Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 10:55 (GMT +7)
Phòng chống bệnh dại: Quan trọng nhất là ý thức người dân
Thứ 5, 11/05/2023 | 07:49:37 [GMT +7] A A
Hiện nay tình hình bệnh dại trên cả nước đang có diễn biến phức tạp, trong 3 tháng đầu năm 2023 đã có 23 ca tử vong trên người do bệnh dại.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã ghi nhận các ổ dịch dại trên chó nuôi tại các địa phương Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu. Trong đó, có một trường hợp tại xã Quảng Đức (huyện Hải Hà) tử vong do bị mèo nhà cắn nhưng do chủ quan nên không đi thăm khám và không được tiêm phòng kịp thời.
Cũng trong 3 tháng đầu năm, tổng số người điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (bị chó cắn) là 1.330 người, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó nuôi lũy kế đến ngày 25/4/2023 trên toàn tỉnh còn thấp (khoảng 31% kế hoạch tỉnh giao). Việc chậm triển khai tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo nuôi và tỷ lệ tiêm phòng thấp kèm theo việc quản lý chó, mèo nuôi thả rông tại các địa phương trên địa bàn tỉnh chưa tốt sẽ là nguy cơ cho bệnh dại xảy ra trên vật nuôi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe người dân.
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó, mèo. Người nhiễm virus dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì tỷ lệ tử vong gần như là 100%. Để phòng, chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, đồng thời, không thả rông chó, mèo mà phải xích, nhốt; nếu chó ra đường phải được rọ mõm. Cùng với đó, không nên đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng sớm và đầy đủ các mũi tiêm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, khi bị chó, mèo cào, cắn, người dân không nên chủ quan mà cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị phơi nhiễm với bệnh dại.
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tình trạng người dân thả rông chó, mèo vẫn còn khá phổ biến. Hầu hết đều không được rọ mõm hay có người chăn dắt theo đúng quy định của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương. Đã có không ít trường hợp chó nuôi thả rông tấn công người đi đường, thậm chí là ngay cả chủ nuôi cũng bị chúng tấn công.
Hiện đang bước vào mùa nắng nóng là điều kiện thuận lợi để bệnh dại trên đàn chó, mèo phát sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức, không thả rông chó mèo và thực hiện nghiêm việc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo nuôi của gia đình, nếu bị chó, mèo cắn cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời…
Các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống bệnh dại, nhất là người nuôi chó có trách nhiệm quản lý chó, không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Đồng thời, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân (đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi và đối tượng trẻ em) về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại; các quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại hiệu quả; phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh dại...
Để tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dại, ngày 9/5/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 1066/UBND-NLN3 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Trong đó, yêu cầu các địa phương, các ngành liên quan tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu dân cư, thôn, xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh; chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định. Tỉnh cũng yêu cầu các xã, phường, thị trấn chủ động phối hợp với cơ quan thú y địa phương tổ chức tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 80% tổng đàn thực tế; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung trong các tháng, tránh bỏ sót chó, mèo.
Cùng với đó, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vắc-xin dại; kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn trên địa bàn; phấn đấu đến năm 2026 có 1 vùng an toàn dịch bệnh dại.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()