Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 10/01/2025 18:49 (GMT +7)
Phòng chống sinh vật gây hại trên cây lúa
Thứ 2, 30/05/2022 | 13:36:58 [GMT +7] A A
Thời tiết thay đổi là môi trường thuận lợi để các loài sinh vật gây hại phát triển trên cây trồng, trong đó có cây lúa. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chuyên môn và người dân, diện tích dịch hại nhanh chóng được khống chế, khắc phục kịp thời, đảm bảo tiến độ sản xuất, năng suất theo kế hoạch, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Vụ xuân này, anh Nguyễn Văn Tuân (thôn Đoàn Xá 1, phường Hồng Phong, TX Đông Triều) canh tác 5 sào lúa. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán 2022, thời tiết liên tục xuất hiện không khí lạnh gây rét đậm, rét hại và kèm theo mưa ẩm, kết hợp có sương muối, không thuận lợi cho sinh trưởng, phát triển của mạ và lúa mới sạ, diện tích lúa bị chết tới gần 40%. Theo hướng dẫn của Phòng NN&PTNT thị xã, anh Tuân đã gieo sạ lại những khu vực lúa chết nhiều, diện tích chết ít thì cấy dặm. Đồng thời, thường xuyên duy trì mực nước nông trong ruộng lúa; không để xảy ra tình trạng nước ngập úng hoặc khô hạn đối với những diện tích lúa gieo sạ; bón thúc kịp thời cho lúa theo nguyên tắc “nặng đầu - nhẹ cuối”. Căn cứ vào thực tế sinh trưởng của lúa xuân, anh tiếp tục bón toàn bộ lượng phân còn lại theo quy trình cho từng nhóm giống lúa. Đến thời điểm này, lúa xuân của gia đình anh sinh trưởng, phát triển đồng đều, khoẻ.
Đến nay, toàn bộ diện tích lúa vụ xuân trên địa bàn tỉnh đang sinh trưởng và phát triển ổn định. Tại huyện Đầm Hà, vụ xuân năm nay, huyện gieo trồng trên 1.300ha lúa, đạt 106,3% kế hoạch, tương đương với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu giống lúa được sử dụng chủ yếu là: Khang Dân, Việt Hưng, Hà Phát.... Đến nay, diện tích lúa xuân đang phát triển thuận lợi. Người nông dân trong huyện đang tích cực chăm sóc, bón các loại phân phù hợp, đảm bảo điều tiết nước hợp lý để cây lúa phát triển thuận lợi nhất. Tuy nhiên, do thời tiết nắng mưa xen kẽ, khiến các loại sâu bệnh phát sinh, gây hại. Qua việc thăm đồng cho thấy, trên một số diện tích lúa đã xuất hiện các đối tượng sâu bệnh như đạo ôn, sâu cuốn lá…, bà con nông dân đã tích cực phòng trừ không để lây lan ra diện rộng.
Thực tế, thời điểm này thời tiết diễn biến thất thường, một số địa phương đã xuất hiện tình trạng sâu bệnh hại trên cây lúa, tuy nhiên so với năm 2021, diện tích lúa bị sâu bệnh đã giảm. Cụ thể, diện tích lúa bị nhiễm bệnh khô vằn khoảng 314ha, tại Hạ Long, Uông Bí, Vân Đồn, Cẩm Phả, Hải Hà, Đầm Hà, Ba Chẽ, giảm 546ha so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích nhiễm bệnh bạc lá là 20ha tại Móng Cái, giảm 53,6ha so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích nhiễm chuột là 65ha tại Uông Bí, giảm 35ha so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích nhiễm bệnh đạo ôn lá là 41ha tại Móng Cái, Hạ Long, Ba Chẽ, giảm 2ha so với cùng kỳ năm trước… Ngoài ra, các bệnh sâu đục thân 2 chấm, bọ xít, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh đốm nâu,... phát sinh, gây hại nhẹ.
Năm nay, toàn tỉnh đã cấy, gieo sạ trên 15.400ha. Để bảo đảm lúa xuân phát triển tốt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) đã chỉ đạo phòng nông nghiệp các địa phương hướng dẫn nông dân tập trung làm cỏ sớm, thu dọn hết cỏ dại; tổ chức bón thúc lần 1 kết hợp làm cỏ sục bùn, giữ mực nước trong ruộng thích hợp để hạn chế cỏ dại phát sinh gây hại. Để phòng trừ ốc bươu vàng, các đơn vị hướng dẫn nông dân tạo các rãnh nhỏ xung quanh ruộng để khi tháo nước tạo lối cho ốc tập trung dồn xuống rãnh, thuận lợi cho việc thu bắt, diệt ốc; cắm que rải rác trong ruộng để ốc leo lên đẻ trứng. Việc tiêu diệt ốc bươu vàng bằng các biện pháp thủ công cần được tiến hành thường xuyên trong suốt vụ.
Thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc chăm sóc cho toàn bộ diện tích lúa xuân; các trà lúa xuân đang sinh trưởng, phát triển tốt. Đây cũng là thời điểm chuột sinh sản nhanh và mức độ phá hại rất mạnh. Vì vậy, các địa phương tích cực tổ chức diệt chuột từ cánh đồng đến các bờ mương, bờ máng, bờ vùng, bờ thửa, khu vực ven đê, ven đường đi lại và tại các khu dân cư. Cùng với biện pháp sinh học như phát triển đàn mèo, sử dụng các loại bẫy, các HTX nên thành lập Tổ diệt chuột, sử dụng bả diệt chuột sinh học. Đồng thời, khuyến cáo bà con sử dụng nilon quây quanh ruộng, vệ sinh, phát quang bờ, bụi rậm nhằm phá nơi cư trú và hạn chế nguồn thức ăn và sự phá hại của chuột.
Theo ông Đào Văn Ngọc, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, năm 2022, ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt tổng diện tích gieo trồng cả năm là 64.224ha, trong đó diện tích lúa là 38.523ha. Để đảm bảo việc chăm sóc cây lúa đạt hiệu quả, mùa vụ bội thu, Chi cục chỉ đạo các đơn vị tập trung tuyên truyền, tiếp tục hướng dẫn người dân phòng chống dịch hại sát sao hơn nữa. Cùng với đó, bám sát diễn biến thời tiết, thông tin thị trường để đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại do diễn biến bất thường của thời tiết; chủ động kiểm soát, phòng chống dịch hại có hiệu quả, kiểm soát mức độ gây ảnh hưởng của các đối tượng sinh vật gây hại dưới 5%. Ngoài ra, khuyến cáo người dân chủ động thu hoạch những diện tích lúa chín với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do thời tiết và sâu bệnh gây ra.
Dương Hà
Liên kết website
Ý kiến ()