Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 18:17 (GMT +7)
Phối hợp cùng cả nước giành thắng lợi chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954
Thứ 5, 03/08/2023 | 08:35:18 [GMT +7] A A
Theo sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, để đảm bảo cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi to lớn, Đảng ta đã động viên quân dân ta tập trung cao độ sức người, sức của, liên tục tiến công quân địch với tinh thần tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt.
Nhằm phối hợp với chiến trường chính và căn cứ vào tương quan lực lượng giữa ta và địch ở vùng Đông Bắc, các Đảng bộ Quảng Yên, Hải Ninh và Đặc khu Hòn Gai chủ trương kìm chân quân địch trên khắp các địa bàn; bao vây, cô lập, tiêu hao, tiêu diệt lực lượng địch, luồn sâu đánh chắc; khi có điều kiện sẽ tiến công giải phóng đất đai.
Bước vào chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, phong trào tìm địch mà đánh diễn ra sôi nổi trên khắp các địa bàn của tỉnh.
Ở tỉnh Quảng Yên, bộ đội địa phương và dân quân du kích liên tục tiến công quân địch, đã đánh 400 trận, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu trên 3.500 tên địch. Riêng tiểu đoàn Bạch Đằng đã đánh 23 trận, có hiệu suất tiêu diệt địch rất cao. Với cách đánh cơ động, linh hoạt, vận động nhanh, chỉ trong hai đêm tiểu đoàn đã tiêu diệt bốn vị trí quân sự của địch. Qua chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, tiểu đoàn đã diệt 766 tên địch, bắt sống 324 tên (trong đó có 1/4 là lính Âu Phi), thu 523 súng các loại.
Trong Đông Xuân 1953-1954, quân dân tỉnh Quảng Yên kêu gọi được 1195 lính ngụy đào ngũ. Các mặt công tác khác của tỉnh cũng có nhiều thành tích trong đó nổi bật là thành tích huy động dân công đi phục vụ tiền tuyến. Từ tháng 1 đến tháng 9 năm 1954, đã có 10.253 lượt người (phần đông ở vùng địch hậu) đi phục vụ cho chiến cuộc Đông Xuân 1953- 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ngày 30 tháng 5 năm 1954, Hội đồng thi đua của Liên khu Việt Bắc đã quyết định tặng cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tỉnh Quảng Yên và tặng cờ “Tiểu đoàn gương mẫu Liên khu” cho tiểu đoàn Bạch Đằng.
Ở Đặc khu Hòn Gai, trong Đông Xuân 1953-1954, lực lượng vũ trang của Đặc khu chỉ có 3 trung đội, nhưng đã đánh 68 trận (trung bình 3 ngày 1 trận) diệt 164 tên địch; làm bị thương 77 tên, thu 35 súng, 4 xe quân sự, phá hủy 2 xe khác.
Ở tỉnh Hải Ninh, tháng 2 năm 1954, bộ đội địa phương tỉnh đã tập kích bốt Hồ Thính Coóng, tiến công đồn Thán Phún, địch phải rút quân ở các vùng cao, tập trung xuống các thị trấn ven quốc lộ, ven biển; chuẩn bị rút chạy.
Tình thế trên đã cho phép quân ta đẩy mạnh cuộc tiến công về binh vận, làm tan rã hàng ngũ quân địch.
Các Đảng bộ tỉnh Quảng Yên, tỉnh Hải Ninh và Đặc khu Hòn Gai đã chủ trương phát động một phong trào quần chúng gọi con em đi lính ngụy trở về; chú trọng giáo dục cho ngụy quân, ngụy quyền và gia đình họ về chính sách khoan hồng của Chính phủ. Nhờ chủ trương kịp thời đúng đắn đó, phong trào đấu tranh chống bắt lính và địch ngụy vận đã diễn ra sôi nổi.
Ở huyện Yên Hưng bấy giờ, nhân dân đã vận động 700 lính ngụy đào ngũ và hơn 100 lính ngụy phản chiến mang vũ khí nộp cho cách mạng. Ở huyện Đông Triều lúc đó, trong hai ngày 26 và 27 tháng 7 năm 1954, có gần 300 lính ngụy ra hàng, trong đó có hơn 100 người đào ngũ tập thể mang theo súng. Toàn tỉnh Quảng Yên, chỉ trong hai tháng 7 và tháng 8 năm 1954, đã nổ ra 20 cuộc đấu tranh, có 80.000 lượt người tham gia, vận động được 13.000 ngụy binh trở về với nhân dân.
Ở tỉnh Hải Ninh, 6 tháng đầu năm 1954, đã có 51 đợt phát tán 44.000 tờ truyền đơn, nhân dân đã kêu gọi được 1091 binh lính bỏ ngũ, mang vũ khí về nộp cho ta.
Ở Đặc khu Hòn Gai, truyền đơn tuyên truyền về chính sách khoan hồng của Chính phủ ta và kêu gọi binh lính ngụy trở về được đưa vào các đồn bốt địch ở các thị xã Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông và Ngã Hai. Trong tháng 6 và tháng 7 năm 1954, nhân dân đã vận động được 2730 lính ngụy đào ngũ, rã ngũ. Hầu hết ngụy quyền ở các xã đã nộp dấu, bằng, sắc cho chính quyền kháng chiến.
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và binh vận, quân và dân 3 tỉnh đã làm tan rã một mảng lớn lực lượng vũ trang của địch.
Thắng lợi to lớn của chiến cuộc Đông Xuân mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ có phần đóng góp xứng đáng của nhân dân 3 tỉnh Quảng Yên, Hòn Gai và Hải Ninh, đã đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp, giải phóng hoàn toàn miền Bắc lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ đã được ký kết. Theo Hiệp định đình chỉ chiến sự, từ ngày 27 tháng 7 năm 1954 đến ngày 8 tháng 8 năm 1954, thực dân Pháp rút khỏi tỉnh Hải Ninh và huyện Cẩm Phả, huyện Hoành Bồ. Từ ngày 29 tháng 10 đến ngày 30 tháng 10 năm 1954, chúng phải rút khỏi các huyện Nam Sách, Chí Linh và phần lớn các huyện Đông Triều, Kinh Môn.
Đỗ Quang (Tổng hợp)
Liên kết website
Ý kiến ()