Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:32 (GMT +7)
Phụ nữ Tiên Yên chung tay giữ gìn văn hóa dân tộc
Thứ 7, 27/04/2024 | 13:18:25 [GMT +7] A A
Trên địa bàn huyện Tiên Yên có 13 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc sắc, đặc trưng riêng. Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, góp phần phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập, Hội LHPN huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia các CLB bảo tồn văn hóa dân tộc.
Nằm ở phía Đông Bắc của huyện Tiên Yên, xã Đại Dực có 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Sán Chỉ chiếm 90%. Để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tháng 4/2023 xã Đại Dực đã thành lập CLB Bảo tồn văn hóa dân tộc với hầu hết thành viên đều là nữ.
Để duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của CLB, Hội LHPN xã Đại Dực đã tích cực tuyên truyền, vận động phát triển hội viên, phụ nữ tham gia sinh hoạt CLB; vận động hội viên mặc trang phục truyền thống trong các dịp lễ, tết, đám cưới, đám hỏi, sinh hoạt chi bộ, các sự kiện quan trọng, đồng thời giữ gìn làn điệu soóng cọ, các trò chơi dân gian, như đánh quay (gụ), thổi kèn lá, ném còn, đá cầu chinh...
Đầu năm 2024, Hội Phụ nữ xã thành lập thêm CLB Hát soóng cọ với 10 thành viên (7 nữ, 3 nam) nhằm truyền dạy làn điệu truyền thống của dân tộc cho nhân dân địa phương và phục vụ du khách tại các điểm du lịch cộng đồng. Bà Trần Thị Phúc, thành viên CLB Hát soóng cọ xã Đại Dực, cho biết: Tôi biết hát soóng cọ từ bé nhờ được nghe các bà, các mẹ hát nhiều thành thuộc. Tham gia CLB Hát soóng cọ của xã, tôi đã nghiên cứu, sưu tầm thêm một số bài để truyền dạy lại cho các thành viên CLB, cũng như người dân, nhằm lưu giữ, bảo tồn văn hóa của người Sán Chỉ.
Trong 2 năm (2022-2023), CLB Dạy thêu váy, thêu khăn của CLB Bảo tồn Văn hoá dân tộc Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán xã Yên Than luôn hoạt động tích cực. Hằng tháng các hội viên đều tập trung tại Nhà văn hóa thôn để truyền dạy cho nhau từng đường kim, mũi chỉ, hoa văn, họa tiết đẹp mắt, nhằm giữ gìn nghề thêu truyền thống của dân tộc mình.
Từ khi thành lập CLB đến nay, số lượng hội viên, phụ nữ biết thêu khăn, thêu váy để mặc đã tăng lên rất nhiều. Chị Đặng Sám Múi (thôn Khe Muối C) cho biết: Lần đầu tiên được các bà, các cô dạy thêu, tôi còn rất bỡ ngỡ, nhưng sau một thời gian tôi đã thêu thành thạo hơn. Giờ tôi đã có thể thêu khăn đội đầu, là thành phần không thể thiếu trong trang phục truyền thống của dân tộc Dao. Ngoài ra, tôi đang học thêu thêm các họa tiết, hoa văn trên váy áo. Được học thêu trang phục truyền thống, tôi thấy rất vui và thích thú.
Năm 2024, Hội LHPN xã Yên Than sẽ tổ chức các lớp dạy làm mũ xếp đội đầu, xỏ hạt cườm, làm yếm cho chị em, nhằm khơi dậy tình yêu, niềm tự hào với trang phục truyền thống, góp phần giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc Dao.
Tính đến nay, Hội LHPN huyện Tiên Yên đã thành lập được gần 10 CLB bảo tồn văn hóa dân tộc, như CLB Bảo tồn văn hóa dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực (dạy hát soóng cọ), CLB Bảo tồn văn hóa dân tộc Sán Dìu xã Hải Lạng (dạy hát sọng cô), CLB Bảo tồn văn hóa dân tộc Tày xã Điền Xá, xã Phong Dụ (dạy hát then, đàn tính, dạy làm bánh, đan lát), CLB Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán xã Yên Than, xã Phong Dụ (dạy thêu váy, thêu khăn)... Với hầu hết thành viên đều là nữ, các CLB này đã phát huy tối đa vai trò của phụ nữ trong việc truyền dạy cho thế hệ sau những nét đẹp, bản sắc của văn hóa dân tộc.
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Tiên Yên Bùi Thị Thơ, năm 2024 ngoài việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các CLB đã có, hội sẽ tiếp tục thành lập CLB Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao xã Đông Ngũ, CLB Đánh quay xã Đại Dực. Phục dựng nghi lễ đám cưới, đám hỏi, đón dâu dân tộc Dao; tăng cường các hình thức quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống, không gian văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng của đồng bào các DTTS tạo sân chơi, môi trường rèn luyện, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa giàu bản sắc địa phương cho hội viên phụ nữ.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()