Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 18:13 (GMT +7)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khảo sát tại tỉnh Quảng Ninh
Thứ 4, 10/05/2023 | 13:02:11 [GMT +7] A A
Ngày 10/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có chuyến khảo sát, làm việc với tỉnh Quảng Ninh để xem xét một số nội dung liên quan đến đầu tư phát triển các KCN, thu hút đầu tư tại địa bàn; công tác quản lý vùng đệm Di sản thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long.
Cùng đi có đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số Bộ ngành trung ương và địa phương.
Báo cáo với đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, theo Quy hoạch định hướng phát triển các KCN, KKT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh có 16 KCN, 5 KKT. Thời gian qua, các KCN, KKT đã có những đóng góp tích cực, quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, giá trị công nghệ, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết việc làm, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng…
Việc phát triển các KCN, KKT là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược, định hướng thu hút đầu tư của Quảng Ninh và được xác định là khu vực động lực thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đặc biệt, năm 2023, việc thu hút đầu tư vào các KCN, KKT được xác định là nội dung quan trọng để thực hiện thành công chủ đề công tác năm của tỉnh là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”.
Trong đó triển vọng nhất là các KCN tại KKT ven biển Quảng Yên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với 8 KCN, tổng diện tích là 7.123,85 ha. Hiện đã có 4 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư quốc tế, tỷ lệ lấp đầy ngày một tăng.
Đề xuất với đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ tại buổi kiểm tra, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, chủ đầu tư KCN và các nhà đầu tư thứ cấp đã làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, phát triển và mong muốn Chính phủ quan tâm, nghiên cứu, chỉ đạo tháo gỡ về nhu cầu sử dụng điện trong KCN, khuyến khích đầu tư hạ tầng điện tái sinh là năng lượng mặt trời và điện gió để giải quyết một phần áp lực về tiêu thụ điện ở các KCN. Bên cạnh đó, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương có phương án đấu nối, đầu tư các trạm TBA theo quy hoạch để cấp điện cho các KCN.
Cùng với đó, xem xét giải quyết nhu cầu vật liệu san lấp mặt bằng đối với các dự án đầu tư, các KCN trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện để các địa phương tăng cường thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Quảng Ninh cam kết đồng hành, tập trung tháo gỡ khó khăn cùng các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư phát triển.
Đối với nội dung quản lý vùng đệm Di sản thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đề nghị Chính phủ xem xét, tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc thực hiện một số quy định về đầu tư phát triển tại vùng đệm di sản. Có quy chế, hướng dẫn, biện pháp điều chỉnh phù hợp để tỉnh đẩy mạnh đầu tư trên tinh thần bám sát Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đúng gợi mở của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh vào tháng 4/2022, xây dựng Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh tiêu biểu, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, trở thành một điểm sáng về đổi mới của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc.
Sau khi trực tiếp đi khảo sát hoạt động đầu tư tại các KCN, quá trình phát triển của một số vị trí vùng đệm Vịnh Hạ Long, đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao sự thẳng thắng, đột phá, đổi mới của tỉnh Quảng Ninh trong triển khai các kế hoạch phát triển.
Trên cơ sở những đề xuất của tỉnh, đồng chí yêu cầu các Bộ, ngành nắm bắt, tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ có những chủ trương điều chỉnh phù hợp. Quan điểm là ưu tiên tối đa cho sự phát triển của địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế.
Đồng chí cũng đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời phát hiện, mạnh dạn có những kiến nghị, đề xuất đối với một số quy định, nhằm bổ sung và hoàn thiện, xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược đồng bộ, phù hợp với thực tế phát triển của địa phương.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()