phố thuộc phường Cẩm Tây, nơi có nhiều khu phố tập trung các công trình kiến trúc mang tính lịch sử, cách mạng, trong đó có ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai - Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Nơi đây đã diễn ra cuộc tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936 chống lại áp bức của chủ mỏ. Hiện tại đang được thành phố quy hoạch xây dựng nhà giữ lửa truyền thống của thành phố.
Một công trình ấn tượng thời Pháp thuộc là Khu lưu niệm Vùng than có nhiều dãy nhà do người Pháp xây dựng ở phố Lê Lợi (phường Cẩm Tây). Đây là nhà ở và nơi làm việc của Quan Đại lý Vavasseur, là viên quan người Pháp có chức vụ cao nhất ở Cẩm Phả lúc bấy giờ. Sau khi Vùng mỏ được giải phóng năm 1955, khu nhà này trở thành văn phòng Thị ủy Cẩm Phả một thời gian.
Ở phố Lê Lợi còn có hàng dâu da thơ mộng rất nổi tiếng, đã được cố nhà thơ, nhạc sĩ Ngô Tiến Cảnh đưa vào trong tác phẩm “Về với quê anh Cẩm Phả” của ông, qua câu hát “Trăng sáng mơ màng đường hoa dâu da, ríu rít tiếng cười vào đêm ca ba...”, đã in vào trong lòng bao thế hệ người dân Cẩm Phả. Cây dâu da trên phố còn không nhiều nhưng theo lãnh đạo TP Cẩm Phả, đường hoa dâu da sẽ được khôi phục trồng thêm mới để tạo ấn tượng.
Phố đi bộ còn có phố Lê Hồng Phong, thuộc địa bàn khu Lao Động, phường Cẩm Tây. Đây là nơi máy bay giặc Mỹ đã đến ném bom hủy diệt phố cũ và khu vực Nhà thờ Cẩm Phả vào lúc 11h ngày 19/4/1966, phá hủy hàng trăm ngôi nhà và công trình công cộng, giết hại hơn 30 người trong đó có nhiều cụ già và em nhỏ. Nhà thờ giáo xứ Cẩm Phả (di tích đã được kiểm kê phân loại, chưa được xếp hạng) là công trình mang kiến trúc châu Âu thời kỳ Phục Hưng (khoảng thế kỷ 16-17) và là một trong số ít các nhà thờ lớn trên địa bàn tỉnh.
Điểm cuối của phố đi bộ theo dự kiến sẽ kéo dài đến chợ Cẩm Đông, gần đó có núi Cốt Mìn, ở khu phố Đông Tiến. Theo những người cao tuổi sống gần đây thì núi Cốt Mìn trước đây là kho mìn của chủ mỏ Pháp phục vụ cho việc khai thác mỏ nhưng ta đã cài được người vào làm lính gác kho ở đó, vì thế ta đã lấy được khá nhiều mìn trong hang dùng làm vũ khí đánh địch trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày 1/5/1930, kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động, lá cờ đỏ búa liềm đã được các chiến sĩ cách mạng treo tung bay trên đỉnh núi Cốt Mìn, trong niềm vui của người dân và tạo khí thế đấu tranh của công nhân khu mỏ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên đỉnh núi Cốt Mìn, Ban CHQS Cẩm Phả đã đặt một trạm gác để theo dõi máy bay Mỹ. Thời kỳ này, hang Cốt Mìn là nơi sơ tán và duy trì làm việc suốt thời chiến của Đài Truyền thanh Cẩm Phả, Ban CHQS Cẩm Phả và Công an Cẩm Phả.
Theo một số người cao tuổi sống gần hang Cốt Mìn, trước đây vẫn có những đoàn khách từ Pháp sang tìm đến hang, họ nói rằng ông cha họ đã từng làm việc ở đó. Cũng theo người dân, nếu hang Cốt Mìn được cải tạo thành điểm du lịch sẽ rất phù hợp, bởi trong hang có nhiều nhũ đá đẹp và có nhiều dấu ấn với lịch sử khu mỏ Cẩm Phả.
Phố đi bộ sẽ được hoàn thành vào dịp kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố 21/2 (2012-2022) và chắc chắn sẽ là công trình văn hoá ý nghĩa của TP Cẩm Phả.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()