Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 02/12/2024 01:09 (GMT +7)
Trung ương phải gương mẫu đi đầu trong tinh giản bộ máy
Thứ 5, 14/11/2024 | 10:58:21 [GMT +7] A A
Tại Phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 12 tỉnh, thành phố.
Sáng 14/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 39.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết phiên họp diễn ra trong ngày 14-15/11, dự phòng ngày 19/11. Đây là Phiên họp hết sức quan trọng, thông qua nhiều nội dung, Thường vụ cho ý kiến tiếp thu giải trình các luật được Quốc hội thảo luận, các luật sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực
Kỳ họp thứ 8 đã qua 2/3 thời gian. Kỳ họp đang diễn ra theo đúng yêu cầu: đổi mới, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, tập trung cao độ cho phát triển kinh tế-xã hội.
Kỳ họp lần này, Tổng Bí thư đã đến dự và phát biểu tại phiên khai mạc. Chủ tịch Quốc hội có bài khai mạc.
Văn bản số 15 của Chủ tịch Quốc hội về đổi mới xây dựng pháp luật được các vị đại biểu Quốc hội đồng thuận rất cao.
Trong phần góp ý của các đại biểu đã thể hiện tinh thần luật chỉ quy định những vấn đề thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Tạo điều kiện thuận lợi, giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn với việc xây dựng luật và tổ chức thi hành, đạt kết quả cao nhất trong thời gian tới.
Mỗi kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì triển khai các luật, nghị quyết ngay sau khi kỳ họp bế mạc. Chính vì thế, các dự thảo luật đã giảm đáng kể các điều khoản.
Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng dự thảo Luật Đầu tư công giảm 9 điều, Luật Việc làm giảm 36 điều, Luật Nhà giáo giảm 21 điều.
Trong Kỳ họp thứ 8, một số luật, nghị quyết được doanh nghiệp, cử tri và nhân dân rất quan tâm như Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)...
Cho rằng không khí nghị trường thảo luận trong thời gian vừa qua “trên tinh thần sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, sâu sắc, phản ánh kịp thời, khách quan, toàn diện những vấn đề thực tiễn đặt ra,” Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2 ngày có 136 ý kiến chất vấn, 18 ý kiến tranh luận, 80 đại biểu đăng ký nhưng hết thời gian chưa được phát biểu.
Kết thúc đợt 1, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về công tác nhân sự, 3 nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025; cho ý kiến 19/22 dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại đợt 2 kỳ họp này.
“Biểu quyết thông qua các nội dung, tỷ lệ đại biểu có mặt thống nhất hầu như tuyệt đối, đây là thành công bước đầu. Đại biểu Quốc hội rất quan tâm những vấn đề Chính phủ trình, những vấn đề Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến,” Chủ tịch Quốc hội nói.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, đợt 1 Kỳ họp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, các nội dung chuẩn bị kỹ lưỡng, được đại biểu Quốc hội đánh giá cao.
“Tôi thực sự cảm ơn các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban, các vụ phục vụ của Văn phòng Quốc hội, đã không quản ngày đêm, làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật để chuẩn bị tài liệu, nội dung, trên tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương. Các đồng chí vui vẻ nhận nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất, đây là khí thế mới trong Kỳ họp thứ 8. Nhất là các Phó Chủ tịch phụ trách khối, các đồng chí tích cực làm việc với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, làm việc với Chính phủ để chỉ đạo,” Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận.
Đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý
Tại Phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến vào chỉnh lý 9 dự án luật, gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Dữ liệu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định công tác nhân sự trong đợt 2 của Kỳ họp; xem xét 5/6 dự thảo nghị quyết để triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024; xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của 12 tỉnh, thành phố (An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc).
Bên cạnh các nội dung nêu trên, các dự án, dự thảo khác trình Quốc hội thông qua tại đợt 2 nhưng không còn nhiều ý kiến khác nhau sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản.
Ngoài ra, do hiện nay các cơ quan vẫn đang trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết, vì vậy, nếu có phát sinh vấn đề phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, thì trên cơ sở đề nghị của cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể bố trí xem xét các nội dung này vào thời gian dự phòng sáng thứ Ba, ngày 19/11.
Phát huy tinh thần, trách nhiệm cao, hiệu quả từ công tác chỉ đạo, điều hành, tham mưu, phục vụ đợt 1 Kỳ họp vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội chủ trì nội dung tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, kịp thời báo cáo Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách để nêu những nội dung thực sự cần thiết, các vấn đề cần xin ý kiến để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận.
Một số nội dung có thể được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp nếu đủ điều kiện như: Luật Dữ liệu; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi)... Do đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan chủ trì nội dung thể hiện quan điểm rõ ràng có bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua tại đợt 2 hay chưa, làm cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc, xem xét.
“Những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm chứng minh thì sẽ thông qua, chúng ta không cầu toàn. Còn những vấn đề chưa chín, chưa rõ, chưa được thực tế kiểm nghiệm chứng minh thì phải để lại xem xét. Chưa có kỳ họp nào thuận lợi, cấp thẩm quyền đều cho ý kiến các vấn đề mà Đảng đoàn Quốc hội xin cho ý kiến. Tổng Bí thư nhiều lần nhắc nhở trong các cuộc họp là phải kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, ách tắc hiện nay, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội. Đảng có nghị quyết, Quốc hội phải thể chế hóa, cụ thể hóa để Chính phủ chỉ đạo, điều hành sao cho thông,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ông cho rằng tới đây việc tinh giản bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính trung ương phải gương mẫu đi đầu, sau đó đến địa phương. Hôm nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc sắp xếp đơn vị hành chính cũng là để đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Nhấn mạnh các nội dung đều rất gấp, cần phải khẩn trương tiến hành hoàn thiện, chỉnh lý để trình Quốc hội tại đợt 2 của Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Văn phòng Quốc hội, Phó Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương chuẩn bị, đủ thành phần họp, để quyết nhanh, quyết gọn. Mục đích nghỉ giữa hai kỳ họp là để tiếp thu, giải trình cho thấu, đáo, chặt chẽ./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()