Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:27 (GMT +7)
Đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở Hải Hà
Thứ 5, 19/05/2022 | 07:02:02 [GMT +7] A A
Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt mức tăng trưởng cao và bền vững, thời gian qua, huyện Hải Hà đã đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Các sản phẩm từ nông, lâm, ngư nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng trong ổn định đời sống của 77,27% dân số sống ở nông thôn của huyện Hải Hà. Mặc dù giá trị của sản xuất nông - lâm nghiệp chiếm tỷ trọng khiêm tốn, nhưng Hải Hà luôn xác định nông nghiệp là mũi nhọn, là thế mạnh trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Bởi vậy, trong những năm qua, huyện đã vận dụng các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện để đầu tư cho phát triển nông, lâm nghiệp - thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn kết sản xuất với tiêu thụ và thị trường, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Trên cơ sở điều kiện tự nhiên, tập quán canh tác, thế mạnh của từng xã, Hải Hà đã xác định 10 sản phẩm nông, lâm, thủy sản thế mạnh cần tập trung đầu tư thúc đẩy phát triển, gồm: Chè, rau các loại, thịt gà và trứng gà, thịt lợn, tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể, cá lồng bè, gỗ, chè hoa vàng, quế. Trên cơ sở này, huyện đã xây dựng và thực hiện các tiểu dự án đối với từng sản phẩm, trong đó, xác định rõ nội dung cần đầu tư, lộ trình triển khai, kinh phí thực hiện. Huyện đã xây dựng được 13 tiểu dự án ở cả 4 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.
Hiện Hải Hà có diện tích chè 765ha với sản lượng đạt 6.350 tấn búp tươi vào năm 2021; giá trị sản xuất chè đạt 25,4 tỷ đồng, chiếm 10,9% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Để phát triển sản phẩm chè, huyện tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè, trong đó trồng mới và trồng thay thế giống chè già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng những giống chống chịu sâu, bệnh, năng suất, chất lượng cao; trồng thay thế diện tích chè trung du đã hết chu kỳ khai thác bằng các giống chè mới như: Ngọc Thúy, Hương Bắc Sơn, Kim Tuyên… Huyện còn khuyến khích nông dân đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè búp tươi và hiệu quả kinh tế, tạo sự phát triển bền vững cho các nương chè... Huyện phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè tăng lên 900ha.
Với tình hình đô thị hóa mạnh mẽ, cùng với việc tập trung đông công nhân ở khu công nghiệp trên địa bàn... nhu cầu tiêu thụ rau ở Hải Hà ngày càng tăng. Hiện toàn huyện có hơn 1.000ha trồng rau với sản lượng khoảng 10.250 tấn. Hải Hà tiếp tục vận động người dân áp dụng quy trình sản xuất các loại rau theo tiêu chuẩn VietGAP; đầu tư cơ sở hạ tầng để xây dựng và phát triển vùng rau tập trung, sản xuất hàng hoá, đưa diện tích trồng rau toàn huyện tăng lên 1.200ha vào năm 2025.
Huyện còn tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững, tập trung vào lợn, gà. Trên cơ sở này, huyện tiếp tục tăng quy mô đàn ở những nơi có điều kiện; tăng tỷ trọng chăn nuôi tại trang trại; phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm, thành lập các hợp tác xã chăn nuôi an toàn, VietGAP, hữu cơ cung cấp sản phẩm cho chuỗi. Năm 2021, sản lượng thịt gà hơi trên địa bàn huyện đạt 610,5 tấn, sản lượng lợn hơi đạt 12.475 tấn.
Để phát triển sản phẩm thủy sản có lợi thế, huyện còn đẩy mạnh áp dụng các quy trình công nghệ nuôi bền vững, tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống; tăng diện tích trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng, duy trì là 355ha; diện tích vùng nuôi nhuyễn thể duy trì khoảng 642ha và quy mô nuôi lồng bè duy trì khoảng 60.000m3.
Đối với các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, Hải Hà tập trung nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, gắn trồng rừng gỗ lớn với chương trình bảo vệ và phát triển rừng, phát triển công nghiệp chế biến gỗ; ưu tiên lựa chọn cây bản địa đa mục đích như lim, trám, dổi, lát hoa, thông… kết hợp trồng xen cây lâm sản ngoài gỗ để tăng thu nhập cho các hộ dân nhận khoán rừng phòng hộ. Diện tích trồng rừng của huyện năm 2021 được 476,18ha, sản lượng gỗ khai thác đạt 28.809m3. Huyện phấn đến năm 2025, phát triển ổn định vùng rừng trồng nguyên liệu thuộc diện tích rừng sản xuất trên 17.500ha; trong đó, hình thành và phát triển rừng kinh doanh gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng trên 1.000ha...
Bên cạnh phát triển các vùng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, huyện cũng tích cực vận động các doanh nghiệp, người dân đầu tư khâu chế biến, bảo quản sản phẩm từ nông, lâm, ngư nghiệp gắn vùng nguyên liệu; đẩy mạnh thành lập mới, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Huyện hiện có 19 HTX dịch vụ liên quan đến ngành trồng trọt và một số HTX chăn nuôi.
Với việc đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, hiện đại theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao ở Hải Hà đã tạo bước chuyển trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn; góp phần cải thiện, nâng cao mức sống của người nông dân nơi đây.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()