Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:02 (GMT +7)
Chủ động các giải pháp phòng, chống lụt bão
Thứ 5, 20/07/2023 | 09:40:03 [GMT +7] A A
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trước diễn biến thất thường của thời tiết, trong những năm qua tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đến công tác phòng chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trên địa bàn.
Ứng phó kịp thời các sự cố
Thời điểm này cơn bão số 1 đã đi qua. Trước đó, khi có thông tin về cơn bão này, tỉnh, các sở, ngành, địa phương, các lực lượng và người dân trên địa bàn Quảng Ninh đã triển khai quyết liệt những biện pháp ứng phó với bão và hoàn lưu của bão.
Tỉnh đã phân công 3 đoàn công tác do trực tiếp các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống bão theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”. Đồng thời, các địa phương tổ chức rà soát, kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền, chủ các bè nuôi trồng thủy sản di chuyển về nơi tránh trú an toàn. 14.502 ô lồng nuôi thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh đã được thông tin về cơn bão để chủ động gia cố và tổ chức đưa người lên bờ; 231 tàu đánh bắt xa bờ và 5.774 tàu gần bờ đã về nơi neo đậu tránh trú bão an toàn.
Các ngành, địa phương thực hiện ứng trực, canh gác 24/24 giờ tại những vị trí xung yếu. Tỉnh còn chuẩn bị phương án di dời người ở tại các lán trại, nhà tạm dưới chân mái kè, vùng trũng, các công trình xây dựng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản trong mọi tình huống; rà soát, kiểm tra đảm bảo an toàn đối với các cơ sở sản xuất, hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, không để xảy ra sự cố thiệt hại về người khi có mưa lớn; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, đảm bảo triển khai khi có yêu cầu…
Không chỉ với cơn bão số 1, mà các sự cố thiên tai cũng được tính xử lý một cách kịp thời. Như vụ ảnh hưởng đợt mưa ngày 25/6/2023 trên địa bàn TP Hạ Long khiến 2 người ở phường Hà lầm bị sét đánh gây tử vong, 17 điểm sạt lở trên địa bàn 8 phường, xã... Ngay sau vụ việc xảy ra, UBND TP Hạ Long đã chỉ đạo các lực lượng bảo vệ hiện trường, phối hợp cùng Công an tỉnh tổ chức khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để xác định, làm rõ nguyên nhân, đồng thời hỗ trợ động viên tinh thần người nhà và các con của nạn nhân. Còn tại những điểm sạt lở thành phố đã triển khai di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm; hướng dẫn các hộ dân bị sạt lở khắc phục sự cố…
Phát huy tinh thần “3 trước, 4 tại chỗ”
Không chỉ ứng phó với các sự cố thiên tai xảy ra, trước đó Quảng Ninh luôn chủ động phòng, chống mưa bão, lũ lụt trên địa bàn. Bắt đầu mùa mưa bão, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tăng cường phòng, chống mưa, bão trên địa bàn. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp được kiện toàn. Các sở, ngành, địa phương tiến hành kiểm tra công trình thủy lợi, đê điều, khu neo đậu tránh trú cho tàu cá; xác định những khu vực nguy hiểm, trọng điểm về PCTT&TKCN để xây dựng, điều chỉnh kế hoạch và phương án PCTT&TKCN sát với thực tế.
Việc tổ chức trực ban được thực hiện theo đúng quy định; kịp thời tiếp nhận, chuyển phát các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, thiên tai, các chỉ đạo ứng phó của Trung ương. Trong mùa mưa bão năm 2022, Văn phòng Thường trực về PCTT của tỉnh đã chuyển tiếp 187 bản tin bão và 25 bản tin áp thấp nhiệt đới đến các địa phương, đơn vị.
Các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch, phương án PCTT&TKCN phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành, từng địa phương theo phương châm “4 tại chỗ”; phân công cụ thể người phụ trách, chỉ huy PCTT đến từng địa bàn; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực, lương thực, nước uống, thuốc, vật tư y tế.
Năm 2022, Bộ CHQS tỉnh đã huy động 1.500 lượt người, 69 lượt phương tiện tham gia cứu hộ 6 vụ cháy cơ sở dân sự, 5 vụ cứu nạn trên biển, 2 vụ tai nạn lao động... Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh duy trì lực lượng, phương tiện thường trực cơ động 1.050 lượt CBCS, 100 lượt phương tiện, phối hợp với chính quyền địa phương thông báo, kêu gọi 36.175 lượt phương tiện của ngư dân, 1.605 ô, lồng bè về nơi tránh trú bão; điều động 158 lượt phương tiện, 454 lượt CBCS phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng tại chỗ tổ chức, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn 75 vụ với 155 người. Công an tỉnh luôn duy trì đảm bảo 100% quân số và sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị các loại khi có tình huống thiên tai.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đầu tư xây dựng và gia cố 10 công trình PCTT; nạo vét, củng cố các hệ thống thoát nước trong khai trường, khắc phục sạt lở... Tổng công ty Đông Bắc thường xuyên duy trì lực lượng 2.480 người, 510 phương tiện, thiết bị và lương thực, thực phẩm cho công tác ứng phó sự cố thiên tai, TKCN tại chỗ và hiệp đồng, hỗ trợ nhân dân khi có yêu cầu.
