Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 16:49 (GMT +7)
Quảng Yên: Bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản
Thứ 3, 01/06/2021 | 09:00:29 [GMT +7] A A
Để bảo vệ môi trường hệ sinh thái biển, bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, thời gian qua, các lực lượng chức năng TX Quảng Yên đã thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm những vi phạm trong khai thác thủy sản.
Là địa phương nằm trong dải hành lang ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng, TX Quảng Yên có 34km đường bờ biển, trên 12.000ha bãi triều ở cả 19/19 xã, phường. Vùng biển của thị xã nằm trong vịnh kín, là nơi trú ngụ thích hợp để sinh sản và phát triển của nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Xác định công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản là hết sức cấp thiết, thị xã đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đặc biệt, UBND thị xã đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 1/9/2017 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Gần đây nhất, cuối tháng 5 vừa qua, thị xã đã tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra toàn bộ tuyến sông, biển do thị xã quản lý, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý các trường hợp cố tình sử dụng các ngư cụ đánh bắt thủy sản dưới hình thức tận diệt. Theo ông Trần Mạnh Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã, việc thường xuyên kiểm tra kết hợp với tuyên truyền là giải pháp hiệu quả nhất để người dân có thể nắm rõ và thực hiện nghiêm các quy định của tỉnh về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Qua kiểm tra, đoàn đã lập biên bản xử lý 1 trường hợp ngư dân xóm Nam, xã Liên Vị, đang đánh bắt thủy sản tại khu vực cửa sông thuộc xã Sông Khoai, bằng lồng bát quái, thu giữ 1 bộ kích điện. Trong quá trình kiểm tra, đoàn tăng cường nhắc nhở, tuyên truyền, phổ biến tới người dân, nhất là các hộ đánh bắt thủy sản, về quy định của pháp luật, các hành vi cấm trong khai thác thủy sản; các hoạt động bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Bên cạnh thường xuyên kiểm tra, thị xã tích cực rà soát, vận động, hỗ trợ các hộ ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp. Đến nay, thị xã có trên 250 hộ ngư dân tự nguyện chuyển đổi sang nghề khác, gần 500 hộ đăng ký vay vốn ưu đãi để nâng cấp tàu thuyền vươn khơi… Chị Vũ Thị Tý (thôn 7, xã Liên Hòa), một trong những ngư dân chuyển đổi nghề, cho biết: Trước kia gia đình tôi làm nghề khai thác thủy sản bằng lồng bát quái. Được sự tuyên truyền, vận động của xã, gia đình tôi đã hiểu cách làm này sẽ làm tận diệt nguồn thủy sản, nên đã dừng khai thác. Gia đình tôi vay vốn ngân hàng để chuyển sang nghề vận tải vật liệu xây dựng. Đến nay đã ổn định với nghề mới, gia đình tôi vận động các hộ ngư dân khác không đánh bắt thủy sản bằng hình thức tận diệt.
Để thay đổi nhận thức của ngư dân trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, in, phát trên 10.000 tờ rơi, băng rôn, pano về các quy định của pháp luật trong hoạt động thủy sản. Đối tượng tuyên truyền chủ yếu là cán bộ quản lý thủy sản, các tổ chức chính trị - xã hội thị xã, các phường, xã, chủ tàu cá, ngư dân, học sinh, thanh thiếu niên, nhất là vùng có nhiều người khai thác thủy sản. Thị xã tổ chức các hội nghị đối thoại, gặp gỡ, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định của pháp luật trong hoạt động thủy sản; tổ chức cho 100% các chủ tàu cá công suất từ 90CV trở lên ký cam kết không sử dụng các ngư cụ khai thác theo hình thức hủy diệt…
Thị xã chú trọng xây dựng chương trình ngoại khóa "Tuyên truyền về bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản” tại các trường có nhiều học sinh, giáo viên vùng có nhiều ngư dân, tàu hoạt động thủy sản, như: Tiền Phong, Liên Vị, Liên Hòa, Phong Hải, Phong Cốc, Cẩm La, Yên Hải, Nam Hòa, Hoàng Tân, Tân An, Hà An. Các đoàn thể, như hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên... tích cực vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho ngư dân về ý thức chấp hành quy định pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()