Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 18:22 (GMT +7)
Phong tục cưới hỏi của người Sán Dìu
Chủ nhật, 10/03/2024 | 17:27:12 [GMT +7] A A
Phong tục đám cưới và hát Soọng Cô trong đón dâu là di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc của người Sán Dìu tại Quảng Ninh.
Theo phong tục của người Sán Dìu, việc cưới hỏi chủ yếu do nhà trai chủ động. Nhà có con trai lớn, đến tuổi dựng vợ thì nhờ xem có cô gái nào như ý thì giới thiệu cho. Việc cưới xin phải tiến hành đủ các bước: Lễ dạm hỏi, lễ so tuổi, lễ ăn hỏi, lễ dứt lời, lễ cưới chính thức và lễ lại mặt. Trong lễ dạm hỏi, chọn được dâu tương lai ưng ý, nhà trai sẽ nhờ người thân làm mối mang lễ vật sang nhà gái để ngỏ lời. Lễ vật thông thường gồm chục quả cau, vài lá trầu và bánh kẹo. Đến nhà gái, ông mối, hoặc bà mối bưng lễ ra làm động tác đưa lễ cho nhà gái đón nhận.
Sau lời ngỏ của ông mối, nhà gái sẽ trao (lục mệnh) của con gái mình gồm ngày sinh, tháng đẻ, tên cho ông mối và tiễn ông mối về. Ông mối mang lá số của cô gái về đưa cho họ nhà trai để nhờ thầy xem ngày lành tháng tốt. Sau đó ông mối đến nhà gái để báo ngày, đồng thời hỏi nhà gái về lễ vật thách cưới. Số tiền và lễ vật sẽ do ông mối bàn bạc với đại diện nhà gái xong rồi về báo với nhà trai chuẩn bị. Lễ ăn hỏi được tiến hành sau lễ so tuổi. Thông thường, lễ vật thách cưới gồm: Tiền mặt, thịt lợn, gà, rượu, quần áo cô dâu, vàng, bạc vòng tay.
Người Sán Dìu thường dùng lễ gánh (còn gọi là tam tàm) có thể từ 3-7 gánh. Trong đó có gánh đôi gà trống mái để trong 2 chiếc lồng có kèm theo bó tỏi tươi để tượng trưng cho sự an lành. Các gánh còn lại thường gồm gạo, rượu, thịt lợn và một số loại bánh truyền thống. Tất cả các gánh đều được dán giấy đỏ để cho hôn nhân được may mắn hạnh phúc. Khi hai nhà đã nhất trí với nhau về lễ vật thách cưới, nhà trai nhờ ông mối và một bé trai khoảng 13-14 tuổi bê tráp gỗ trong đó có trầu cau, rượu, chè, thuốc, tiền mặt đến nhà gái và đặt lên thắp hương để báo về việc nhà trai sắm sửa lễ sang nhà gái.
Lễ cưới thường diễn ra sau lễ ăn hỏi khoảng 1-3 tháng. Ông mối đưa sang nhà gái một nửa số tiền dẫn cưới, nửa còn lại sẽ đưa vào lễ cưới chính thức. Người Sán Dìu thường tổ chức lễ cưới vào cuối năm hoặc đầu năm mới âm lịch. Trong đoàn đi đón dâu, ông trưởng đoàn đại diện họ nhà trai (gọi là quan lang trưởng) phải là người giỏi ăn nói, đối đáp. Gần đến ngày cưới, xưa kia, cô dâu khóc 3 ngày đêm kể lể, tỏ lòng biết ơn công cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng. Khi đoàn nhà trai gần tới cổng nhà gái, nhà gái cử người ra ngõ chắn ở cổng hát đố nhà trai. Đại diện nhà trai phải đối lại mới được vào nhà, nếu không đối được sẽ phải nộp phạt một ít tiền.
Sau cuộc hát đối đáp vui vẻ, nhà gái sẽ dọn bàn ghế để mời đoàn nhà trai vào nhà. Vào nhà, ông mối thưa chuyện về việc đem lễ đến xin cưới và đón dâu. Nhà gái cử người ra nhận lễ vật để thắp hương báo với tổ tiên về việc cháu gái đi lấy chồng và cho cô dâu chú rể thắp hương. Nhà gái nhận lễ rồi mời mọi người uống nước, ăn cỗ. Mọi người cùng hát soọng cô chúc mừng cô dâu chú rể hạnh phúc.
