Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 17:23 (GMT +7)
Phòng, chống ngộ độc thực phẩm
Thứ 6, 19/06/2020 | 05:22:35 [GMT +7] A A
Theo thống kê, báo cáo của cơ quan chuyên môn, từ ngày 1/1 đến 31/5/2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 33 người mắc. Tất cả đều được cấp cứu, điều trị kịp thời, không có ca tử vong. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2019 tăng 2 vụ và 25 người mắc. Đây là điều đáng quan tâm đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là hiện nay đang trong mùa nắng nóng, các loại thực phẩm rất dễ bị nhiễm khuẩn, ôi thiu.
Đặc biệt, sau thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, việc tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội để bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra, trong đó có chủ trương đẩy mạnh kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh đang được các đơn vị, địa phương tích cực triển khai. Điều này đồng nghĩa với việc số lượng du khách đến với Quảng Ninh sẽ ngày một gia tăng, minh chứng cụ thể là chỉ trong hai ngày cuối tuần 13-14/6 vừa qua đã có gần 7 vạn lượt du khách đến với Hạ Long - Quảng Ninh. Như vậy, nhu cầu sử dụng thực phẩm chắc chắn gia tăng mạnh; cùng với đó các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố hoạt động trở lại cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, các trường hợp ngộ độc thực phẩm cũng rất dễ xảy ra...
Trước thực tế đó, mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo về việc tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân cũng như du khách khi đến với Quảng Ninh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo và thực hiện tốt trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp chính quyền địa phương đối với công tác quản lý về an toàn thực phẩm. Công tác này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, cương quyết và là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cùng với đó, triển khai đầy đủ các nhiệm vụ theo Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 13/5/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm (Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ động, phối hợp thông tin, tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm, nhằm thay đổi hành vi từ sản xuất, kinh doanh đến tiêu dùng thực phẩm an toàn. Tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh của nhân dân về các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm theo chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến, kinh doanh đến lưu thông phân phối đến tay người tiêu dùng. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm thì tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất theo quy định.
Các lực lượng phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 389) tăng cường đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép thực phẩm, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, gian lận thương mại, phụ gia thực phẩm, dụng cụ bao gói thực phẩm không đủ các điều kiện lưu thông trên thị trường...
Thực tế cho thấy, vì lợi nhuận trước mắt, không ít đơn vị, cá nhân sẵn sàng bất chấp các quy định của pháp luật, sử dụng mọi thủ đoạn để sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn, kém chất lượng. Hệ lụy có thể gây ngộ độc cho người dùng tức thời, nhưng cũng có loại thực phẩm ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người sử dụng. Đây là những hành vi cực kỳ nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người. Vì vậy để ngăn chặn hiệu quả, tận gốc thì rất cần các giải pháp đồng bộ, với các chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, đảm bảo đủ sức răn đe, không dám tái phạm. Cùng với đó là nâng cao nhận thức về thực phẩm an toàn cho cả người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng cũng như toàn xã hội để kiên quyết nói không với thực phẩm “bẩn”. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng ngăn chặn, đẩy lùi, loại bỏ được thực phẩm không an toàn ra khỏi đời sống xã hội, đảm bảo cho người dân được sống trong một môi trường an toàn...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()