Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 17:33 (GMT +7)
Phòng, chống tai nạn, thương tích trong môi trường học đường
Thứ 7, 30/05/2020 | 05:51:16 [GMT +7] A A
Vụ tai nạn cây đổ trong sân trường dẫn đến hậu quả một học sinh lớp 6 bị tử vong và nhiều em khác bị thương, xảy ra ngày 26/5 mới đây, tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP Hồ Chí Minh) đã khiến nhiều bậc phụ huynh và dư luận không khỏi lo lắng cho sự an toàn của trẻ em trong độ tuổi đến trường. Vụ việc xảy ra vào sáng ngày 26/5, khi một cây phượng cổ thụ trong khuôn viên sân Trường THCS Bạch Đằng bỗng nhiên bật gốc đổ xuống sân trường đè vào nhiều học sinh đang có mặt tại đó để chuẩn bị vào lớp học. Hậu quả làm một học sinh bị tử vong, 18 học sinh khác bị thương, trong đó có những em bị thương nặng, nhiều xe đạp của học sinh cũng bị đè hỏng.
Ngay sau khi vụ việc đau lòng xảy ra, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã đề nghị các Sở GD&ĐT trong cả nước chỉ đạo ngay các nhà trường khẩn trương liên hệ với đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn tiến hành kiểm tra, cắt tỉa, xử lý các cây có nguy cơ cao đổ gãy, không an toàn nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.
Cùng với việc gửi lời chia buồn tới gia đình học sinh tử vong và lời thăm hỏi đến các em học sinh bị thương trong vụ tai nạn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các địa phương và nhà trường cần quan tâm, tăng cường hơn nữa các biện pháp đảm bảo an toàn trường học. Bên cạnh đó, các địa phương, nhà trường cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn; các nội dung chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về vấn đề bảo đảm an toàn trường học; phòng, chống tai nạn, thương tích cho học sinh, sinh viên...
Các vụ tai nạn, thương tích trong trường học không chỉ duy nhất liên quan đến cây xanh trong khuôn viên bị gẫy, đổ mà nguyên nhân dẫn đến có rất nhiều tình huống. Thực tế cho thấy, đã có những học sinh bị ngã từ trên tầng cao khi leo trèo lên lan can lớp học, hay bị trượt chân khi nô đùa, thậm chí có những trường hợp bị quạt trần rơi xuống người... Do vậy, việc đảm bảo an toàn cho học sinh trong môi trường học đường phải được tính toán thật kỹ lưỡng, khoa học và phải lường trước được tất cả các tình huống có thể xảy ra.
Ở lứa tuổi các em học sinh, do đặc điểm tâm, sinh lý phát triển chưa hoàn thiện nên khả năng nhận biết các mối nguy hiểm, các kỹ năng phòng tránh còn nhiều hạn chế, chưa đầy đủ. Vì vậy, trách nhiệm bảo vệ các em vẫn thuộc về người lớn, mà cụ thể là các thầy, cô giáo, nhân viên nhà trường.
Và tình trạng cây xanh đổ, gãy nhất là với các cây cổ thụ không chỉ xảy ra ở trong các nhà trường mà còn ở nhiều khu vực khác, như trên vỉa hè các tuyến phố, tuyến đường, trong công viên, tại khuôn viên các công sở, cơ quan, đơn vị. Tuy các đơn vị quản lý đô thị, cây xanh cũng đã chú ý cắt tỉa, chặt hạ những cây không đảm bảo an toàn, nhất là trước khi bước vào mùa mưa bão. Song, trong thực tế vẫn còn xảy ra các trường hợp cây to đổ, gãy đè vào người đi đường, các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy và sự cố không chỉ xảy ra trong mùa mưa bão, mà cả ở những thời điểm không hề có mưa to, gió lớn.
Từ thực tế đó đặt ra trách nhiệm cho các cơ quan quản lý chuyên ngành, cho các cơ sở giáo dục phải có các biện pháp phòng, chống từ xa, có tính lâu dài. Cụ thể là ở những nơi thường xuyên có người qua lại, nơi tập trung đông người cần lựa chọn trồng, duy trì các loại cây có độ bám đất tốt, ít có nguy cơ bị gãy, đổ, có biện pháp chằng chống để không bị tác động bởi thời tiết, mưa gió. Với những cây có nguy cơ không đảm bảo an toàn cần kiên quyết chặt hạ, thay thế.
Vụ tai nạn xảy ra ở Trường THCS Bạch Đằng là bài học đắt giá, là sự cố đau lòng trong công tác đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích trong môi trường học đường. Hy vọng, từ bài học này, công tác đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường sẽ được đặc biệt chú trọng, quan tâm hơn, để không bao giờ còn xảy ra những trường hợp tương tự...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()