Tất cả chuyên mục

Nằm trong quần thể di sản nhà Trần tại Đông Triều, chùa Trung Tiết (xã An Sinh) là nơi thờ Phật và 2 vị trung thần Đặng Tảo, Lê Chung. Chuyện kể rằng, sau khi vua Trần Anh Tông mất, 2 ông đã từ quan, đưa cả gia quyến về đây dựng chùa thờ Phật và trông nom phần mộ của nhà vua...
![]() |
Mặt bằng tổng thể chùa Trung Tiết được quy hoạch lại đồng bộ, khang trang. Ảnh: Thanh Tùng (CTV) |
Tấm gương của 2 ông được vua đời sau trân quý và lấy chữ Trung Tiết đặt tên cho chùa. Câu chuyện đặc biệt ấy gắn với di tích và được truyền lại đến ngày nay, dù đã trải qua bao phong sương tuế nguyệt, chùa xưa gần như không còn dấu vết ngoài một số di vật, cổ vật... Ngược lại, không gian rộng rãi, thoáng đãng nơi đây lại cho người dân, du khách những trải nghiệm rất tuyệt vời khi về chùa chiêm bái, lễ Phật. Chính vì vậy, với quy hoạch mới và dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích chùa Trung Tiết đã đem lại sức sống mới cho công trình của người xưa.
Sau khi UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định phê duyệt dự án ngày 10/4/2017, TX Đông Triều đã tổ chức lễ động thổ vào trung tuần tháng 5/2017. Trở lại chùa Trung Tiết vào đầu tháng 12 này, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi tổng thể chùa đã được quy hoạch lại đồng bộ, khang trang với các công trình xây mới đan xen trong không gian xanh của vườn vải, hệ thống hoa, cây xanh hài hòa, đẹp mắt.
![]() |
||
![]() |
![]() |
![]() |
Tam bảo (ảnh trên cùng) và một số hạng mục công trình khác trong tổng thể quy hoạch chùa Trung Tiết. Ảnh: Phan Hằng |
Qua tìm hiểu và quan sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, việc quy hoạch các công trình vẫn dựa trên địa hình tự nhiên nơi đây, chia khu vực nội tự thành 2 cấp nền chính: Phía trước là nền tam bảo và nền khu vực hai bên; phía sau gồm đền thờ vua và 2 vị trung thần, đền mẫu, khu phụ trợ. Theo trục chính bao gồm tam quan, tam bảo, nhà tổ. Trong đó, cổng tam quan thiết kế kết hợp hai cổng phụ tạo nên vẻ bề thế, uy nghi cho mặt tiền tổng thể di tích. Tam bảo được xây dựng trên nền cũ với thiết kế tam bảo, nhà tổ, hành lang có mặt bằng nội công ngoại quốc 1 tầng mái.
Ở phía trước đăng đối hai bên tam bảo xây dựng nhà bia và khu bảo quản, giới thiệu các hiện vật khảo cổ. Ngoài mục đích bảo quản, trưng bày tấm bia Trung Tiết tự bi thời Bảo Đại, các hiện vật khảo cổ như chân tảng đá, ngói tượng rồng... còn đóng góp một phần không nhỏ trong tổng thể kiến trúc, là điểm nhấn cho khu vực phía trước tam bảo. Tháp Phật ở phía trước bên tả của tam bảo, kết hợp cùng các tháp mộ, tháp tổ tạo nên một sự đa dạng, phong phú trong cảnh quan không gian phía trước di tích.
![]() |
![]() |
Các hạng mục công trình chùa Trung Tiết được xây mới trong không gian xanh của vườn vải, hệ thống hoa, cây xanh hài hòa, đẹp mắt. Ảnh: Phan Hằng. |
Ở cấp nền thứ 2 phía sau, nhà mẫu ở sân bên tả tam bảo, phía sau là hệ thống các công trình phụ trợ. Đền thờ vua và hai vị trung thần được tách độc lập phía hữu tam bảo, có mặt bằng hình chữ Đinh; bên ngoài là hai ban thờ hai vị trung thần Đặng Tảo và Lê Chung, trong cung thờ đức vua Trần Anh Tông... Các công trình đều sử dụng chất liệu truyền thống với kết cấu khung cột vì kèo gỗ lim, nền lát gạch bát, mái lợp ngói mũi hài; thiết kế phù hợp với quy hoạch tổng thể và kiến trúc, cảnh quan của di tích.
Tính từ thời điểm chính thức thi công cho tới lúc khánh thành thì việc xây dựng chùa Trung Tiết chỉ mất hơn 7 tháng. Điều này cho thấy sự quyết tâm cao, tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, sự phối hợp tốt của Đại đức Thích Quảng Hiển - nhà sư trụ trì và sự ủng hộ của nhân dân trên địa bàn. Bởi lẽ, để có thể mở rộng diện tích khuôn viên di tích lên 2,55ha, 9 hộ dân trong phạm vi quy hoạch đã đồng thuận trong việc di chuyển đến nơi ở mới. Thêm nữa, Quỹ Thiện tâm (Tập đoàn Vingroup) cũng đã vào cuộc tích cực công đức nguồn kinh phí chủ yếu trong tổng mức đầu tư hơn 79 tỷ đồng tôn tạo lại chùa, góp phần hoàn thiện thêm một dự án bảo tồn, tôn tạo các di tích thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, lan tỏa ý nghĩa giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc và góp phần phát triển du lịch văn hóa tâm linh của địa phương.
Phan Hằng
Ý kiến ()