Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 01:38 (GMT +7)
Phòng, chống buôn lậu; kiểm soát thị trường cuối năm
Thứ 5, 05/12/2013 | 06:14:32 [GMT +7] A A
Theo quy luật, vào dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu hàng hoá; các thủ đoạn gian lận thương mại; đầu cơ găm hàng gây biến động thị trường giá cả; vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thường có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo 127 T.Ư, chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2013, các lực lượng chức năng đã phát hiện gần 24.900 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu với tổng trị giá hơn 330 tỷ đồng; phát hiện và xử lý gần 6.900 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ với trị giá hơn 20 tỷ đồng; vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (tăng 188 vụ) với trị giá hàng hoá hơn 24 tỷ đồng... Tuy nhiên, đây có lẽ mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”, bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý; còn con số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều. Điều này cho thấy thực trạng, diễn biến của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng là hết sức phức tạp và đáng lo ngại, nó gây ra những thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế và sức khoẻ người dân...
Ý thức được điều này, ngày 28-11 vừa qua, UBND tỉnh đã có chỉ thị (số 18/CT-UBND) về tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, đảm bảo chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu trong những tháng còn lại của năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ sắp tới. Theo đó, nhiệm vụ quan trọng được đặt ra cho các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, cung ứng hàng hoá, dịch vụ đảm bảo chất lượng với giá cả hợp lý, ổn định đời sống nhân dân, thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo chỉ đạo của Chính phủ. Để đạt được mục tiêu này phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, giúp cộng đồng doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, vượt qua giai đoạn khó khăn. Xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, chủ động theo dõi diễn biến cung - cầu hàng hoá, dịch vụ trên thị trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về giá, nhất là với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm; thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân; lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả...
Quảng Ninh là tỉnh có đường biên giới cả trên bộ và trên biển dài, có nhiều cửa khẩu, điểm thông quan, đường mòn, lối mở giao thương với nước bạn Trung Quốc, do vậy rất dễ bị các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại lợi dụng hoạt động, tuồn hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh ATTP vào nội địa tiêu thụ. Bên cạnh đó, tỉnh còn là vùng công nghiệp tập trung, trung tâm du lịch của cả nước nên sức tiêu thụ hàng hoá, lương thực, thực phẩm cũng rất lớn. Vì vậy trách nhiệm đặt ra đối với công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm soát thị trường càng phải được chú trọng, đề cao hơn ở từng cấp, từng ngành, địa phương và mọi người dân, trong đó nòng cốt và chủ lực là các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường, Công an, Cảnh sát biển...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()