Tất cả chuyên mục

Thời tiết thay đổi, nhất là khi trời trở lạnh nên nhiều người thường bị đau nhức xương, cơ bắp. Để cung cấp cho bạn đọc một số thông tin liên quan đến bệnh lý này, phóng viên Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi cùng bác sĩ Trần Khanh, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
- Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân gây đau nhức xương và cơ bắp khi trời lạnh?
+ Đau nhức xương khớp, cơ bắp khi trời lạnh là tình trạng xảy ra phổ biến, thường gặp ở những người từ 40 tuổi trở lên. Các bộ phận hay bị nhức mỏi là vai, tứ chi, lưng, các khớp xương... Đây là những bộ phận "năng động" nhất, chịu nhiều tác động nhất trong cơ thể. Có nhiều người bỗng nhiên bị đau nhức xương khớp, cơ bắp, tay chân, nhức mỏi một chỗ hay toàn thân rồi tự hết sau 1-2 ngày; nhưng sau đó lại tái phát. Cơn đau kéo dài khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt, mệt mỏi, giảm chất lượng cuộc sống... Các cơn đau nhức có thể xảy ra tự nhiên, tuy nhiên một số trường hợp có liên quan đến các bệnh về cơ, xương, khớp...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên. Chẳng hạn như sự thay đổi thời tiết kéo theo hàng loạt sự thay đổi của các yếu tố bên trong cơ thể; đó là độ nhớt của dịch khớp, sự kết tủa của các muối, thay đổi nồng độ một số hóa chất trung gian trong cơ thể, thay đổi vận mạch… khiến cơ thể có thể bị bất ngờ, không kịp điều chỉnh để thay đổi theo là tiền đề khiến cho các cơn đau nhức cơ, xương khớp xuất hiện và tiến triển nặng nề hơn.
Thời tiết lạnh kéo theo áp suất khí quyển giảm sút, các mô cơ giãn nở chèn ép dây thần kinh làm cho các gân cơ bị co rút lại, dịch khớp đông quánh hơn khiến cho các khớp trở nên khô cứng, đau mỏi, khó cử động. Trời rét đậm, rét hại cũng làm quá trình lưu thông máu giảm bởi mạch máu co lại gây ra tình trạng thiếu máu, đây là điều kiện thuận lợi để các bệnh lý xương khớp tái phát và gây đau nhức xương khớp. Cùng với đó, trời lạnh thường khiến cơ thể giảm sức đề kháng, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút gây bệnh xâm nhập vào cơ thể gây viêm, sưng khớp hoặc cũng có thể do cơ thể thiếu một số khoáng chất (Magie, canxi, sắt, kẽm...). Với người lớn tuổi, do chức năng xương khớp suy giảm, khả năng thích nghi kém nên rất dễ xảy ra tình trạng đau nhức xương khi trời lạnh.
![]() |
Khi bị đau nhức xương khớp vào mùa lạnh, người dân cần đến các cơ sở y tế khám để tìm căn nguyên. Trong ảnh: Chụp X-Quang chân cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
- Khi bị đau nhức xương, cơ bắp do thời tiết lạnh có cần đến cơ sở y tế điều trị không, thưa bác sĩ?
+ Khi bị đau nhức xương khớp mùa lạnh, bạn không nên cố chịu đựng vì như thế sẽ khiến sức khỏe bị ảnh hưởng đáng kể, mà cần đến các cơ sở y tế khám để tìm căn nguyên của các cơn đau nhức, từ đó đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.
Nếu cơ, xương khớp bị đau nhức, tê cứng thì cần làm ấm bằng cách chườm ấm, giữ ấm hoặc dùng máy sấy… để giúp trao đổi nhiệt tại chỗ ở ngoài da và tăng cường tuần hoàn máu, làm ấm cơ thể. Tuy nhiên, lưu ý không xoa bóp, chườm nóng trực tiếp lên vùng khớp đang bị viêm sưng và đau nhức.
Có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, bổ sung magie, canxi, sắt, kẽm trong chế độ ăn. Dù trời lạnh vẫn nên duy trì quá trình vận động phù hợp và vừa sức; cần gia tăng sự tuần hoàn máu bằng cách vận động sau khoảng thời gian làm việc, vận động tay nhiều. Khi bị cứng khớp có thể dùng tay xoa bóp nhẹ nhàng. Hạn chế làm việc nặng nhọc để tránh gây tổn thương xương khớp. Xoa bóp vùng gáy cổ giúp lưu thông máu xuống cánh tay, xoa bóp cánh tay khi nhức mỏi, khi có tư vấn của bác sĩ.
- Để phòng đau nhức cơ bắp, xương khớp vào mùa lạnh, cần có biện pháp gì, thưa bác sĩ?
+ Bạn cần giữ ấm cơ thể khi đi ra ngoài hoặc làm việc, đặc biệt là tay, chân, cổ. Chú ý khi làm việc từ 60 đến 90 phút, nên giải lao 10-15 phút, vận động nhẹ nhàng cho khí huyết lưu thông. Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, an toàn; bổ sung thực phẩm giàu vitamin, protein, sắt... Những loại thực phẩm giàu canxi là các sản phẩm làm từ đậu tương, cây họ đậu, hạnh nhân, hạt vừng, quả óc chó... Các loại rau lá xanh sẫm (rau muống, rau mồng tơi, cải xanh...), cá hồi, cá mòi, váng pho-mai trắng, đặc biệt là sữa không béo. Chọn môn thể thao, tập thể dục phù hợp như cầu lông, đi bộ, yoga… rèn luyện thường xuyên.
- Xin cám ơn bác sĩ!
Thu Nguyệt (Thực hiện)
Ý kiến ()