Tất cả chuyên mục

Trước đây, Hang Son là một vùng rừng sú vẹt ngập mặn và sình lầy nằm giữa Uông Bí và Thủy Nguyên - Hải Phòng. Nước sông Đá Bạc lên to, sóng vỗ vào tận những vách núi đá vôi nối nhau như đàn trâu mộng, con đằm mé sông, con phủ phục trên bãi cạn. Cả vùng sông nước mênh mông không một túp nhà. Ngày nay, sau 48 năm, Hang Son là xã Phương Nam 14 thôn trù mật với số dân hơn 11.000 người...
![]() |
Một góc phường Phương Nam hôm nay. Ảnh: Ngọc Huấn |
Năm 1963, theo tiếng gọi của Đảng, công trường quai đê lấn biển Hang Son mở màn, khuấy động cả một vùng non nước. Sau 500 ngày đêm gian nan vật lộn với đất và muỗi, với nắng mưa và gió bão, nhân dân các xã huyện Yên Hưng đến tận đây góp sức góp của làm nên một dải đất khai hoang phía tây TX Uông Bí.
Từ chỗ tưởng bế tắc tụt hậu, nay Phương Nam xuất hiện nhiều triệu phú, tỷ phú, nhiều chủ trang trại, doanh nghiệp tư nhân không chỉ làm giàu cho mình mà còn giúp được nhiều người khác cùng phát triển. |
Tháng 5-1964, người các xã Phong Cốc, Yên Hải, Cẩm La, Hiệp Hòa về đây lập làng kinh tế mới. Các gia đình tình nguyện sẻ nửa. Con trưởng ở lại quê trông nom tổ tiên. Con thứ chuyển đi. Nhà nào cũng bịn rịn lưu luyến. Buổi đầu dân khai hoang phải ở tạm tập trung dưới dãy nhà lợp tôn cạnh cầu Đá Bạc, một năm sau mới làm được nhà riêng. Những chòm xóm mọc lên tựa những mảng bèo tấp vào ven sông, mé núi, đùm bọc nhau trên nền đất còn nhão nhoẹt chua mặn.
Lúc bấy giờ đầu cầu Đá Bạc có 40 hộ dân là chòm dân cư đầu tiên ở thành xóm đông đúc. Hai lần xóm Đá Bạc bị máy bay giặc Mỹ đánh bom. Lần thứ nhất tháng 2-1965, bom đánh trượt cầu Đá Bạc - cây cầu cầu bê tông cốt thép từ thời Pháp để lại. Lần thứ hai 4-4-1966, bom đánh trúng giữa cầu, cắt gẫy đôi, đứt hẳn mạch máu giao thông Quảng Ninh với Hải Phòng. Nhiều người lo sợ liền dắt díu nhau về quê. Cụ Vũ Đình Thanh, Bí thư chi bộ, vẫn không hề nao núng, ra sức vận động các đảng viên, đoàn viên thanh niên và gia đình mình gương mẫu ở lại, đồng thời lặn lội về dưới quê vận động bà con bình tĩnh, tiếp tục quay lên bám trụ. Đất có hơi người, ấm lại. Cuối năm 1968, các HTX Hồng Hải, Cẩm Hồng, Phong Thái, Bạch Đằng, Hiệp An hợp nhất lại. Tháng 4-1969 thì thành lập xã Phương Nam. Ngôi làng bên cầu và sông Đá Bạc có tên Phương Nam từ đó.
Bao gian khó lùi dần khi Phương Nam tìm được lối đi trên đường làm ăn bằng nghề trồng cói, dệt chiếu xuất khẩu. Cây cói đã đưa Phương Nam lên một thời rực rỡ về một làng nghề, một làng kinh tế mới phát triển. Mỗi gia đình hằng năm sản xuất được từ 5 - 10 tấn cói khô, thanh toán với Nhà nước được từ nửa đến 1 tấn gạo vào nhà. Dân no ấm, xây nhà dựng cửa, sắm sanh được đủ mọi thứ, còn cho dân trong thị xã, dân dưới quê vay giải quyết khó khăn... Tiếng máy se đay, dệt chiếu sôi động suốt ngày đêm. Ai cũng có việc làm. Cả làng đều trông vào cây cói!