Tỉnh kết hợp tổng hợp các nguồn lực để chủ động PCTT. Hiện Quảng Ninh dự trữ sẵn sàng 64.290m2 vải bạt chống sóng, 13.828m3 đá hộc, 240.883 chiếc bao tải dứa, 3.608 chiếc rọ thép, 4.961kg dây thép... Chuẩn bị sẵn 146 tàu thuyền, xuồng các loại, hơn 33.000 áo phao cứu sinh, 344 chiếc phao tròn cứu sinh, phao bè cứu sinh, hơn 751 nhà bạt các loại... để sẵn sàng ứng phó khi bão lũ xảy ra.
Các ngành, địa phường còn tổ chức kiểm tra, rà soát đánh giá hiện trạng các công trình phòng, chống thiên tai để thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn và dự trữ vật tư, thiết bị, nhân lực sẵn sàng ứng phó khi có sự cố.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2023 có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, trong đó có 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền; thường thì tháng 6, tháng 7, bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc. Do đó, việc tăng cường PCTT&TKCN cần được các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, triển khai thực hiện mạnh hơn trong dịp này.
Ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh: Chủ động, bám sát tình hình, từ sớm, từ xa, từ cơ sở Năm 2023, tình hình thời tiết, thiên tai được dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Để thực hiện tốt công tác PCTT-TKCN, tỉnh tiếp tục quán triệt tinh thần coi PCTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 42-CT/TW, Chương trình hành động số 39-CT/TU ngày 4/6/2020 và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; nêu cao tinh thần và trách nhiệm của người đứng đầu, lấy phương châm "3 trước, 4 tại chỗ" làm chủ đạo bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Theo đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, chủ động, tích cực, bám sát tình hình, từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Các ngành, đơn vị, địa phương xây dựng kịch bản, phương án phù hợp; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng chống bão. Về phía Sở NN&PTNT, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, thường trực về PCTT-TKCN của tỉnh theo quy định; kịp thời thông tin và tổng hợp báo cáo diễn biến thiên tai, tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh ban hành các chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương và người dân triển khai các biện pháp phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi; chú trọng nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT; đẩy nhanh thực hiện các dự án liên quan… Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND TX Quảng Yên: Không để bị động, bất ngờ Ngay khi chuẩn bị bước sang mùa mưa bão, thị xã đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai và TKCN năm 2023 theo phương châm “4 tại chỗ”; kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thị xã và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách đến từng lĩnh vực, từng địa bàn cơ sở. Trong tháng 4, thị xã đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra các công trình thủy lợi, đê điều, phương án PCTT-TKCN của các cơ quan, đơn vị. Ban hành văn bản chỉ đạo việc chủ động triển khai nhiệm vụ để phòng ngừa các loại hình thiên tai xảy ra trên địa bàn. Đầu mùa mưa bão, các phường, xã triển khai duy tu, bảo dưỡng một số tuyến đê trọng yếu trên trên địa bàn; thực hiện ra quân làm thủy lợi đầu năm. Các địa phương đã huy động lực lượng ra quân phát quang cây, cỏ dại mọc trên mái đê, đỉnh đê với tổng chiều dài hơn 8km; nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy hơn 58km kênh mương các loại... Mới đây, để ứng phó với cơn bão số 1, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thị xã đã ban hành 2 văn bản chỉ đạo UBND các phường, xã, cơ quan, đơn vị chủ động triển khai biện pháp ứng phó; thành lập đoàn công tác do đồng chí Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thị xã làm Trưởng đoàn đi kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các phường, xã; các cơ quan, đơn vị. Mục tiêu trên hết là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, Nhà nước, hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra. Ông Nông Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân trong PCTT Đồng Tâm là xã miền núi, biên giới, kết nối giao thông của một số thôn bản còn phải qua cầu tràn, việc đi lại của người dân khi có mưa lũ vẫn gặp nhiều khó khăn, có nguy cơ bị chia cắt, như các thôn Sam Quang, Phiêng Sáp... Khắc phục khó khăn, cấp ủy đảng, chính quyền xã luôn quan tâm chỉ đạo công tác PCTT-TKCN tới toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân. Theo đó, khi thời tiết có diễn biến phức tạp, thường xuyên nắm bắt thông tin để kịp thời ứng phó, chủ động trong phòng, chống. Chú trọng việc cảnh báo, thông báo qua hệ thống loa truyền thanh của xã; tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động làm tốt công tác PCTT như khơi thông rãnh thoát nước, chặt những cây cối cao ở gần nhà có nguy cơ đổ, gãy; rà soát các hộ gia đình có nhà nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở cao di chuyển đến nơi an toàn… Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Vân Đồn: Tích cực phối hợp cùng các cấp, ngành để đảm bảo an toàn cho ngư dân Thời gian qua, các cấp, ngành, chính quyền địa phương ngày càng chủ động hơn trong công tác dự báo, cảnh báo cho ngư dân về tình hình thiên tai, mưa bão. Qua nắm bắt diễn biến, thông tin về các cơn bão, Nghiệp đoàn nghề cá Vân Đồn đã thông báo và vận động tất cả bà con ngư dân kịp thời di chuyển về nơi tránh trú an toàn. Trong quá trình đó, ngư dân luôn nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các lực lượng chức năng. Địa phương cũng thành lập Ban Chỉ đạo, ứng trực 24/24 giờ, sẵn sàng những phương án tốt nhất để phòng chống bão. Bà con ngư dân luôn tin tưởng và chấp hành nghiêm theo hướng dẫn, hỗ trợ từ các cấp, ngành, chính quyền địa phương; đồng thời mong muốn địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa về điều kiện tại những khu vực tránh trú, neo đậu, qua đó đảm bảo an toàn cho tàu thuyền của ngư dân. |
Thu Nguyệt- Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()