Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 14:36 (GMT +7)
Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Uông Bí: Nỗ lực chuyển đổi số
Thứ 4, 04/05/2022 | 07:43:23 [GMT +7] A A
Trước xu thế tất yếu của chuyển đổi số, ngành Giáo dục TP Uông Bí đã và đang có nhiều hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số. Với cách làm linh hoạt, quyết liệt nhưng thận trọng, ngành Giáo dục thành phố kỳ vọng chuyển đổi số thành công sẽ hỗ trợ đổi mới phương thức dạy và học trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Thực hiện kế hoạch của trung ương, tỉnh, thành phố, ngành cấp trên về chuyển đổi số, ngày 4/3/2022, Phòng GD&ĐT thành phố đã ban hành Kế hoạch số 212/KH-PGD&ĐT về Chuyển đổi số ngành giáo dục đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu chung là ứng dụng CNTT và chuyển đổi số toàn ngành làm cơ sở thực hiện mục tiêu đổi mới phương thức dạy và học, quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục toàn thành phố.
Đến năm 2025, ngành giáo dục thành phố phải hoàn thành các cơ sở dữ liệu nền tảng chuyên ngành về giáo dục; đảm bảo ít nhất 50% học sinh, 100% giáo viên phổ thông có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến; 100% trường học tiếp tục triển khai phần mềm quản lý trường học trực tuyến; 100% học sinh, giáo viên có hồ sơ điện tử, có mã định danh thống nhất; 100% cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng sổ điểm học bạ, sổ sách, sổ liên lạc điện tử thay thế hoàn toàn hồ sơ giấy...
Thực hiện sự chỉ đạo của ngành, nhiều trường trên địa bàn thành phố đã nhanh chóng bắt tay vào chuyển đổi số. Cô giáo Lại Thị Thanh Linh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi, cho biết: Cũng như các cơ sở giáo dục khác, năm học 2021-2022, trước tình hình của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Ban giám hiệu nhà trường đã chủ động tham mưu cho phòng GD&ĐT thành phố tăng cường đầu tư trang sắm thiết bị như: Đường truyền Internet, camera, phòng máy tính thực hành, tivi, âm thanh, màn hình tương tác…, đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong dạy và học. Ngoài ra, trường còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương kêu gọi các mạnh thường quân tặng máy tính xách tay hay thiết bị điện thoại thông minh cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có thiết bị thông minh để học trực tuyến. Ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu mỗi giáo viên cần có kỹ năng sử dụng công nghệ, phải chuyển đổi tư duy để tiếp cận tri thức và phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người. Mặt khác, tư duy và năng lực quản lý của lãnh đạo nhà trường phải thay đổi, cần trang bị kiến thức và tư duy số để có thể làm chủ công nghệ và hiểu rõ giới hạn của công nghệ.
Cô Phí Thị Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A6 - Trường Tiểu học Lê Lợi, cho biết: Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của ngành, ban đầu tôi không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn, song với quyết tâm thay đổi phương thức chuyển tải kiến thức mà chuyển đổi số mang lại, tôi cũng như các giáo viên của nhà trường đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu trên mạng Internet, học hỏi từ đồng nghiệp… Đặc biệt, tôi cùng các đồng nghiệp đã quan tâm đầu tư tài liệu, phương tiện dạy học, tổ chức giảng dạy trong môi trường số, tích cực nghiên cứu, soạn bài giảng điện tử…, góp phần tạo hứng thú, giúp học sinh có thể dễ dàng tiếp thu bài giảng tốt hơn.
Hiện nay, Trường Tiểu học Lê Lợi đã hoàn thiện thu thập thông tin cơ sở dữ liệu dùng chung ngành giáo dục thành phố, kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung với các phần mềm nghiệp vụ trong nhà trường như: Quản lý học sinh, quản lý sức khỏe, y tế học đường, quản lý nhà trường, quản lý tài chính…; liên thông dữ liệu báo cáo lên cơ sở dữ liệu của ngành. Trường có phòng máy tính, phòng học 4.0; 100% lớp học và các phòng bộ môn, thư viện có tivi thông minh hoặc màn hình tương tác, có hệ thống camera bảo vệ và đường truyền mạng chạy tới các lớp, 100% giáo viên sử dụng máy tính xách tay lên lớp… Các giáo viên cũng đã sử dụng thành thạo học bạ điện tử, giáo án điện tử. Các phụ huynh cũng đã quan tâm hơn đến việc ứng dụng CNTT để có thể phối hợp thật tốt với giáo viên, tạo ra những tương tác trong không gian mạng để có thể quản lý việc học tập của con em mình được tốt hơn...
Với sự linh hoạt ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong GD&ĐT, ngành Giáo dục TP Uông Bí đã hoàn thành nhiệm vụ kép vừa đảm bảo chương trình năm học 2021-2022, vừa đảm bảo sức khỏe cho học sinh, giáo viên. Có thể thấy, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động giáo dục, nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn.
Kim Thuỷ (TTTT-VH Uông Bí)
Liên kết website
Ý kiến ()