Đến giờ xin dâu, ông mối thưa chuyện để kịp giờ về nhà trai. Vào giờ xuất giá, cô dâu quỳ lạy cha mẹ. Chị dâu, hoặc chị gái dẫn ra khỏi ngưỡng cửa và bám vai anh trai ruột đi ra ngoài sân và ngồi ghế. Cô dâu được phủ miếng vải đỏ lên đầu. Ông bà, bố mẹ, cô dì chú bác tặng phong bao gói trong giấy đỏ cho cô dâu. Đến giờ chú rể vén rèm dắt cô dâu lên kiệu hoa. Người Sán Dìu ở Tiên Yên dùng kiệu hoa rước dâu. Đoàn rước dâu nếu gặp suối thì cô dâu bước xuống để chú rể cõng qua. Còn ở Vân Đồn, cô dâu thường được một người đàn ông khoẻ mạnh trong gia đình cõng về nhà chồng.
Theo phong tục, khi đi qua mỗi sông, suối hay cầu cống, cô dâu phải thả tiền lẻ để cầu may mắn. Đến gần nhà chồng, trời mà chưa tối, đoàn phải dừng lại cổng làng, chờ xẩm tối, nhà trai đem trầu nước ra mời vào nhà rồi tổ chức cỗ ăn mừng cô dâu mới. Mẹ chồng ra ngõ đón cô dâu và đưa cho chai nước, dắt vào nhà, thắp hương bái lạy tổ tiên. Cô dâu làm thủ tục nhận mặt họ hàng. Suốt đêm, trai gái đua nhau hát soọng cô mừng cô dâu, chú rể hạnh phúc.
Ngày hôm sau, khi trời chưa sáng hẳn, cô dâu dậy đun nước, chuẩn bị khăn mới để mời người thân bên chồng rửa mặt. Người được nhận khăn rửa mặt lì xì để chúc phúc cho cô dâu, chú rể.
Đến ngày thứ ba, cô dâu, chú rể lại mặt tại nhà gái. Đoàn đi lễ lại mặt gồm có cô dì, chị gái chú rể mang gà sống thiến, chân giò, bánh chưng đến nhà gái. Nhà gái mời họ hàng cùng đến ăn cơm trong lễ lại mặt. Theo phong tục thì vợ chồng mới cưới đến nhà gái lại mặt phải về nhà trai trước khi mặt trời lặn.
Điểm đặc biệt trong đám cưới của người Sán Dìu, những nghi thức thường đi liền với hát soọng cô và nhiều khi người ta dùng tiếng hát thay cho lời nói. Hát soọng cô trong đám cưới được truyền miệng trong dân gian. Sau này được ghi chép thành văn. Khác với soọng cô giao duyên, đối đáp với thời gian dài, không gian mở thì soọng cô trong đám cưới chỉ diễn ra chủ yếu ở trong nhà, vào thời gian khi nhà trai đến đón dâu và hát sau lễ khai hoa tửu (hát chúc tụng). Soọng cô trong lễ cưới là những cuộc đối đáp lịch thiệp sôi nổi giữa đại diện họ nhà trai và nhà gái với những lời thơ trang nhã. Đây không chỉ là sinh hoạt tinh thần mà còn chứa đựng tình cảm, đạo đức, lối sống, phép ứng xử.
Phạm Học
- Phong tục đón Tết của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu
- Những phong tục cổ truyền trong Tết Nguyên đán của người Việt
- Những phong tục trong ngày Tết cổ truyền
- Những phong tục đón năm mới độc đáo trên thế giới
- Vài nét về phong tục của người Sán Dìu ở xã Sơn Dương
- Công trình khảo cứu giá trị về phong tục tập quán Việt Nam
- Phong tục cưới truyền thống của người Tày ở Bình Liêu
- Tinh hoa văn hóa dân tộc qua những phong tục ngày Tết cổ truyền
Liên kết website
Ý kiến ()