Về văn minh nông thôn Quảng Ninh thời đó, Phương Nam thực sự là một trong số ít xã đi đầu. Ngay năm 1964, xã đã đưa được nước máy từ khu công nghiệp Uông Bí về dùng. Năm 1977-1978 hoàn thành mạng lưới điện - nước cho sản xuất và đời sống. Năm 1982, nâng cấp công trình nước sạch cho tất cả các hộ dân. Trạm Y tế điển hình với đội ngũ thầy thuốc và vườn thuốc nam chữa bệnh tại chỗ. Đội văn nghệ hoạt động rất mạnh, đi biểu diễn khắp nơi. Xã 2 lần được nhận Huân chương Lao động. Nhiều đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước, đại biểu quốc tế về thăm Phương Nam đều vui mừng đánh giá: Đây là một hình mẫu nông thôn XHCN lý tưởng, đầy tương lai! Còn người nơi khác ghé qua, lúc về đều có tấm chiếu Phương Nam làm quà, có chuyện người, chuyện đất Phương Nam để nói...
Nhưng sau đó vào cuối những năm 1980, Phương Nam bỗng điêu đứng, khủng hoảng kinh tế do ảnh hưởng thời kỳ sụp đổ của các nước XHCN Đông Âu. Mất bạn hàng, nông dân rơi vào những khó khăn như con thuyền mất lái, như bản nhạc đang tấu lên cao trào chợt đứt dây đàn! Nếu không có công cuộc Đổi mới của Đảng như làn gió xuân thổi về...
Sau thời gian chưa đầy nửa thế kỷ, hòn đất hoang dại đầu tiên đã nở nang thành vùng đất 2.054ha tự nhiên. Người Phương Nam bây giờ làm ăn chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi khai thác 380ha canh tác nông nghiệp, 300ha ao đầm nuôi trồng thuỷ sản và con em họ vào làm công nhân ở các Công ty... Nay có thêm nhiều ngành nghề dịch vụ, thương mại, công nghiệp. Riêng tiềm năng thuỷ sản, Phương Nam có 2 đầm lớn mới khoanh vùng: Vành Kiệu 1 với 50 ha, Vành Kiệu 2 với 250 ha, cùng hơn 100 tàu thuyền đánh bắt hải sản ngoài sông biển... mỗi năm cho nguồn lợi hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt năm 2003, Quốc lộ 10 đi qua, cầu Đá Bạc được xây dựng lại nối liền Hải Phòng với Quảng Ninh đã thúc đẩy nền kinh tế của xã nhanh chóng tăng trưởng, cảnh sắc nông thôn và đời sống nông dân ngày một nâng cao. Các thôn hình thành rõ đặc thù kinh tế, như: Cẩm Hồng trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thuỷ sản sông biển... Đá Bạc, Hiệp An nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ, thương mại. Phong Thái làm vườn, chuồng, ao, ruộng, đặc biệt trồng vải xuất khẩu nhiều năm nay thu hoạch rất tốt. Từ chỗ tưởng bế tắc tụt hậu, nay Phương Nam xuất hiện nhiều triệu phú, tỷ phú, nhiều chủ trang trại, doanh nghiệp tư nhân không chỉ làm giàu cho mình mà còn giúp được nhiều người khác cùng phát triển. Được tỉnh, thị xã hỗ trợ đầu tư, Phương Nam đã hoàn chỉnh hệ thống kênh dẫn nước ngọt và mương lấy phù sa sông Đá Bạc về đồng; cùng hệ thống trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã, nhà văn hoá cộng đồng các thôn... trị giá hàng chục tỷ đồng. Nhân dân các thôn còn tự bê tông hoá hệ thống đường ngõ hòa vào lộ giao thông đường 10. Một số dòng họ đã xây cất nhà thờ họ để khắc ghi các Tiên công lập làng… Hang Son và chùa Hang Son hoang vu, lạnh lẽo nằm ẩn sâu trong một vách núi đá đã được tu tạo, khai thác như một điểm du lịch của TP Uông Bí… Sang những năm đầu thế kỷ 21, từ ngày Khu công nghiệp Quang Trung hoạt động, đã góp phần làm cho diện mạo vùng Hang Son - Phương Nam hoàn toàn đổi mới.
Dọc hai bên đường 10, các khu dân cư mới sáng choang, nhà cao tầng, cửa hàng cửa hiệu… Nhà dân, nhà máy, công sở và đường làng ngõ xóm đâu cũng sạch đẹp, khang trang. Những hàng cột điện mới thay thế, đứng thành hàng thẳng tắp như những cột tiêu. Xen kẽ là các cánh đồng chuyển mùa cấy gặt, các trang trại lớn nhỏ lao xao mặt nước ao đầm in bóng núi đá soi mình xanh biếc. Sông ngòi ở đây còn giữ được vẻ "long lanh đáy nước in trời''. Không gian sinh thái mát mẻ như còn nguyên thuỷ. Trong nhịp điệu TX Uông Bí lên thành phố, xã Phương Nam nay là phường Phương Nam vẫn hữu tình tựa tranh vẽ với cuộc sống của "phố làng" ven đô sôi động lạ thường…
Dương Phượng Toại
Ý kiến ()