Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:41 (GMT +7)
Phòng chống thiên tai năm 2021: Quảng Yên xây dựng phương án, kịch bản cụ thể
Thứ 6, 04/06/2021 | 08:41:19 [GMT +7] A A
Theo nhận định của các cơ quan chức năng, mưa bão năm nay trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm, dự báo có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, trong đó khoảng 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Quảng Yên được xác định là địa bàn trọng điểm trong công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh. Để chủ động ứng phó, TX Quảng Yên đã có phương án, kịch bản cụ thể đối với các tình huống.
Để chủ động ứng phó, TX Quảng Yên đã tăng cường rà soát, bổ sung phương án phòng chống thiên tai trên cơ sở các loại hình thiên tai và cấp độ rủi ro thường xảy ra tại địa phương, từ đó xây dựng phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo sát thực, nhất là phương án ứng phó với bão mạnh, mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét...
Thị xã xác định, với tuyến đê biển Hà Nam dài 33,67km, mặc dù tổng thể đê mới được đầu tư nâng cấp, tuy nhiên địa phương vẫn thường xuyên rà soát, theo dõi, xác định các khu vực trọng điểm, xung yếu tiếp tục bảo vệ trên tuyến. Cụ thể, đoạn từ K10 - K16+500, có mặt thoáng rộng, chịu ảnh hưởng trực tiếp của sóng và nước biển dâng mạnh nhất khi có bão. Cùng với đó là đoạn K20+240-K23+250 phía ngoài đê, phạm vi được bảo vệ phía trong của đoạn này thuộc xã Tiền Phong, là vùng thấp trũng nhất của khu vực Hà Nam, khu vực có mực nước sâu và thường xuyên lộng gió, nên cũng được xác định là khu vực trọng điểm. Ngoài ra, ở khu vực Hà Bắc, nhất là tuyến đê thuộc khu vực các xã, phường: Hoàng Tân, Hà An, Đông Yên Hưng, Hiệp Hoà, Quảng Yên, Yên Giang, Sông Khoai, thị xã cũng chỉ đạo tăng cường quản lý, bảo vệ và giao nhiệm vụ quản lý, giám sát để kịp thời phát hiện những bất cập, kịp thời xử lý.
Tuyến đê Hà Nam được thiết kế đảm bảo chống được bão cấp 10, thuỷ triều tần suất 5%, do đó đối với phương án khi bão đổ bộ trực tiếp vào thị xã, dự báo lớn hơn cấp 10, nhỏ hơn cấp 12 và khi thuỷ triều xuống thì tổ chức di dân tại chỗ. Qua kiểm đếm, khu vực Hà Nam có gần 2.000 nhà dân cao tầng, trường học, trụ sở, trạm y tế có thể chứa gần 4 vạn dân khi có tình huống xấu xảy ra cần phải di dân tại chỗ. Thị xã cũng chủ động làm việc với các cơ quan, đơn vị và nhà dân có nhà cao tầng và diện phải di dời khẩn cấp để thống nhất phương án di dân khi có tình huống xảy ra.
Để chủ động đối phó với mưa lớn kéo dài, thị xã cũng xác định vùng có nguy cơ ngập lụt là: Khu vực Sông Khoai 2 (xã Sông Khoai), các phường Đông Mai, Hà An, trung tâm phường Quảng Yên và trước các cống tiêu dưới đê Hà Nam. Các xã, phường cũng tập trung lực lượng, phối hợp với Công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Yên Lập thường trực vận hành cống tiêu dưới đê để kịp thời có phương án mở cống tiêu nước… Đồng thời, có phương án cụ thể về phương tiện, vật tư, như: Rọ thép, bao tải, bạt chắn sóng, đá hộc, xuồng cao su, xuồng cao tốc… Các khu vực cho tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão cũng được chuẩn bị tốt. Đặc biệt, đối với những vị trí không an toàn như K11+100 - K11+900 (bến cống Lưu Khuê, xã Liên Hoà), địa phương thường xuyên nhắc nhở, thông tin đến người dân, chủ phương tiện thuỷ tuyệt đối không neo đậu tàu thuyền khi có bão.
Trong thời điểm nắng nóng diện rộng những ngày qua, TX Quảng Yên cũng chủ động tuyên truyền, cảnh báo nắng nóng, hướng dẫn người dân ứng phó, bảo vệ sức khoẻ, cũng như duy trì lao động sản xuất đảm bảo an toàn trên hệ thống truyền thanh. Các phường, xã cũng chủ động nạo vét, gia cố, duy tu hệ thống kênh tưới để đảm bảo đủ cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản cũng như sinh hoạt của người dân. Đồng thời, bố trí diện tích và cơ cấu thời vụ gieo trồng phù hợp với năng lực nguồn nước hiện có và có phương án cụ thể phòng, chống cháy rừng trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()