Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 21:33 (GMT +7)
Phòng, chống dịch cúm gia cầm: Người dân tích cực vào cuộc
Thứ 3, 11/03/2014 | 11:35:00 [GMT +7] A A
Chuyển biến từ nhận thức
Hiện nay tỉnh ta vẫn chưa phát hiện có dịch cúm gia cầm, nhưng tinh thần phòng, chống dịch cúm của các lực lượng chức năng trên địa bàn vô cùng quyết liệt, kéo theo sự vào cuộc tích cực của người dân. Có thể nói nhận thức của người dân về dịch cúm gia cầm đã có nhiều thay đổi so với những năm trước đây, hàng ngày họ đều quan tâm và theo dõi diễn biến của dịch cũng như chủ động phòng ngừa.
Ngoài những cơ sở chăn nuôi lớn đã phối hợp với các cơ quan thú y triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa như làm vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc xin cho gia cầm… thì các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đã có biện pháp để phòng ngừa dịch bệnh như vệ sinh chuồng trại, lựa chọn giống có nguồn gốc. Nhiều người ở khu vực nông thôn hoặc ven đô thị có đất đai rộng rãi đã làm chuồng trại nuôi gà để tự cung cấp thực phẩm cho gia đình chứ không sử dụng gia cầm được bán ở chợ nữa.
Mặc dù người bán khẳng định là gà có nguồn gốc an toàn nhưng vẫn không có mấy người mua (ảnh chụp tại chợ Minh Thành, phường Minh Thành, TX Quảng Yên). Ảnh: Thanh Hoa |
Ở khu vực Quảng Yên, Uông Bí, người dân chăn nuôi gia cầm đã có ý thức chủ động phòng dịch tích cực. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo phường Minh Thành, TX Quảng Yên cho biết: Để chủ động phòng ngừa dịch cúm gia cầm, phường đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân về tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, địa phương còn tích cực phối hợp với Trạm Thú y, cán bộ y tế phường và các hộ chăn nuôi tiến hành khử trùng chuồng trại. Đồng thời quản lý chặt chẽ nguồn gia cầm buôn bán, tiêu thụ tại các khu vực dân cư, các chợ trên địa bàn. Theo khảo sát của chúng tôi, ý thức của người dân về những nguy hiểm của dịch cúm gia cầm đã tiến bộ rất nhiều, người dân đã có ý thức cảnh giác và chủ động phòng chống khá tích cực.
Còn tại khu vực TP Hạ Long, theo quan sát của phóng viên, tại một số chợ trung tâm và các chợ vùng ven khu vực Hạ Long, người dân khá thận trọng khi mua các sản phẩm gia cầm. Tại chợ Hạ Long I, lực lượng chức năng đã phối hợp với Ban Quản lý chợ kiểm soát tốt nguồn gia cầm đưa vào tiêu thụ, gia cầm không rõ nguồn gốc, không có dấu kiểm dịch đều không được phép mang vào chợ. Tuy vậy người dân vẫn thận trọng, e dè khi mua gia cầm và sản phẩm từ gia cầm. Khu vực kinh doanh gà, giết mổ tại chợ Hạ Long I trước đây vẫn nhộn nhịp thì nay đã thưa thớt người mua. Còn tại một số chợ cóc, chợ tạm tuy vẫn có người mang gia cầm đến bán nhưng ế ẩm, mặc dù giá gà đã giảm khá nhiều nhưng người dân không mặn mà.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Phạm Thị Mến chuyên bán gà đã giết mổ cho biết: Trước đây khi chưa có dịch, bình quân mỗi ngày tôi bán gần 30 con gà, nhưng nay ngày dăm con vẫn khó. Dạo qua một số nhà hàng kinh doanh ăn uống, khi được hỏi thì các chủ nhà hàng đều nói: Món lẩu gà hầu như đã vắng bóng trên thực đơn, mặc dù nhà hàng cam đoan là gà đều đã được kiểm dịch.
Cẩn thận nhưng không nên thái quá
Chúng ta đều biết dịch cúm gia cầm rất nguy hiểm, và việc người dân thận trọng là điều dễ hiểu, tuy nhiên không nên thái quá. Mặc dù cơ quan chức năng đã thông báo hiện chưa phát hiện có cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh ta nhưng trong nhân dân đã có tâm lý tẩy chay sản phẩm gia cầm. Một số cơ sở chăn nuôi gia cầm đã có dấu hiệu tạm dừng sản xuất, hoặc giảm số lượng nuôi.
Theo một số cơ sở chăn nuôi thì do nhu cầu tiêu dùng giảm sút nên giá cả cũng bị giảm, nếu duy trì sản xuất chắc chắn người nuôi sẽ bị lỗ trầm trọng. Ngay cả những người chăn nuôi, buôn bán nhỏ cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn do người dân tẩy chay với gia cầm. Chị Lê Thị Yên, phường Cộng Hoà (TX Quảng Yên) tâm sự: Tôi làm nghề buôn bán gia cầm đã mấy năm nay, hàng ngày tôi thu mua gà nhỡ của các gia đình trong phường mang về vỗ béo một thời gian rồi đưa ra TP Hạ Long tiêu thụ. Nay ở một số tỉnh, thành trong cả nước xảy ra dịch cúm gia cầm, mặc dù tỉnh Quảng Ninh chưa có nhưng khi tôi mang ra chợ Hạ Long bán thì Ban Quản lý chợ không cho mang gà vào với lý do: Gà chưa được kiểm dịch. Tôi mang đi bán ở một số chợ cóc nhưng không ai mua vì mọi người e ngại gà không có nguồn gốc. Nếu có người mua họ cũng trả giá rẻ mạt, không đủ vốn. Nếu cứ đà này đàn gà của tôi phải mang đi “nấu cao” hết vì quá già.
Theo thông tin từ Cục Thú y, nếu sử dụng các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, được chế biến đúng cách và nấu chín kỹ, người dân hoàn toàn yên tâm. Các sản phẩm gia cầm được bày bán ở chợ, ở các siêu thị, các nhà hàng đã qua kiểm dịch đều là những sản phẩm có nguồn gốc an toàn.
Sở dĩ có hiện tượng người dân e ngại sử dụng gia cầm là vì trong thời gian qua, các cơ quan chức năng vẫn nặng về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch chưa có những tư vấn tiêu dùng an toàn, cũng như thông tin về sản phẩm cho người dân được biết. Theo chúng tôi nếu không làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn cho người dân về tình hình gia cầm và sử dụng thịt gia cầm đúng cách thì dịch chưa đến nhưng ngành chăn nuôi, người chăn nuôi đã khốn đốn trước. Và nguy cơ thiếu hụt nguồn cung, làm khan hiếm thị trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân sẽ rất lớn. Vì vậy, bên cạnh việc cảnh báo, đánh giá về tình hình dịch, ngành thú y và y tế cũng cần phải thông tin cho người dân biết về sản phẩm gia cầm an toàn để người dân an tâm.
Đặng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()