Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:49 (GMT +7)
Phong tục lễ chùa đầu năm
Thứ 4, 09/02/2022 | 09:24:59 [GMT +7] A A
“Tìm hiểu văn hóa Phật giáo và lịch sử các ngôi chùa ở Việt Nam”, “Chùa Việt Nam”, “Vào chùa lễ Phật: Những điều cần biết” là 3 cuốn sách nói về phong tục đi chùa đầu xuân.
Đối với người Việt, Tết Nguyên đán không chỉ mang ý nghĩa chào đón năm mới, mà còn mang nét tâm linh, tín ngưỡng. Sau khi hoàn tất mâm cơm tất niên, cùng Giao thừa và đi chúc Tết người thân, họ hàng, người dân thường tìm về các ngôi đền, chùa để cầu bình an, may mắn cho gia đình trong dịp năm mới.
Người Việt tin rằng phong tục này không chỉ để cầu nguyện, mà còn là khoảnh khắc để hòa mình vào thế giới tâm linh, tạm gác lại phía sau bao lo toan, vất vả trong cuộc sống. Mỗi người đi lễ chùa đều có những mục đích riêng: Cầu tài lộc, cầu duyên, hoặc cầu sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Một số cuốn sách được xuất bản, giúp độc giả hiểu thêm về văn hóa, tín ngưỡng Phật giáo và những điều cần biết khi đi lễ chùa đầu năm như: Tìm hiểu văn hóa Phật giáo và lịch sử các ngôi chùa ở Việt Nam, Chùa Việt Nam, Vào chùa lễ Phật: Những điều cần biết.
Văn hóa Phật giáo trong đời sống
Với mục đích tìm hiểu nền văn hóa Phật giáo cũng như lịch sử các ngôi chùa ở Việt Nam, Nhà xuất bản Lao Động cho ra mắt cuốn sách Tìm hiểu văn hóa Phật giáo và lịch sử các ngôi chùa ở Việt Nam.
Cuốn sách gồm ba phần. Phần một - Văn hóa Phật giáo - trình bày những ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo đối với văn hóa dân tộc Việt từ bao đời nay.
Phần hai - Văn hóa Phật giáo trong đời sống tinh thần và vật chất của người Việt - bàn về nghi lễ hành hương, đi lễ chùa đầu năm.
Điểm đến của những cuộc hành hương là nội dung chính được nhắc tới trong phần ba - Những ngôi chùa. Trong phần này, các tác giả giới thiệu những ngôi chùa tiêu biểu trải dọc ba miền đất nước.
Toàn bộ nội dung sách đem đến giá trị độc đáo, sâu sắc, thấm đẫm tính văn hóa tôn giáo, hòa hợp tinh thần dân tộc và tự do tín ngưỡng của người Việt.
122 ngôi chùa ở Việt Nam
Cuốn sách Chùa Việt Nam của nhóm tác giả Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Cự, Phạm Ngọc Long, do Nhà xuất bản Thế Giới phát hành, giới thiệu tới bạn đọc hàng trăm ngôi chùa tiêu biểu trên mọi miền đất nước qua các thời kỳ, triều đại khác nhau.
Ở lần tái bản thứ năm, cuốn sách được bổ sung nghiên cứu và giới thiệu những ngôi chùa tại quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) hay một số ngôi chùa ở miền núi, nâng tổng số chùa được khảo cứu lên 122 ngôi trên cả nước.
Sách gồm ba phần: Tổng luận về chùa Việt Nam, Giới thiệu 122 ngôi chùa tiêu biểu trên khắp mọi miền đất nước qua các thời kỳ và Danh sách 773 ngôi chùa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia (tính đến ngày 31/12/2012).
Ở phần đầu tiên, GS Hà Văn Tấn trình bày góc nhìn tổng quan về chùa Việt Nam, từ khái niệm, công việc xây chùa đến cách bài trí tượng thờ trong chùa.
Theo tác giả, chùa có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng. Mỗi ngôi chùa cổ vừa là nơi lắng đọng quá khứ, vừa tham gia hàng ngày vào đời sống văn hóa của con người, bởi đây chính là địa điểm diễn ra nhiều nghi lễ cổ truyền của dân tộc.
Tiếp đến, trong phần hai, mỗi ngôi chùa (trong tổng số 122 ngôi) đều được trình bày, giới thiệu khái quát bằng một phần tóm tắt ngắn gọn lịch sử kèm theo các bản vẽ, tranh ảnh minh họa về các di tích, di vật.
Hơn 1.000 bức ảnh nghệ thuật của tác giả Nguyễn Văn Cự và Phạm Ngọc Long cùng cộng sự đưa bạn đọc ghé thăm những ngôi chùa giữa cộng đồng làng xã Việt Nam.
Chùa Việt Nam đem đến khối kiến thức về những ngôi chùa có đời sống thực thể lần tinh thần lâu bền trong văn hóa dân tộc. Tìm hiểu về nó, chúng ta không chỉ thấy được đặc điểm của nền Phật giáo, tín ngưỡng, mà còn hiểu thêm về văn hóa, tư tưởng của người Việt; đồng thời giải thích được việc vì sao con người lại đi lễ chùa đầu năm.
Những điều cần biết khi đi chùa đầu năm
Đi chùa đầu năm để cầu mọi sự tốt lành từ lâu đã trở thành phong tục đẹp của người Việt trong những ngày đầu xuân năm mới. Thế nhưng, đâu là những lưu ý khi đi chùa? Cuốn sách Vào chùa lễ Phật: Những điều cần biết (Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin) trả lời cho câu hỏi đó.
Đi chùa đầu năm, đầu tháng được coi là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống. Dù đến chùa dâng hương để cầu nguyện hay vãn cảnh, du xuân, thì phong tục hành hương đầu xuân này cũng giúp con người cảm nhận được sự thanh tịnh trong tâm hồn và hướng đến lối sống thiện lành hơn.
Cuốn sách được biên soạn với mục đích giúp người Việt, đặc biệt là thế hệ độc giả trẻ giải đáp thắc mắc về một số tín ngưỡng khi đi chùa.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()