Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 14:35 (GMT +7)
Phòng, chống bạo lực học đường
Thứ 3, 23/06/2020 | 06:13:18 [GMT +7] A A
Ngày 16/6 vừa qua, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên TX Đông Triều đã xảy ra vụ việc học viên của Trung tâm mâu thuẫn dẫn đến xô xát, lột đồ của học viên nữ trước mặt nhiều học viên khác. Vụ việc sau đó được đăng tải trên các trang mạng xã hội gây hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức tại các cơ sở giáo dục - đào tạo.
Từ thực tế vụ việc này, ngay sau đó UBND tỉnh đã có công văn (số 4074/UBND-GD ngày 18/6/2020) yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý, giáo dục phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại và đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên.
Trước hết, để ổn định nền nếp dạy học, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh, học viên, sinh viên, đặc biệt là giữ gìn đạo đức, văn hóa tại các cơ sở giáo dục - đào tạo, yêu cầu Chủ tịch UBND TX Đông Triều khẩn trương chỉ đạo, xác minh làm rõ vụ việc xô xát của học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên thị xã; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định những vi phạm của tập thể và các cá nhân có liên quan; đồng thời có biện pháp hỗ trợ, ổn định tinh thần, tư tưởng cho học viên, hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến học tập của học viên; kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong các cơ sở giáo dục - đào tạo. Cùng với đó, Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo thẩm quyền, chức năng được giao chỉ đạo các cơ sở giáo dục - đào tạo thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh về công tác giáo dục đạo đức, lối sống; phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại; phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... cho học sinh, học viên, sinh viên. Cụ thể, xây dựng và thực hiện ngay các biện pháp để trang bị đầy đủ cho học sinh, học viên, sinh viên những kiến thức, kỹ năng xử lý đúng các mối quan hệ, kỹ năng bảo vệ bản thân, bạn bè trước các nguy cơ mất an toàn...
Vụ việc xảy ra tại TX Đông Triều vừa qua không phải là vụ bạo lực học đường đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh, mà những năm trước cũng đã xảy ra các vụ việc tương tự. Điều này cho thấy tình trạng bạo lực học đường là hiện tượng xã hội xảy ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước và có thể xảy ra bất kỳ ở đâu, bất cứ lúc nào nếu công tác quản lý, giáo dục học sinh, học viên, sinh viên không được quan tâm chú trọng thường xuyên, đúng mức. Hậu quả của các hành vi này là ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe và tâm lý, tình cảm của học sinh; đồng thời ảnh hưởng đến môi trường giáo dục chung...
Các nghiên cứu về bạo lực học đường ở Việt Nam cho thấy, những nguyên nhân phổ biến thường bắt nguồn từ những mâu thuẫn trong quan hệ bạn bè, đặc biệt là mâu thuẫn trong mối quan hệ tình cảm lãng mạn, mong muốn thể hiện cá nhân, ganh tỵ, khó chịu vì cách ăn mặc, kiểu tóc, cách nói chuyện, dáng đi, vẻ mặt của bạn cùng học. Bên cạnh đó còn do những nguyên nhân mang tính xã hội được ghi nhận ở mối liên hệ với sự phổ biến của các hành vi bạo lực trong cộng đồng, xã hội, sự phát triển của internet và các trang mạng xã hội, sự phổ biến của các trò chơi trực tuyến, game, các phim ảnh, sách báo mang tính bạo lực...
Do vậy, để ngăn chặn, phòng chống bạo lực học đường hiệu quả thì bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan đến vấn đề này, rất cần vai trò, trách nhiệm của các nhà trường trong việc giáo dục, trang bị các kỹ năng sống, phương pháp xử lý các tình huống có thể dẫn đến bạo lực. Cùng với đó là vai trò, trách nhiệm của các bậc phụ huynh và gia đình trong việc chủ động nâng cao kiến thức và kỹ năng để hỗ trợ con cái vượt qua các khó khăn, khủng hoảng về tâm, sinh lý ở giai đoạn vị thành niên. Và một điều quan trọng nữa là sự đồng hành, cùng vào cuộc của các tổ chức Đoàn, Đội trong việc định hướng cho các em hướng đến những hành vi, việc làm tốt đẹp, thân thiện trong môi trường học đường; tập huấn, hướng dẫn các em tự giải quyết các khó khăn, xung đột với bạn bè đồng trang lứa. Và vấn đề không kém phần quan trọng nữa là phải tiến hành xử lý nghiêm minh, khách quan các trường hợp vi phạm, có hành vi bạo lực để răn đe, giáo dục chung, làm bài học cho các học sinh, học viên khác...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()